Tài khoản

Những điều cơ bản về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (Phần 1)

Mẹ Jiyeon 4 năm trước 14 bình luận

Ăn dặm kiểu Nhật là một trong những phương pháp ăn dặm phổ biến nhất với nhiều lợi ích tích cực cho sự phát triển của bé.

Xem nhanh

  • 1. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì?
  • 2. Thời điểm cho bé ăn dặm kiểu Nhật
  • 3. Nguyên tắc cần giữ khi cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật

Bài viết rất dài, các mẹ thật sự quan tâm thì hãy ghé qua nhé. 

Bé nhà mình cũng ăn dặm kiểu Nhật. Sau một thời gian cả hai mẹ con cùng làm quen với phương pháp này, mình rút ra rằng ăn dặm kiểu Nhật tương đối mất thời gian ở khâu chế biến. Bù lại, phương pháp ăn dặm này giúp con yêu làm quen với các loại thức ăn, nhận biết được các loại mùi vị khác nhau, giúp con ăn có lộ trình rất bài bản, khoa học, rõ ràng. Bé nhà mình thích nghi với phương pháp này rất tốt, chịu ăn chịu chơi lắm các mẹ ạ. 

Nay rảnh rang xin chia sẻ với các mẹ một chút về phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, các mẹ đang chuẩn bị cho con ăn dặm có thể tham khảo thêm nhé.

11. Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật là gì?

Ăn dặm kiểu Nhật hiểu đơn giản là phương pháp ăn dặm theo cách của người Nhật Bản. Điều căn bản nhất của ăn dặm kiểu Nhật là không chú trọng đến lượng ăn mà ưu tiên sự thích thú, sở thích của trẻ, giúp trẻ khám phá từng bữa ăn, để bữa ăn luôn tràn đầy niềm vui, bớt áp lực, từ đó giúp trẻ ăn ngon hơn, tiêu hóa tốt hơn và bổ sung đầy đủ, đa dạng các nhóm dưỡng chất. 

Cụ thể về ăn dặm kiểu Nhật thế nào, cùng mình đi sâu tìm hiểu trong những nội dung dưới đây nhé. 

Ăn dặm kiểu Nhật rất chú trọng đến cảm giác, sự yêu thích của trẻ đối với món ăn dặm

22. Thời điểm cho bé ăn dặm kiểu Nhật

Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo ba mẹ nên cho trẻ ăn dặm khi con đủ 6 tháng tuổi (180 ngày tuổi). Thời điểm này sữa mẹ không còn cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho nhu cầu phát triển của con nữa, nên trẻ cần bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm bên ngoài. Đây cũng là thời điểm hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, bắt đầu tiêu hóa được một số thực phẩm phức tạp hơn sữa mẹ nên không lo hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng. 

Một số dấu hiệu quan trọng cho thấy bé đã sẵn sàng để ăn dặm: 

  • Tuổi con: Xung quanh 6 tháng tuổi, có thể ít hơn một chút hoặc nhiều hơn một chút vẫn được. 

  • Bé đã có thể giữ được đầu: Bé tự giữ được đầu hoặc giữ được đầu khi có ba mẹ trợ giúp như tựa vào ba mẹ chẳng hạn. Đây là điều kiện rất quan trọng vì điều này chứng tỏ trẻ đã có thể nuốt được dễ dàng hơn. 

  • Không còn phản xạ đẩy thức ăn ra: Để kiểm tra điều này, mẹ chỉ cần đưa thìa vào miệng trẻ và quan sát. nếu trẻ không dùng lưỡi đẩy thìa ra là mẹ đã có thể cho con ăn dặm. 

  • Các dấu hiệu khác như bé háo hức, thèm thuồng khi thấy người khác ăn, đưa tay ra với đồ ăn cũng phần nào thể hiện tình trạng muốn ăn, có khả năng ăn dặm của trẻ. Nhưng nó cũng chỉ là điều kiện phụ trợ. 3 điều kiện trên kia mới là yếu tố quyết định xem có nên cho trẻ ăn dặm không nhé.

33. Nguyên tắc cần giữ khi cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật

07 nguyên tắc quan trọng ba mẹ cần ghi nhớ và tuân thủ nghiêm túc trong ăn dặm kiểu Nhật. Nguyên tắc này có thể áp dụng cho cả những phương pháp ăn dặm khác nếu mẹ thấy phù hợp. Tuân thủ nghiêm túc mới có thể thành công và hỗ trợ con ăn dặm tốt nhất. Một chút mệt lòng chỉ sợ sẽ ảnh hưởng đến con sau này mẹ ạ. 

  • Ăn nhạt. Tại sao cần ăn nhạt? Muối, đồ ăn chứa iot rất cần thiết trong chế độ ăn uống hàng ngày nhưng với trẻ nhỏ, con không cần nhiều muối, chỉ khoảng ít hơn 1 gram mỗi ngày (cho bé dưới 1 tuổi) thôi. 1 gram muối ít ỏi này đã được đáp ứng đầy đủ thông qua sữa mẹ và sữa công thức, khi con ăn dặm, các nguyên liệu như rau củ quả, thịt cá,... cũng chứa một lượng muối nhất định, con không cần bổ sung muối từ bên ngoài mà vẫn không sợ bị thiếu iot đâu mẹ nhé. Hơn nữa, thận của trẻ trong giai đoạn này còn rất yếu, không đủ để xử lý được hết lượng muối như cơ thể của người lớn. Nếu mẹ cho con ăn đồ ăn mà mẹ nêm nếm thấy vừa, thì có thể là mặn với trẻ, là quá tải với thận của trẻ, nghiêm trọng nhất sẽ ảnh hưởng đến chức năng thận, gây tổn thương nghiêm trọng.

  • 2 - 3 ngày thay đổi thực đơn dinh dưỡng một lần. Ăn dặm kiểu Nhật ưu tiên để con học nhận biết và cảm nhận các loại mùi vị của thức ăn nên thường thì 2 - 3 bữa liên tiếp sẽ cho con ăn một loại thức ăn, sau đó mới đổi món. Không nhất thiết các mẹ phải cho con ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất trong một bữa ăn, mà bổ sung đủ trong vòng 2 - 3 ngày là được.

  • Không ép ăn hoặc ép bú. Trẻ ăn bao nhiêu cũng được, bú bao nhiêu cũng được, đó là quyết định của con và ba mẹ sẽ không ép. Đảm bảo con được ăn nền nếp, nghĩa là ăn trong 1 khoảng thời gian nhất định, như nhà mình là 30 phút, không ăn hết trong 30 phút cũng thôi không ăn nữa. Đến bữa sau theo đúng lịch mới được ăn. Mình sẽ không sợ đói và thương con mà để con ăn linh tinh ăn vặt, như thế đến bữa con sẽ không chịu ăn nữa, lâu dần thành ra biếng ăn biếng bú. 

  • Không đi ăn rong, để con ngồi ăn tại ghế. Chuẩn bị sẵn cho con 1 ghế ăn dặm, càng đơn giản càng ít chi tiết càng tốt các mẹ ạ, như thế sẽ giúp con tập trung vào việc ăn dặm hơn, không nghịch ngợm, không bị phân tâm. 

  • Không đồ chơi, không iPad, không tivi, chỉ có ăn và ăn thôi để giúp con cảm thấy ngon miệng, vui vẻ trong bữa ăn. Nếu bé bị phân tâm, không tập trung, não con sẽ không nhận được thông tin con là con đang tiêu hóa, không kích thích hệ tiêu hóa tiết các men tiêu hóa chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động tiêu hóa. Việc tiêu hóa khi cho con vừa ăn vừa xem iPad cũng vì thế mà kém hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống, khiến con bị biếng ăn sau này. 

  • Luôn giữ không khí bữa ăn vui vẻ. Mẹ hãy luôn cố gắng vui vẻ, giữ nụ cười trên mặt ngay cả khi con không chịu ăn, con quấy. Mẹ nhăn nhó sẽ khiến con cảm thấy khó chịu hơn, cũng "bướng" hơn, có khi lại phản tác dụng, mẹ càng không ép được bé ăn nhiều hơn ấy. Trang trí các món ăn để chúng trở nên bắt mắt và đáng yêu hơn cũng là một cách để thu hút con tập trung vào đồ ăn trên bàn, khiến con  

  • Không so sánh con với bất kỳ ai. Hãy để con là chính con, con không cần phải so sánh với bất kỳ ai, lấy ai làm tiêu chuẩn cho sự phát triển của mình cả. So sánh con với người khác thật sự rất tội con. Vì mỗi em bé là một hoàn cảnh, một sự phát triển độc lập không giống nhau nên sự so sánh là không thể, không chính xác tí nào luôn.

Đây là ba ý đầu tiên mình muốn chia sẻ về ăn dặm kiểu Nhật tới các mẹ. Trong bài tiếp theo, mình xin chia sẻ thêm về những dụng cụ cần chuẩn bị khi cho trẻ ăn dặm kiểu Nhật, cách sơ chế đồ ăn dặm cơ bản, cách lưu trữ đồ ăn, tăng dần độ thô của thực phẩm. Các mom nếu thích chủ đề này thì comment để mình có động lực nhé. Hi vọng các mom đón đọc bài viết của mình. Mẹ nào có thắc mắc về phương pháp này cũng tham gia hỏi đáp luôn nha để mình biết và chia sẻ thêm đúng nội dung mom mong muốn nè. Cảm ơn cả nhà. 

Theo Bibabo.vn
Xem thêm