Tài khoản

Bé nôn ra dịch màu vàng có phải dấu hiệu nguy hiểm không?

Hoài An 4 năm trước

Việc bé nôn ra dịch màu vàng chắc hẳn sẽ khiến bố mẹ cảm thấy vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, trong trường hợp này bố mẹ cần phải giữ bình tĩnh để có cách xử lý thật phù hợp, không để ảnh hưởng đến con.

Nguyên nhân bé nôn ra dịch màu vàng

Trẻ bị nôn trớ cơ năng

  • Trẻ bú quá no, đặt trẻ nằm ngay sau khi cho con bú
  • Cho trẻ bú không đúng tư thế
  • Mẹ quấn tã cho trẻ quá chặt gây sức ép lên dạ dày
  • Mẹ rơ lưỡi cho trẻ quá sâu cũng khiến trẻ nôn trớ

Bé bị nôn ra dịch màu vàng do bệnh lý

  • Trẻ bị bệnh về đường tiêu hóa: Chậm nhu động ruột, tiêu chảy, dị tật đường tiêu hóa, tắc ruột, xoắn ruột…
  • Trẻ mắc bệnh về đường hô hấp.
  • Trẻ mắc một số bệnh khác: Rối loạn thần kinh thực vật, hội chứng sinh dục thượng thận, viêm màng não mủ, xuất huyết não,…

Nhóm nguyên nhân này ít gặp hơn và thường được phát hiện muộn, song nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời.

Bé bị nôn ra dịch màu vàng bố mẹ nên làm gì?

Khi bé nôn ra dịch màu vàng, bố mẹ hoặc người sơ cứu không được hoảng hốt mà phải thật bình tĩnh rồi thực hiện theo các bước sau:

Trường hợp trẻ sơ sinh nôn trớ màu vàng nhưng không bị sặc

Bạn nên cho trẻ nghiêng đầu sang một bên ngay lập tức để trẻ không bị sặc chất nôn. Sau đó, dùng khăn gạc làm sạch chất nôn trong miệng và họng trẻ trước, sau đó đến mũi trẻ (nếu có).

Dùng bàn tay khum lại, vỗ nhè nhẹ vào hai bên lưng để trẻ đỡ sợ và bớt khóc, đồng thời cũng giúp trẻ nôn phần còn lại ra ngoài. Sau đó, dùng khăn xô thấm nước ấm, lau sạch mặt và cổ cho trẻ, thay quần áo cho trẻ nếu có dính chất nôn.

Khi trẻ đã bình tĩnh lại, từ từ cho trẻ uống nước ấm hoặc oresol ấm. Từ từ cho trẻ bú sữa rồi cho trẻ ngủ. Lưu ý, bạn tuyệt đối không tùy tiện cho trẻ uống thuốc chống nôn nếu không được sự chỉ định của bác sĩ.

Bé bị sặc chất nôn hoặc có dị vật ở đường thở

Bố mẹ có thể sử dụng phương pháp Heimlich để đẩy dị vật hoặc chất nôn ra ngoài cho bé:

  • Heimlich vỗ lưng: Bố mẹ dùng 1 tay đỡ trẻ nằm sấp sao cho đầu thấp hơn thân. Tay còn lại vỗ nhẹ 5 cái vào lưng giữa hai bả vai của trẻ.
  • Heimlich ấn ngực: Bố mẹ dùng 1 tay đỡ trẻ nằm ngửa sao cho đầu thấp hơn thân. Nếu trẻ có sữa trào vào mũi và họng thì phải hút sạch. Sau đó, dùng 2 ngón tay ấn mạnh chỗ giữa ức của trẻ 5 lần

Nếu sau khi sơ cứu mà vẫn thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Khi nào cần đưa trẻ nhập viện?

Bé bị nôn ra dịch màu vàng thường không có gì đáng ngại và hoàn toàn có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quan sát thấy trẻ có một trong những biểu hiện dưới đây, cần đưa trẻ nhập viện càng sớm càng tốt.

  • Trẻ quấy khóc nhiều, thóp phồng, có biểu hiện co giật hoặc hốt hoảng.
  • Trẻ nôn trớ liên tục 24 giờ.
  • Trẻ có dấu hiệu bất thường về đường tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi…
  • Màu sắc da thay đổi, nhịp thở nhanh chậm bất thường, có những cơn ngưng thở.
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước: Da khô, môi khô, rụng tóc.
  • Trẻ bị sốt, ngủ li bì.
  • Chất nôn có dính máu hoặc nôn ra dịch màu xanh.

Phòng tránh bé nôn ra dịch màu vàng như thế nào?

Để phòng tránh bé nôn ra dịch màu vàng, bố mẹ có thể áp dụng những cách sau đây:

  • Cho trẻ bú từ từ và chỉ đủ theo cữ bú của trẻ.
  • Khi cho trẻ bú, để đầu trẻ cao hơn thân người, nhưng đầu, vai và thân phải trên một đường thẳng.
  • Sau khi trẻ bú no, bế trẻ và vỗ ợ hơi cho trẻ.
  • Massage quanh rốn trẻ theo vòng tròn từ phải qua trái theo đường đi của đại tràng giúp làm giảm tình trạng nôn trớ ở trẻ.

Nguồn: colatatca.vn

Theo Bibabo.vn