Tài khoản

Cùng mẹ tìm hiểu từ A đến Z về ăn dặm kiểu Nhật (tiếp)

Mẹ Thóc 4 năm trước

Hiểu rõ về từng giai đoạn, ưu điểm cũng như một số lưu ý trong ăn dặm kiểu Nhật sẽ giúp mẹ và bé có hành trình ăn dặm thuận lợi hơn.

Xem nhanh

  • Các giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật
  • Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật
  • Một số lưu ý quan trọng mẹ nên nhớ

1Các giai đoạn trong ăn dặm kiểu Nhật

Quá trình ăn dặm kiểu Nhật của trẻ thường được chia làm 4 giai đoạn tương ứng với từng giai đoạn phát triển kĩ năng của trẻ, theo đó mà độ thô, độ đặc loãng của thực phẩm cũng có sự thay đổi khác nhau.

  • Giai đoạn 1 - Khi trẻ được 5-6 tháng tuổi: Vào giai đoạn đầu tiên này, con mới tập làm quen với việc ăn dặm nên các loại cháo rây, rau củ nghiền mẹ nên chuẩn bị với độ loãng tương đương với cháo tỉ lệ 1:10 (1 phần gạo nấu với 10 phần nước) và cần rây, nghiền thật mịn nhuyễn, đảm bảo không có hạt lổn nhổn trong đồ ăn của con. Loại thực phẩm phù hợp với con lúc này là cháo trắng, các loại rau củ, đậu hũ và thịt trắng dễ tiêu hóa (thịt nạc, cá,...).

  • Giai đoạn 2 - Khi trẻ được 7-8 tháng tuổi: Con đã bước sang giai đoạn tập nhai, vì thế thức ăn mẹ có thể chuẩn bị đặc hơn một chút, độ loãng tương đương với tỉ lệ 1:7 và vẫn cần nghiền mịn thức ăn. Tuy nhiên mẹ có thể theo dõi phản ứng của con và tăng dần tỉ lệ cũng như độ thô lên một chút. 

Độ thô thực phẩm của trẻ sẽ được thay đổi liên tục theo từng giai đoạn (Ảnh: Internet)

  • Giai đoạn 3 - Khi trẻ được 9-11 tháng tuổi: Kĩ năng nhai của bé đang dần được hoàn thiện và con đã có thể ăn cháo nguyên hạt được nấu với tỉ lệ 1:5 cùng các loại thực phẩm được chế biến cứng và nghiền thô hơn so với các giai đoạn trước. Con cũng đã ăn được hầu hết các loại thực phẩm quen thuộc như trứng, thịt bò, tôm đồng,...

  • Giai đoạn 4 - Khi trẻ trên 1 tuổi: Giai đoạn này con đã có những chiếc răng đầu tiên, vì vậy nên đồ ăn của con mẹ có thể chuẩn bị thô và nấu mềm vừa phải để con có thể hoàn thiện kĩ năng nhai của mình. Dần dần, mẹ có thể chuyển dần tinh bột cho con ăn từ cháo sang cơm nát tùy vào nhu cầu của trẻ.

2Ưu điểm của ăn dặm kiểu Nhật

Trẻ ăn dặm kiểu Nhật sẽ có cơ hội được hưởng rất nhiều lợi ích nếu được cho ăn đúng cách:

  • Hoàn thiện các kĩ năng ăn uống theo đúng độ tuổi

  • Biết cách phân biệt mùi vị riêng của từng loại thức ăn, phát triển vị giác tốt hơn

  • Có niềm vui và hứng thú với việc ăn uống

  • Con có khả năng ăn uống tự lập từ sớm (vì ăn dặm kiểu Nhật có trải qua giai đoạn bốc nhón, tập dùng thìa nĩa,...)

Đối với mẹ, việc tập cho bé ăn dặm kiểu Nhật sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của gia đình hơn so với phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (BLW) vì ăn dặm kiểu Nhật có nhiều nét tương đồng với phương pháp ăn dặm truyền thống.

Và vì trẻ được làm quen với từng loại thực phẩm riêng biệt nên mẹ có thể dễ dàng xác định nguyên nhân nếu con bị dị ứng thực phẩm và có biện pháp xử trí kịp thời, nhanh chóng hơn.

Con sẽ sớm học được cách ăn dặm tự lập khi trải qua giai đoạn bốc nhón, tập thìa (Ảnh: Internet)

3Một số lưu ý quan trọng mẹ nên nhớ

Để tập cho con ăn dặm kiểu Nhật thành công và để bé có thể hưởng hết tất cả những lợi ích mà phương pháp ăn dặm này mang lại thì mẹ nên nhớ một số điều sau:

  • Thực hiện và duy trì kỉ luật bàn ăn: Con chỉ được ăn khi ngồi ngay ngắn trên ghế ăn, không bế ăn rong, không vừa ăn vừa chơi,...

  • Cho con ăn theo nhu cầu, không ép con ăn nếu con phản kháng

  • Bữa ăn của con nên được cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng

  • Không cho con ăn dặm quá nhiều mà bỏ bê việc bú sữa (đặc biệt là đối với trẻ dưới 1 tuổi)

  • Không nêm gia vị đường, mắm, muối, hạt nêm, mì chính,... vào đồ ăn của con, cố gắng nấu ăn cho trẻ nhạt nhất có thể

  • Chuẩn bị đồ ăn theo đúng độ đặc, độ thô theo từng giai đoạn của con

Chúc mẹ và con có hành trình ăn dặm kiểu Nhật thuận lợi và tràn đầy niềm vui!

Theo Bibabo.vn