Tài khoản

6 dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh chân tay miệng ba mẹ cần nắm chắc

BIBABO 3 năm trước 7 bình luận

Chân tay miệng là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ vào mùa hè, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi.

Bệnh chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus coxsackievirus thường do type A16 và enterovirus thường do type 71 gây ra. Loại virus này thường sống trong đường tiêu hóa và có thể lây từ người này sang người qua việc tiếp xúc thông thường.

Bệnh chân tay miệng không gây hại tới sức khỏe của bé, có thể tự khỏi trong khoảng 2 tuần mà không cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh trở nặng, nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, em bé có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh như viêm màng não, bại liệt, thậm chí là tử vong.

Bởi vậy, nắm chắc các dấu hiệu cho thấy trẻ bị bệnh chân tay miệng đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm này khi dịch bệnh đang có dấu hiệu bụng phát mạnh mẽ hơn.

Chân tay miệng là bệnh rất thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi vào mùa hè (Ảnh: Internet)

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh tay chân miệng, ba mẹ chú ý nhé.

  • Ở giai đoạn đầu khi mới phát bệnh, bệnh tay chân miệng ở trẻ sơ sinh và trẻ em có dấu hiệu đặc trưng như bệnh cúm. Bé sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau cổ họng, sốt nhẹ (dao động từ 38 – 39°C). Sau khoảng một hoặc hai ngày, các triệu chứng của bệnh tay chân miệng mới xuất hiện. Bé sẽ bị nổi bóng nước trên da, quanh miệng, bên trong má, lòng bàn tay và bàn chân, mông hoặc xung quanh hậu môn. Nổi bóng nước  là một đặc điểm rõ rệt nhất của căn bệnh này ở trẻ sơ sinh và trẻ em.
  • Ban đầu, các nốt ban này xuất hiện như một vết sẹo nhỏ, mờ, màu đỏ và phẳng. Sau đó, chúng dần trở thành các nốt phồng rộp như những bóng nước. Mụn nước chứa đầy chất dịch  và có thể vỡ ra khiến trẻ rất đau đớn. Các bóng nước này thường biến mất sau khoảng 1 – 2 tuần.
  • Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh chân tay miệng sẽ khó xác định nếu con bạn chỉ bị nổi mụn nước trong miệng hoặc cổ họng. Do còn quá nhỏ nên con không thể nói cho bạn biết rằng con bị đau họng. Do đó nếu thấy trẻ sốt và có dấu hiệu ngừng ăn hoặc uống hoặc không muốn ăn hoặc uống thì bạn hãy đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán kịp thời.

Khi bị chân tay miệng, ngoài các dấu hiệu kể trên như sốt, nổi ban đỏ, bỏ ăn hoặc không muốn ăn, trẻ còn có các dấu hiệu sau:

  • Đau nhức cơ bắp, đau đầu, cứng cổ.
  • Bồn chồn.
  • Ngủ không ngon giấc hoặc ngủ nhiều hơn; có thể hay giật mình.
  • Trẻ nhỏ thường hay bị chảy nước miếng vì đau họng.
  • Trẻ chỉ thích thức ăn dạng lỏng và thức uống lạnh.

Ba mẹ lưu ý: 

Sau khi tiếp xúc với nguồn lây bệnh, trẻ sẽ không bị bệnh ngay mà phải mất khoảng từ 3 – 6 ngày các dấu hiệu đặc trưng của bệnh mới xuất hiện. Đây được gọi là giai đoạn ủ bệnh.

Trong một số trường hợp, trẻ bị  tay chân miệng có thể không có dấu hiệu của bệnh hoặc các triệu chứng xuất hiện rất nhẹ. Điều đó thường khiến ba mẹ chủ quan và lầm tưởng bé đang mắc các bệnh phổ biến khác.

Nếu con có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và chăm sóc đúng cách nhằm tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo Bibabo.vn