Tài khoản

user_avatar
Bàn Thảo   

Tham gia từ tháng 02/2019 .

05/2019

BỆNH TRÀO NGƯỢC Ở TRẺ NHŨ NHI

*Nửa đêm con quấy bắt bế k chịu tự ngủ, mẹ vừa bế con vừa nghịch đt thì gặp 1 bài viết về các con. Chia sẻ tới các mẹ cùng biết để đỡ lo lắng khi bé nhà mình bị như vậy nhé*


Trào ngược ở trẻ nhũ nhi – hay Cái sự nôn trớ chơi chơi của mấy ông bà!

“Con em sao nó cứ trớ hoài vậy bác sĩ? Nó có bị làm sao không vậy bác sĩ ơi?”

Phải nói là khi ba mẹ ông bà đến gặp bác sĩ mà phàn nàn kiểu vậy, là lúc đó ba mẹ ông bà rất ư là ấm ức. Công sức bồng muốn rụng tay, ngồi muốn rụng lưng, cung phụng cho bú mỗi lần cả tiếng đồng hồ chứ đâu có ít. Bú xong chưa kịp mừng thì mấy ông bà nhỏ đã “tự ý” phèo ra . Nhìn giận ứa gan mà cái mặt mấy “ổng bả” vẫn rất ư là phơn phởn! Rồi lại phải cho bú lại, rồi lại phèo ra! Một sự “vô ơn” ngây thơ vô số tội! Cái vòng luẩn quẩn cứ xoay vòng, càng mệt mỏi, lại càng lo lắng. Trớ vậy có sao không? Có bệnh gì thêm hay không? Có tăng ký được không? Mai mốt còn vậy không trời? Phải làm sao cho nó hết? Có cần đổi sữa không? Mua sữa gì đây? ……. Luận suy ra biết bao nhiêu câu hỏi cho vừa! Thôi thì chúng ta cùng nhau tìm hiểu để bớt suy nghĩ lung tung, bớt làm lung tung, bớt phí tiền lung tung, nhé!

Vậy cái sự trớ nó là cái gì vậy nhỉ? Trong y khoa, người ta gọi đó là tình trạng “trào ngược ở trẻ nhũ nhi” đối với những trẻ từ 1 tuổi trở xuống. Đây là một tình trạng sinh lý bình thường của trẻ, khi sữa hoặc thức ăn khi đi vào dạ dày, tự “trào ngược” lên ống thực quản, và đi ra khỏi miệng. Tình trạng này xảy ra mà trẻ không cần cố sức gì cả.

Lý do là vì dạ dày của trẻ nhũ nhi khá nhỏ, lại nằm hơi ngang, thay vì nằm thẳng đứng như ở người lớn. Trên giải phẫu, ngay tại điểm nối giữa ống thực quản và dạ dày, có một “dây” thắt nút bên ngoài, làm từ cơ trơn, có tác dụng như một cái cài cửa. Khi dạ dày hơi đầy, dây này thắt lại, “đóng nút” dạ dày, để thức ăn không đi ngược lên trên. Ở trẻ nhũ nhi, dây này còn yếu và lỏng lẻo, nên cái cài cửa này rất dễ bị bung ra. Vì vậy, dạ dày của bé lúc này, như một bình rượu, vừa nhỏ, vừa nằm chên vênh, nút đậy lại có như không, nên rượu vào xong rất dễ bị tràn ra ngoài khi bình bị run, lắc, hoặc hơi đầy. Có thể có trào ngược “im lặng” – là khi thức ăn chỉ trào ngược lên vào thực quản, sau đó rớt lại xuống dạ dày, và có trào ngược “rõ ràng” – khi thức ăn trào ngược lên thực quản và ra khỏi miệng. Chúng ta chỉ thấy được trào ngược “rõ ràng” và không thấy được trào ngược “im lặng” của trẻ.

Hiện tượng này rất ư là phổ biến. Thống kê cho thấy tình trạng trào ngược có ở trên 85% trẻ dưới 1 tháng tuổi. Trào ngược sẽ nặng nhất và biểu hiện rõ nhất khi trẻ được 3-4 tháng tuổi. Đây là lúc ba mẹ bắt đầu cho trẻ bú lượng sữa nhiều hơn, ít lần hơn, và bé bắt đầu có nhiều cử động hơn, lật, trườn, vẹo qua vẹo lại. Khi trẻ khoảng 6 tháng tuổi và bắt đầu ngồi dậy được, bắt đầu ăn dặm, hiện tượng trào ngược sẽ giảm hẳn trên 60% trẻ bị trào ngược. Đến khi bé được 12 tháng tuổi, hầu hết các bé sẽ tự hết trào ngược, và chỉ còn 5% các bé còn bị trào ngược lai rai.

Tình trạng này có nguy hiểm không? Như đã nói ở trên, đây là một tình trạng sinh lý nên không nguy hiểm. Có một số trào ngược dạ dày là bệnh lý, hoặc do bệnh lý khác gây ra. Nhưng những trường hợp này rất hiếm gặp, và thường có những triệu chứng khác đi kèm. Nếu trẻ khó chịu, ói vọt nhiều lần (gắng sức), chậm tăng cân hoặc sụt cân, không chịu bú/ăn, hoặc có những triệu chứng khác kèm theo, ba mẹ nên cho trẻ đi thăm khám bác sĩ để được đánh giá và cho tư vấn, điều trị nếu cần nhé. Còn nếu trẻ trớ không gắng sức, sau đó vẫn vui vẻ, chơi, cười, cứ nên để tự nhiên và chấp nhận đó là điều bình thường của trẻ (giống như poo poo nhiều lần vậy).

Một trường hợp hơi khó nhằn, là trẻ trào ngược khi đang trong giai đoạn bị “Hội chứng quấy khóc ở trẻ sơ sinh” lúc 3-4 tháng tuổi. Lúc đó có thể gây rất nhiều lo lắng cho gia đình. Nếu ba mẹ không chắc và lo sợ, nên cho trẻ đi khám bác sĩ để đánh giá và tư vấn.

Nên làm gì để giảm trào ngược hoặc hết trào ngược?

Vì đây là một tình trạng sinh lý bình thường, nên bạn không thể nào bắt nó hết ngay được. Có một số cách làm giảm trào ngược, mà ta có thể suy luận ra từ tình trạng bình rượu trên, như: đừng làm đầy bình quá, đừng rung lắc nhiều quá, và nên cho trẻ ợ hơi sau ăn. Những việc làm này là để giúp cho ba mẹ và ông bà, không giúp được cho trẻ nhé, vì không làm thay đổi bất kỳ điều gì của hiện tượng này.

Việc thay đổi sữa mẹ qua sữa công thức, hoặc đổi qua các loại sữa công thức làm đặc sữa, uống thuốc chống trào ngược …là hoàn toàn không được khuyến khích. Vì chỉ có tác dụng điều trị cho ba mẹ ông bà, không “điều trị” cho trẻ (vì có phải là bệnh đâu mà điều trị). Những phương thức này chỉ là áp dụng điều trị đúng cho một số rất nhỏ các bé bị “bệnh trào ngược dạ dày thực quản” – khi trào ngược quá nặng, là bệnh, chứ không phải là sinh lý, và ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của bé, hoặc do một số bệnh lý khác đi kèm, như bại não, Downs, các bất thường cấu trúc bẩm sinh….. Và nên được đánh giá và quyết định bởi bác sĩ.

Đối với tình trạng trào ngược sinh lý, trẻ sẽ hết khi nào là do cơ thể từng trẻ quyết định. Vậy cho nên bạn có làm gì thì làm, cũng không thay đổi được điều này. Một trong những sai lầm thường gặp là khi trẻ trớ xong, lại được cho ăn ngay, giống y như bình rượu đã tràn mà cố tình đổ rượu thêm để tràn tiếp cho vui, vừa mệt mỏi, mắc công cho ông bà cha mẹ, lại làm khổ chủ nhân của bình rượu đã đầy!

Vậy cho nên, nếu trẻ trớ trong vui vẻ, chúng ta cũng nên vui vẻ chiều theo nhé. Còn nếu trẻ vui vẻ, mà ông bà cha mẹ lại lo, nên cho trẻ và ông bà cha mẹ đi khám bác sĩ chung để cải thiện “tâm lý” nhé. Đừng chạy đôn chạy đáo đi mua sữa này, đổi sữa kia, và lằn nhằn lẫn nhau trong khi “người ấy” vẫn happy và vui vẻ, nhé!!!


- Nguồn: Bs. Huyên Thảo -