Tài khoản

Cách chăm sóc mẹ sau sinh khoa học để cơ thể sớm phục hồi, sữa mau về

Sau 9 tháng 10 ngày, trải qua bao vất vả của công cuộc bầu bí, người mẹ vượt cạn thành công cùng với một em bé dễ thương chào đời. Trong những ngày này, cách chăm sóc mẹ sau sinh khoa học và đúng phương pháp sẽ quyết định rất lớn đến sức khỏe của mẹ và khả năng cho bé bú.

10 điều cần ghi nhớ về cách chăm sóc mẹ sau sinh

1. Mẹ nên cho bé da kề da ngay sau sinh

Ngay khi vừa chào đời, cắt rốn xong là bé được nằm trên cơ thể ấm áp của mẹ. Việc tiếp xúc da kề da không chỉ mang lại cảm giác an toàn đối với bé, mà còn mang đến cho người mẹ phút giây hạnh phúc không gì sánh được.

Đồng thời tình cảm mẹ con gắn bó sẽ tác dụng rất tốt đến việc giáo dục bé sau này. Da kề da nghĩa là bé được nằm sấp trên ngực trần của mẹ

2. Những hiện tượng mẹ thường gặp sau sinh

Khi sức khỏe của mẹ đã tương đối ổn định, tình trạng ra sản dịch ở âm đạo cũng được kiểm soát. Mẹ và bé sẽ được chuyển ra phòng hậu sản. Tại đây việc theo dõi sẽ được tiếp tục trong vòng 6 giờ trước khi chuyển qua khoa hậu sản của bệnh viện.

Sau khi sinh, sản phụ thường cảm thấy khá đau, mệt mỏi, kiệt sức, một số có biểu hiện lạnh run do bị mất nhiệt hoặc vì mất máu trong quá trình chuyển dạ.

Nhưng cảm giác đau đớn, mệt mỏi sẽ nhanh chóng biến mất khi trông thấy em bé bé bỏng, đáng yêu nằm bên cạnh.

Hộ sinh sẽ kiểm tra huyết áp, mạch, nhiệt độ của sản phụ mỗi 2 giờ một lần để chắc rằng sản phụ đã thực sự ổn định.

3. Sau bao lâu dạ con sẽ co lại?

Điều đáng lo ngại nhất sau khi sinh là tình trạng băng huyết hoặc bị mất quá nhiều máu. Do đó, bên cạnh việc theo dõi huyết áp, mạch, các mẹ sẽ được hộ sinh kiểm tra xem tử cung có gò, co bóp lại thường xuyên hay không.

Sau khi em bé chào đời, bánh nhau được lấy ra, tử cung sẽ co lại thành một khối chắc ngang rốn để thực hiện cầm máu sinh lý.

Tử cung co bóp từng cơn, người mẹ sẽ cảm thấy đau ở bụng. Mỗi lần như thế, một ít sản dịch sẽ được tống ra ngoài.

4. Những lưu ý về tử cung và sản dịch đối với mẹ sau sinh

Mẹ và bé sẽ được chăm sóc tại bệnh viện vài ngày sau khi sinh. Ngoài việc theo dõi tổng trạng, sản phụ và bé sẽ được khám hàng ngày để theo dõi và phát hiện các bất thường có thể xuất hiện với người mẹ như sốt, tử cung gò chậm, đau nhiều, sản dịch ra nhiều, có mùi hôi, …

Tử cung sau sinh cao ngang rốn và sau đó sẽ thu nhỏ từ 1-2 cm/ngày. Thông thường khoảng 2 tuần sau sinh tử cung sẽ trở về kích thước và vị trí ban đầu như trước khi có thai.

Khi sinh lần đầu, tử cung sẽ nhỏ lại nhanh hơn so với những lần sau. Trong quá trình bé bú cũng giúp cho tử cung co hồi nhanh hơn.

Sau sinh người mẹ sẽ có hiện tượng ra sản dịch. Thành phần của sản dịch bao gồm máu, lớp niêm mạc tử cung bong tróc và những mảnh vụn của màng nhau. Sản dịch ra nhiều trong những ngày đầu sau sinh. Từ tuần thứ 2 trở đi, sản dịch nhạt màu và ít dần rồi hết hẳn.

Sản dịch có mùi tanh, không hôi. Nếu thấy sản dịch có mùi hôi hoặc màu nâu như lẫn nước mũi là bất thường. Mẹ cần báo ngay cho nhân viên y tế.

Để dạ con sớm co về vị trí cũ, mẹ có thể áp dụng 2 cách như:

– Rang muối, gừng và chườm lên bụng hàng ngày.

– Nằm úp bụng lên muối đã rang nóng cũng đem lại hiệu quả cao.

4. Cách cho bé bú tốt nhất sau sinh

Khi cho bé bú, một luồng thần kinh cảm giác đi từ núm vú lên não làm cơ thể sản sinh ra Ocytocyn. Hoóc môn này sẽ đi vào máu, giúp tử cung gò tốt sau sinh. Nhờ đó làm giảm tình trạng chảy máu.

Việc cho bé bú sớm sau những giờ đầu sau sinh giúp bé tận hưởng được nguồn sữa non quý giá. Sữa non là nguồn dinh dưỡng vô cùng tốt với bé sơ sinh vì cung cấp cho bé nhiều kháng thể và các protein kháng khuẩn, giúp bé chống lại các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp, …

Sữa non chỉ có trong những ngày đầu sau khi sinh với số lượng rất ít. Mẹ cần lưu ý không vắt bỏ sữa non theo quan niệm dân gian vì như thế là tước đi loại dưỡng chất tốt nhất của bé.

Thông thường từ ngày thứ 2, vú sẽ có hiện tượng ra sữa. Nhiệt độ của cơ thể người mẹ sẽ tăng lên (38-38,5 độ C). Hai bầu vú thường căng nhức và chảy sữa ra ngoài. Mẹ cần sử dụng tấm lót áo ngực để thấm sữa cho sạch sẽ. Khi cho bé bú, mẹ cần cho bé bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên còn lại để bé nhận được cả sữa đầu và sữa cuối. Nếu con vẫn còn muốn bú nữa thì mẹ cho bé bú tiếp bên còn lại. Con chỉ bú ít thì mẹ vắt nốt sữa của bầu vú đó ra. Sữa vắt ra có thể cất trong ngăn mát khoảng 8 tiếng đồng hồ.

Chính vì thế, nếu con bú trọn bầu sữa mẹ đồng thời mẹ vắt cạn bầu còn lại thì mẹ sẽ không cần lo lắng về chuyện lệch bầu vú.

Một số chú ý về cách chăm sóc mẹ sau sinh

1. Người mẹ cần có tư thế nằm thích hợp

Vì sao sinh lượng máu trong cơ thể sản phụ mất đi khá nhiều, do đó mẹ cần tránh kê gối quá cao, điều này sẽ khiến máu huyết khó lưu thông.

Với các mẹ sinh thường, từ 6-8 giờ sau sinh, có thể tiến hành vận động nhẹ nhàng để tử cung co bóp dễ dàng hơn. Trong khi đó, các mẹ đẻ mổ cũng cần ngồi dậy và vận động đi lại trong vòng 24 giờ đồng hồ nhằm giảm nguy cơ dính ruột.

2. Chế độ ăn uống của mẹ sau sinh

Từ 2-4 tiếng đồng hồ sau sinh, các mẹ được khuyến khích nên ăn uống nhẹ như canh, súp, cháo để cơ thể sớm phục hồi, kích thích tuyến sữa của mẹ mau chóng hoạt động, đồng thời giảm hiện tượng lạnh bụng sau khi sinh.

3. Khuyến khích mẹ đi tất chân và ăn mặc kín đáo

Đây không phải là quan điểm cổ hủ mà hoàn toàn có cơ sở khoa học. Sau sinh thân nhiệt của người mẹ dễ biến đổi. Chính vì thế việc đi tất có thể giúp sản phụ phòng tránh lạnh bụng hoặc sởn gai ốc, lạnh người.

Thêm vào đó, nếu cần thiết phải đi ra ngoài sau sinh thì mẹ cũng nên mặc quần áo ấm, kín gió, tránh trường hợp cơ thể bị yếu ớt, dễ dẫn đến cảm lạnh.

Nếu tiếp xúc với ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt thì nên đeo kính râm và tập một số động tác vận động nhẹ nhàng.

4. Sau sinh mẹ có nên gen bụng?

Việc gen bụng sẽ chỉ có tác dụng khi mẹ lựa chọn thời điểm hợp lý. Thông thường, chỉ sau khi hết sản dịch thì mới nên gen bụng. Lựa chọn thời điểm này cũng sẽ giúp giảm nguy cơ bế sản dịch, một biến chứng hậu sản dễ khiến người phụ nữ bị suy yếu.

5. Có nên xông lá trầu sau sinh?

Một trong những kinh nghiệm về cách chăm sóc mẹ sau sinh đấy là việc sử dụng lá trầu để xông mặt và xông mắt.

Do mất một lượng máu khá lớn sau sinh em bé nên nhiều mẹ sẽ có hiện tượng mờ mắt hay thậm chí là quáng gà. Ngoài việc tránh để mắt tiếp xúc với nguồn ánh sáng mặt trời mạnh trực tiếp, các mẹ có thể xông hơi bằng lá trầu.

Trong lá trầu có chứa các tinh chất kháng khuẩn nên việc xông hơi bằng loại lá này vừa giúp mắt sản phụ sáng hơn, vùng da mặt được giãn nở lỗ chân lông, giúp giảm tình trạng mụn viêm sau sinh.