Tài khoản

Bạn được gì khi dạy con bằng gieo rắc nỗi sợ hãi?

Mẹ Mộc Vỹ 5 năm trước

Có nhiều người bà con trong gia đình hay hỏi tôi theo kiểu quán tính: “Andy ở nhà sợ ba hay sợ mẹ hơn?” Và khi tôi trả lời rằng con tôi không sợ ba và cũng chẳng sợ mẹ thì họ nhìn tôi có vẻ khó hiểu kiểu như: “Con mà không biết sợ ba sợ mẹ thì sau này sẽ lì lợm không dạy được.

ban-duoc-gi-khi-day-con-bang-gieo-rac-noi-so-hai-01

Tới lúc đó đừng có mà hối hận.” Thật vậy, trong quan niệm dạy con của hầu hết người Việt, dạy con sợ người lớn như ông bà cha mẹ thầy cô gần như là phương pháp tối ưu và được ủng hộ. Tôi có cảm giác nếu một đứa trẻ không học được cách sợ người lớn thì đó không phải là một đứa trẻ ngoan, còn cha mẹ nếu không biết cách làm cho con sợ thì coi như là chưa biết cách dạy con vậy.

Nếu tôi hỏi một phụ huynh phương Tây rằng “Con bạn sợ bố hay sợ mẹ hơn?” chắc phụ huynh đó sẽ nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên pha chút phản cảm: “Chúng tôi là cha mẹ của con mình. Nhiệm vụ của chúng tôi là thương yêu và bảo vệ cho con mình, cho bé sự an tâm và tin tưởng. Tại sao bạn lại muốn con tôi sợ ba mẹ chúng?” Đối với những người có tư tưởng đúng đắn, cha mẹ có nhiệm vụ dạy cho con nỗi sợ những thứ nguy hiểm và không an toàn để con cái biết mà tránh và tự bảo vệ mình. Còn việc dạy con phải biết sợ để tuân phục là một điều hết sức phản giáo dục và nếu nói nặng hơn một chút là có phần biến thái về tâm lý.

Đáng buồn là cách dạy con phản khoa họcnày vẫn lại rất phổ biến ở Việt Nam. Nói không quá chứ tôi có cảm giác hầu hết những đứa trẻ ở Việt Nam được nuôi lớn bằng những nỗi sợ hãi. “Thương cho roi cho vọt” vẫn là một trong những câu cách ngôn dạy con phổ biến nhất của nhiều phụ huynh Việt Nam. Nói không nghe lời: đánh, không ăn cơm: đánh, không chịu đi học: đánh, mê chơi: đánh, học bài điểm kém: đánh.

ban-duoc-gi-khi-day-con-bang-gieo-rac-noi-so-hai-02

Cho dù đứa trẻ phạm lỗi gì thì dường như cách giải quyết vấn đề tốt nhất là đánh thật đau cho nó sợ mà chừa trước cái đã rồi bắt nó phải nhận lỗi, xin lỗi. Thế là việc dạy con của cha mẹ xem như là đầy đủ. Ông anh rể họ của tôi chỉ vì thằng con không chịu “ạ ba đi làm” mà sẵn sàng đi làm trễ để đánh thằng bé cho tới khi nó vừa khóc vừa ạ mới thôi.

Tôi không trực tiếp chứng kiến mà chỉ nghe kể lại nhưng sau khi nghe xong câu chuyện, tôi thực sự rất tức giận. Nếu hôm đó tôi có mặt ở đó thì tôi đã không để cho chuyện này xảy ra.

 
Khi tôi hỏi học trò của mình có từng bị ba mẹ đánh hay không, các bạn gần như được cởi tấm lòng mà xả ra những câu chuyện bị cha mẹ đánh khiến tôi cảm thấy kinh hoàng. Có bạn thì bị bố dùng móc phơi quần áo bằng sắt đánh vào hai bàn tay tới mức không cầm đũa ăn cơm được. Có bạn bị bố đánh cho gãy chổi thì bà nội xách ra cây chổi khác để cho con mình đánh cháu tiếp.

Có bạn bị đánh trong nhà chưa đủ còn bị nắm tóc lôi ra đường vừa đánh vừa bêu khắp xóm. Nói thật, nếu công tâm tự xét lại bản thân mình, người lớn có nhiều tội đáng bị đánh hơn trẻ con nhưng họ tự bỏ qua chỉ đơn giản vì họ có quyền.

Ngoài việc dùng roi đòn và bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần cũng là một lối dạy con được rất nhiều phụ huynh sử dụng. Tôi không hiểu nhiều người lớn có một trò đùa rất ác và rất ngu là chọc hoặc hù dọa cho con cháu sợ tới mức phát khóc. Bé càng rúm ró sợ hãi và khóc càng to thì họ càng chọc hăng. Tôi thì xác định luôn, bất cứ người nào chọc cho con tôi khóc kiểu đó để đùa thì chắc chắn sẽ ăn đòn và đừng bao giờ đụng tới bé nữa.

ban-duoc-gi-khi-day-con-bang-gieo-rac-noi-so-hai-03

Khi con bắt đầu biết nhận thức thì những nhân vật “ông kẹ, con ma, ông ba bị, bà bán ve chai, ông già”... sẽ được sử dụng để làm phương tiện dọa con nếu bé không nghe lời. Và khi bé đủ lớn để hiểu được rằng những nhân vật hư cấu đó không làm gì được mình thì những câu hù dọa kiểu: “Đợi ba mày về, ổng sẽ cho mày một trận nhừ xương!” hay “Con mà hư như vậy, mẹ sẽ bỏ con luôn, không thèm nuôi nữa!” bắt đầu được sử dụng.

Nhiều phụ huynh tự hào không bao giờ đánh con nhưng những lời nói của họ làm tổn thương con cái còn tồi tệ hơn những vết thương do đòn roi gây ra. Tôi không hiểu những người làm cha làm mẹ nghĩ gì khi nói với con những câu tuyệt tình tuyệt nghĩa kiểu: “Mày không phải là con của tao!” “Tao không có thứ con như mày!” hoặc “Thôi được rồi để tao chết/đi ra khỏi nhà cho mày vừa lòng!” chỉ để ép cho con phải nghe lời mình.

Trong tâm lý học, nỗi sợ thầm kín lớn nhất của con người là bị chối bỏ bởi những người thân, bạn bè hoặc cộng đồng. Nó khiến cho con người cảm thấy mình không còn giá trị và ý nghĩa sống trên đời. Thử tưởng tượng những lời này được thốt ra từ miệng của chính cha mẹ bạn. Nó sẽ hủy hoại lòng tự tôn và tự tin của bạn trong suốt quãng đời còn lại.

Thay vì dạy con rằng không ai có quyền đụng chạm đến thân thể của con mà chưa có sự cho phép chứ đừng nói đến việc đánh đập hay lạm dụng, cha mẹ Việt Nam lại trao quyền cho thầy cô tùy ý xâm phạm thân thể con mình với những câu nói: “Xin thầy cô cứ mạnh tay với cháu. Tôi rất biết ơn thầy cô!” hay “Cháu nó hư thì thầy cô cứ đánh, tôi không can thiệp!” Tôi quả không hiểu từ khi nào việc dạy con bằng cách cho phép và khuyến khích một người xa lạ đánh đập con mình được gọi là một cách giáo dục tử tế. Tôi dám cá rằng những học sinh bị giáo viên bạo hành hoặc lạm dụng kéo dài đều có một điểm chung là không dám về báo với cha mẹ vì trong đầu óc của các bé, việc mình bị thầy cô đánh phạt là chuyện hiển nhiên và nếu về nói với cha mẹ nghe chẳng những không được bảo vệ mà còn bị phạt thêm hoặc ít nhất cũng sẽ nhận được nhưng câu “con như thế nào thì mới bị cô thầy đánh. Oan ức gì mà kể lể.” Cái trò đổ lỗi cho nạn nhân đôi khi xảy ra ngay trong chính gia đình bởi những người thân chứ không phải là người ngoài.

Bên cạnh mái nhà thân yêu, nhà trường cũng là một ổ dịch của các thể loại sợ hãi với đủ loại hình phạt mọi lúc mọi nơi. Trong lớp thầy cô với toàn quyền sinh sát trong tay tha hồ giở đủ trò đánh đập bạo hành vì yên trí rằng học sinh sẽ không dám phản kháng. Với điểm tuyển vào ngành sư phạm 3 điểm một môn, những thế hệ giáo viên về sau càng lúc càng khiếm khuyết về cả trình độ lẫn nhân cách.

Đừng nghĩ rằng con bạn học giỏi sẽ được thầy cô thương. Cái thời đó đã qua lâu lắm rồi. Bạn dạy con bạn ở nhà đàng hoàng tử tế, có thể giáo viên sẽ đì con bạn khi bé không cần phải đi học thêm. Con bạn dám bóc phốt hay tranh luận với giáo viên thì bé càng là tâm điểm của sự ghét bỏ và kỳ thị. Ra chơi chỉ cần một lỗi nhỏ, học sinh cũng bị đội sao đỏ cờ đỏ ghi tên phạt. Lỗi nhẹ thì bị bêu riếu trong lớp, nặng hơn thì mời phụ huynh rồi bêu riếu trước sân cờ cho toàn trường. Cảm thấy hết thuốc chữa thì đuổi học. Tôi vẫn còn ám ảnh bởi ánh mắt của những bạn học sinh thuộc dạng “học dốt” và “cá biệt” khi bị cô giáo chủ nhiệm bắt đứng trước lớp mắng nhiếc và buộc các bạn cùng lớp tẩy chay khi tôi còn học cấp một. Bây giờ nghĩ lại, tôi vô cùng kinh hãi đối với lối giáo dục man rợ chà đạp quyền con người đó. Điều đáng nói là, sau gần 30 năm, những thứ kinh tởm này không hề bị triệt tiêu mà trái lại còn tồi tệ hơn trước.

Hậu quả của việc nuôi dạy những đứa trẻ bằng nỗi sợ hãi triền miên không thể nào tạo nên những người trưởng thành có một nhân cách hoàn thiện được. Thay vì học được cách phân biệt đúng sai, biết cái gì thực sự đáng sợ và cái gì không nên sợ, con người Việt Nam ngày nay bị nỗi sợ lấn áp tới mức bị lẫn lộn nghiêm trọng những khái niệm về nỗi sợ. Những thứ thực sự không đáng sợ như quyền lực, bạo lực thì lại là nỗi sợ hàng đầu trong khi những thứ thực sự đáng sợ như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn, mất quyền tự do ngôn luận, nhân quyền, họa ngoại xâm...thì lại bị coi thường.

Sự lệch lạc về tư duy đó khiến cho con người chỉ có khái niệm về những điều “được phép làm” và “không được phép làm” chứ không có khái niệm “nguy hiểm” và “an toàn”. Khi không có công an, họ sẵn sàng rú ga chạy bạt mạng bất chấp nguy hiểm thực sự vì họ sợ “bị phạt” hơn là hiểu được hậu quả của việc gây ra tai nạn. Dân ta đi vào cơ quan nhà nước chứng giấy tờ thì rúm ro khúm núm đến mức thảm hại cho dù họ chẳng làm gì sai nhưng khi đi bão thì gào rú điên cuồng vì họ biết rằng cảnh sát giao thông sẽ nương tay với cái cớ mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam.

Một khi nỗi sợ được lạm dụng như một hình phạt thì ranh giới đạo đức và tốt xấu thực sự sẽ bị xóa nhòa và đảo lộn đến mức không thể cứu vãng được nữa. Lúc đó cái xấu và cái ác sẽ thống trị và mỗi người chúng ta vừa là nạn nhân và cũng chính là thủ phạm.

Nguồn: Facebook Vien Huynh

Chân thành cám ơn anh Vien Huynh đã chia sẻ những kiến thức hữu ích này!







Theo Bibabo.vn