Tài khoản

CÁC NGUYÊN NHÂN GÂY BIẾNG ĂN VÀ GIẢI PHÁP

Lương Thùy Trang 4 năm trước 16 bình luận

Xem nhanh

  • Biếng ăn sinh lý
  • Biếng ăn do mọc răng
  • Biếng ăn bệnh lý
  • Biếng ăn do suy dinh dưỡng và thiếu vi chất
  • Cho con ăn dặm quá sớm.

Xem thêm

Các nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ chia thành 2 phần lớn đó là: nguyên nhân xuất phát từ bản thân trẻ và nguyên nhân xuất phát từ người lớn.

BIẾNG ĂN XUẤT PHÁT TỪ BẢN THÂN TRẺ

1Biếng ăn sinh lý

Bản thân mỗi trẻ sinh ra đã có những tuần biếng ăn sinh lý, chỉ là cơ địa có bé biếng nhiều và có bé biếng ít mà thôi.

Khoảng từ 0-18m, bé sẽ có 10 kỳ khủng hoảng, hay còn gọi là wonder week. Ở giai đoạn này con cực kỳ khó chịu, cáu gắt và kèm theo là biếng ăn sinh lý (bao gồm cả sữa nhé). Vì con đang tập trung để phát triển 1 kỹ năng mới, khám phá mới, nên con không thiết tha ăn uống gì đâu.

Bảng wonder week các mẹ tìm hiểu trong sách "The wonder weeks" là chi tiết nhất, hoặc lên Google search là có.

Kể cả giai đoạn trước khi ăn dặm, vào các tuần khủng hoảng con cũng có thể biếng bú, biếng ăn sữa. Nhiều mẹ ở giai đoạn này đã quá lo lắng và ép bú, ép sữa. Gây ra tình trạng ghét uống sữa, sợ uống sữa ở con. Sau này lại câu nói quen thuộc là "tại con tao khó nuôi nên nó biếng cả sữa chứ không dễ nuôi như con mày" ?.

Có 3 giai đoạn biếng ăn sinh lý khiến mẹ cực stress đó là: giai đoạn 6.5 tháng, 9 tháng, 11 tháng. (Còn các giai đoạn khác thì cũng stress ít ít thôi).

- 6m con đang ăn tốt, tự nhiên đùng một cái 6.5m con lại bỏ ăn. Nhiều mẹ sẽ rất hoang mang rằng: hay mình làm sai ở đâu? Hay con bị làm sao? Hay con không hợp với pp ăn này...

Rồi dẫn đến tình trạng ép ăn, hoặc vội vàng đổi phương pháp, hoặc dụ dỗ để đút....

Nhưng việc ép con ăn chỉ khiến tình trạng biếng ăn kéo dài hơn, con sẽ có những thói quen ăn uống thụ động (như xem tivi, ipad, đồ chơi ...). Hoặc sẽ ghét bỏ, sợ hãi bữa ăn ngay từ 6 tháng...

Giải pháp: Giai đoạn này thì sữa sẽ là cứu cánh cho mẹ, con không muốn ăn thì có thể dừng bữa, bù sữa cho con vào bữa sau, hoặc có thể cho con ăn sữa sau bữa ăn nếu con muốn ăn sữa (chỉ giai đoạn 6.5m này thôi nhé). Nhưng vẫn phải cho con ăn đúng giờ đúng bữa, con từ chối bữa ăn là dừng luôn. Kiên trì cho qua giai đoạn biếng ăn sinh lý này.

- Giai đoạn 9 tháng và 11 tháng (ww 37 và 46).

Giai đoạn biếng ăn sẽ xuất hiện xung quanh mốc thời gian đó chứ không phải nhất nhất y hệt như mốc thời gian trong bảng ww.

Có bé sẽ bỏ tầm 1-2 tuần giai đoạn 9 tháng, 1-2 tuần giai đoạn 11 tháng. Nhưng có những bé sẽ biếng ăn từ 9 tháng đến 11 tháng.

Nếu mẹ nóng ruột ép ăn, thì hậu quả sẽ như bên trên.

Giải pháp:

  • Duy trì ăn đúng giờ đúng bữa, có thể con không ăn, có thể con ăn ít. Nhưng mẹ cứ nấu và mời con ăn đúng bữa.
  • Không nên cắt luôn bữa ăn để con nhịn đói (không cho con ăn) trong thời gian dài. Làm con quên đi thói quen ăn uống, cơ thể con quên đi cái thiết lập giờ giấc ăn uống, thì sau khi con qua giai đoạn biếng ăn sinh lý mẹ sẽ phải tập lại thói quen từ đầu, rất vất vả.
  • Mẹ áp dụng quy tắc 3 cơ hội, con khó chịu muốn dừng bữa thì cho con ra ngoài, nếu con muốn quay lại bàn trong vòng 5 phút, thì cho con quay lại. Nhưng chỉ có 3 cơ hội (tức là 2 lần quay lại) thôi. Hết 3 cơ hội là dừng bữa luôn.

Qua 1 tuổi thì còn 2 cơ hội, qua 19m thì chỉ còn 1 cơ hội thôi.

+ Giai đoạn này e tập thìa cho Mon luôn. Mẹ có thể tập thìa cho con nếu kỹ năng tay con tốt. Với những bé ăn truyền thống thì có thể tập thêm các trò chơi phát triển vận động tinh.

Mẹ cho con ăn các loại súp lỏng, mềm, dính, bằng thìa hoặc bằng ống hút.

Nó sẽ hơi bẩn, con bóp be bét ra, con đổ, con nghịch, con chơi... Nhưng con sẽ có thể mút 1 chút thức ăn dính trên tay, 1 ít dính trên thìa, hay trên bàn... Thực tế thì không phải "hơi bẩn" đâu, mà là trông "cực bẩn".

Nhưng không sao, có ăn được chút là tốt rồi, vệ sinh tay con + dụng cụ sạch sẽ thì ổn mà. Con cứ việc phá thôi, cả thế giới cứ để "bố con dọn" ?.

Quan trọng nhất là: ĐỢI! Hãy kiên trì chờ đợi con qua giai đoạn khủng hoảng thì con sẽ ăn trở lại.

2Biếng ăn do mọc răng

Mẹ thử tưởng tượng nhé! Mẹ đau răng mẹ có muốn ăn không? Mẹ không muốn ăn đúng không?

Con cũng vậy, con đau răng lắm, con chẳng muốn ăn đâu!

Giải pháp: mẹ có thể chọn các món mềm mịn, loãng, mát lạnh cho con dễ ăn.

Ví dụ như: Flan, đậu hũ non, các món súp, hoặc sữa hạt đặc chút (sữa hạt thực tế nó thuộc dạng ngũ cốc, hỗ trợ thay thế cháo những lúc con kém ăn thôi, không thể thay thế sữa hoặc đồ ăn lâu ngày nhé các mẹ). Mẹ để ngăn mát tủ lạnh cho hơi mát mát 1 xíu cho con dễ ăn.

Với các bé ăn blw thì mẹ hấp rau củ mềm, rồi để nguội, bọc lại, cho ngăn mát tủ lạnh cho hơi mát mát. Nó sẽ làm mát và dịu cơn đau, khiến con dễ chịu hơn.

3Biếng ăn bệnh lý

Hiểu đơn giản là: Con bị bệnh thì con không muốn ăn.

Mẹ thử tưởng tượng khi mẹ bị bệnh, mệt lắm, chẳng nuốt nổi. Mà chồng hay mẹ chồng cứ đè ra nhét ăn, khóc cũng phải nuốt để không bị suy dinh dưỡng, để không tụt cân... Thì mẹ có thấy khổ sở không? Có đáng sợ không?

Con cũng vậy, con ốm, con mệt lắm, tất cả cơ thể của con đang tập trung để chiến đấu với bệnh tật rồi nên con chẳng thiết tha ăn gì cả.

Giải pháp:

  • Lúc này thì sữa lại là cứu cánh cho mẹ, hoặc các loại sinh tố hoa quả, nước ép, sữa hạt, súp loãng...
  • Hỗ trợ con vượt qua cơn bệnh thì con sẽ ăn trở lại
  • Mặc kệ con nhưng vẫn hỗ trợ con 1 cách tích cực để kích thích con ăn 1 chút nhé các mẹ. (ví dụ nấu ngon, đổi món, cho con ăn thứ con thích...)

Qua cơn ốm, thì các bé thường sẽ có hiện tượng "ăn bù ăn trả". Vì toàn bộ năng lượng trong cơ thể con đã dùng để chiến đấu với bệnh tật rồi, nên giờ con thiếu, con muốn bổ sung thêm.

Có bé sẽ ăn bù 1 tuần sau khi bệnh. Nhưng có bé sẽ sau 2 tuần mới ăn bù cơ.

Lúc này lại cần đến sự kiên trì của mẹ rồi.

4Biếng ăn do suy dinh dưỡng và thiếu vi chất

Trong cơ thể con thiếu 1 số Vitamin và khoáng chất, nên con không có cảm giác thèm ăn. Và không muốn ăn.

Để xác định được có thiếu chất hay không thì mẹ cần đưa con đi thăm khám, đi xét nghiệm xem thiếu chất gì. Một số địa chỉ uy tín như: Viện dinh dưỡng, B.s Colin, Bs Huyên Thảo, Bs Trí Đoàn...

Theo khuyến cáo của viện Dinh Dưỡng thì các vi chất này cần được bổ sung từ khi mang thai (thậm chí là trước khi mang thai).

Khi cơ thể mẹ bị thiếu vi chất, sinh con ra, rồi sữa không đủ chất dinh dưỡng trong thời gian dài thì sẽ dẫn đến sự thiếu chất ở trẻ, gây biếng ăn, không có cảm giác thèm ăn.

Hiện nay trong các thực phẩm đôi khi không cung cấp đủ nguồn vi chất. Vì được trồng công nghiệp nhiều, trong đất không còn đủ lượng khoáng chất cần thiết nữa.

Nên việc thăm khám và bổ sung vi chất cho con là khá quan trọng.

(Dĩ nhiên những bé không thiếu thì không cần bổ sung)

NGUYÊN NHÂN BIẾNG ĂN TỪ NGƯỜI LỚN

5Cho con ăn dặm quá sớm.

Nghĩa là ăn trước 6 tháng hoặc ăn trước "khoảng xung quanh 6 tháng" (trước 5m đó ạ).

Mặc dù có những bé ăn dặm ở giai đoạn này đã ăn rất tốt, rất trộm vía, nhưng chỉ là ăn lấy lượng, cơ thể con chưa thể hấp thu được các chất dinh dưỡng trong thực phẩm đưa vào.

Dần dần dẫn đến thiếu chất => biếng ăn do thiếu chất.

Việc ăn sớm cũng làm hệ tiêu hóa của con bị mệt. Dẫn đến việc biếng ăn về sau.

Con ăn sớm thì dễ bị dị ứng. Mẹ nên chờ con qua 5m. Cho con ăn dặm từng ít một để làm quen, và ăn 3 day wait để tránh bị dị ứng.

6Cho trẻ ăn quá nhiều bữa.

Nghĩa là lịch ăn của trẻ quá dày, con chưa tiêu hóa hết thực phẩm của bữa trước đã cho ăn bữa sau. Bụng con lưng lửng chưa đói thì con không muốn ăn.

Mẹ có thể tham khảo bảng thời gian tiêu hóa thực phẩm ở trẻ:

  • Sữa mẹ: 1-2h
  • Sữa công thức: 2-3h
  • Đồ ăn nhẹ: 3-4h
  • Đồ ăn thông thường: 4-5h
  • Đồ ăn dầu mỡ: 5-6h

Cũng phải phụ thuộc vào tùy từng bé, có bé bữa ăn cách 2h 1 lần con vẫn ăn tốt, bình thường. Có những bé thì ăn xong mà 2h sau ăn bữa sữa thì bữa tiếp theo con sẽ không ăn được nữa. Mẹ nhìn vào bảng thời gian tiêu hóa thực phẩm + biểu hiện của con để sắp xếp lịch ăn cho hợp lý với cá nhân con.

Mỗi bạn có 1 cơ địa và nhu cầu khác nhau, nên lịch sinh hoạt không giống nhau được.

7Ăn lẫn quá lâu. (Ăn cháo quá lâu)

Cho con ăn cháo lẫn ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, thậm chí "năm này qua năm khác" . Dẫn đến tình trạng con bị rối loạn gai vị giác ở lưỡi.

Con không được ăn riêng từng loại thực phẩm, không được cảm nhận mùi vị riêng của thức ăn. Về lâu dài, con ăn cái gì cũng có vị nhờ nhợ lẫn lộn rau cháo thịt. Thì con không muốn ăn nữa.

Để 1 đứa trẻ làm quen được với 1 loại thực phẩm thì phải được nếm loại thực phẩm đó ít nhất 20 lần.

Vậy giải pháp là: Tập ăn riêng từng loại thực phẩm cho con.

8Cho con ăn nhuyễn quá lâu.

Ăn nhuyễn thì con không tập được kỹ năng nhai, không có kỹ năng ăn thô tốt => con không ăn thô được.

Không ăn thô được thì không đảm bảo được "đậm độ năng lượng" đưa vào cơ thể con.

Ví dụ 1 bát cơm sẽ có đậm độ năng lượng bằng 3 bát cháo.

Với bé ăn thô được, thì con nhai vèo phát 1 miếng thịt. Nhai vài mẩu rau củ. Xúc vài thìa cơm. Là bằng lượng mẹ xay ra nấu cả 1 bát cháo, rồi nhét, ép, chưa kể nó nôn trớ ra bớt đi nữa.

Khi đậm độ năng lượng đưa vào cơ thể con không đủ, kéo dài, thì sẽ có thể dẫn đến thiếu chất => biếng ăn do thiếu chất và suy dinh dưỡng.

Và ăn nhuyễn quá lâu thì bé cũng sẽ dễ bị chán ăn giống như ăn lẫn quá lâu.

Giải pháp: Không phải gia đình nào cũng phù hợp với phương pháp blw. Mẹ có thể cho con ăn truyền thống, ăn kiểu nhật, nhưng chú ý tăng thô đúng giai đoạn và đúng thời điểm. Sao cho đến 1 tuổi con ăn được cơm nát là được.

9Không tôn trọng nhu cầu của trẻ.

Nghĩa là mẹ luôn muốn con ăn theo "nhu cầu của mẹ". Mẹ luôn nghĩ rằng là ăn như này sẽ tốt cho con, ăn như này mới đủ với con, ăn như kia mới không bị thiếu chất....

Rồi mẹ ép con ăn theo nhu cầu của mẹ => con sợ ăn, biếng ăn kéo dài => mẹ tiếp tục ép ăn => con tiếp tục sợ ăn. Nó thành cái vòng luẩn quẩn như vậy.

Giải pháp:

+ Tôn trọng nhu cầu của trẻ, là phải có sơ sở khoa học, có định lượng theo khuyến cáo của viện dinh dưỡng cho trẻ.

Dĩ nhiên ta không bắt trẻ ăn như 1 cái máy, theo form cái bảng định lượng đó để cho đủ chất. Mà con sẽ lúc ăn lúc không, lúc nhiều lúc ít. Nhưng mẹ hãy cứ tôn trọng con, con từ chối thì mời con ra khỏi bàn và dừng bữa.

Ít nhất khi mẹ biết được bảng định lượng theo khuyến cáo, thì mẹ sẽ không ép con ăn cả tô nọ tô kia vì nghĩ ăn như vậy mới đủ chất nữa.

+ Ăn theo nhu cầu, là đúng giờ đúng bữa mời con ăn, không ăn thì cất đi. Chứ không phải là thích lúc nào ăn lúc đó, thích là vạch ti ra, thích là nhón cái bánh cái kẹo. Các mẹ không nên nhầm lẫn nhé, 2 khái niệm khác nhau hoàn toàn đó ạ.

10Sử dụng gia vị không đúng

Có nhiều bé khi được ăn nêm gia vị thì ăn nhiều hơn, và béo hơn. Nhưng rất có thể đây là tình trạng béo giả do tích nước.

Quan trọng nhất là thận của con sẽ phải làm việc rất nhiều, rất mệt, vì lượng muối quá cao so với nhu cầu cơ thể.

Ăn nhiều đường thì dễ gây béo phì, tăng động...

Giải pháp: Mẹ nên sử dụng những gia vị tự nhiên như Dashi từ cá bào tảo bẹ, dashi rau củ, giả muối từ thực phẩm tự nhiên...

11Tạo áp lực cho con khi ăn.

Vào bữa ăn mẹ cứ ngồi kè kè "ăn cái này đi con", "ăn cái kia đi con", con không ăn thì quát mắng đánh đập.

=> con bị ức chế, sợ bữa ăn => biếng ăn

12Lượng sữa con uống quá nhiều

"Con tôi nó chả chịu ăn gì cả, nó chỉ thích uống sữa thôi".

Con không ăn mẹ lại bù sữa, thích là uống, thích là ti.

Trên 1 tuổi mà ngày sữa đả cả lít thì bụng dạ đâu mà nó muốn ăn nữa.

Con cũng sẽ bị phụ thuộc vào sữa, ỉ i không ăn thì sẽ được uống sữa bù nên không thèm ăn.

Sữa không thể bổ sung đầy đủ chất thay thế được đồ ăn, nên con chỉ uống sữa không ăn sẽ gây thiếu chất ở trẻ => biếng ăn do thiếu chất.

Giải pháp:

Trẻ trên 1 tuổi lượng sữa khoảng 400-500ml thôi. Nếu bé ăn sữa quá nhiều thì mẹ giảm sữa xuống.

Uống sữa cũng phải cho uống đúng giờ, đến giờ mới được uống chứ không phải cứ thích lúc nào là uống lúc đó.

13Trẻ ăn đêm.

Nếu trẻ ti đêm theo cữ, sau khi ăn xong con ngủ bình thường, thì nó không ảnh hưởng gì cả và mẹ không cần cắt ti đêm.

Nhưng nếu đêm con không cần ăn, con ngủ xuyên đêm, mà mẹ dựng con dậy cho ăn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của con.

Hoặc con nghiện ti, đêm rúc rích liên tục, ngủ không sâu giấc. Thì sẽ rất ảnh hưởng đến lượng ăn ban ngày. Và ngủ không sâu thì phát triển chiều cao và trí não cũng kém hơn.

Đêm ăn nhiều + ngủ không sâu giấc => sáng dậy lưng lửng dạ + mệt => không muốn ăn => đang ngủ giấc ngày thì đói nên tỉnh dậy hoặc ngủ không ng mệt => bữa sau ăn không ngon... Nó lại trở thành một cái vòng luẩn quẩn biếng ăn ở trẻ.

Giải pháp:

Mẹ nên cai ti đêm cho con. Có nhiều phương pháp để cai sữa đêm.

Ví dụ: giảm dần lượng sữa ở mỗi cữ ăn, cắt bớt từng cữ một, ti nước, hoặc tách mẹ...

14Cho trẻ ăn uống thụ động

Giờ ăn mẹ cho trẻ ăn rong, dụ ti vi, điện thoại, đồ chơi... Bằng mọi giá lừa để đút con nuốt hết cái lượng đồ ăn mẹ chuẩn bị. Rồi mẹ yên tâm, mẹ ấm lòng rằng con đã ăn no rồi.

Thế nhưng việc cho ăn thụ động trong thời gian dài, con không tập trung vào bữa ăn, không cảm nhận được mùi vị của thức ăn, ăn quá nhu cầu cơ thể cần.

=> Con biếng ăn, mẹ vất vả.

15Ăn uống không có giờ giấc

Con không có lịch sinh hoạt cụ thể, không có thói quen ăn uống khoa học. Cứ thích lúc nào ăn lúc đó. Sữa thích lúc nào uống lúc đó. Tí lại làm miếng bánh, tí lại làm cái kẹo.

Hậu quả là cơ thể con không thiết lập được thói quen, không biết đâu là giờ ăn, đâu là giờ chơi, đâu là giờ ngủ.

Bạ lúc nào ăn lúc đó thì bụng con lúc nào cũng lưng lửng, đến bữa chính không muốn ăn nữa

=> Biếng ăn

Giải pháp: Thiết lập và tạo cho con 1 giờ giấc sinh hoạt, nề nếp ăn uống khoa học. Lịch sinh hoạt sẽ được thay đổi dần dần theo sự phát triển theo từng giai đoạn của trẻ.

CÁI GÌ CŨNG CẦN PHẢI HỌC.

Làm cha mẹ cũng cần phải có kiến thức. Việc cho con ăn đúng ngay từ đầu là rất rất quan trọng.

Đừng buông câu con dễ nuôi, con khó nuôi để phó mặc tất cả. Con dễ thì mẹ đỡ mệt, con khó thì mẹ cần kiên trì hơn và cố gắng hơn thôi.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm

Từ khóa: