Tài khoản

Cách chăm sóc và phòng ngừa tình trạng chàm sữa khó chịu cho trẻ nhỏ

Mẹ Soo 3 năm trước 5 bình luận

Chàm sữa rất hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng dễ tái đi tái lại nhiều lần nếu không được chăm sóc đúng cách.

Xem nhanh

  • Chàm sữa là gì?
  • Nguyên nhân khiến con bị chàm sữa
  • Dấu hiệu bệnh chàm sữa ở trẻ 
  • Chăm sóc khi trẻ bị chàm sữa như thế nào?
  • Phòng tránh chàm sữa cho trẻ

1Chàm sữa là gì?

Chàm sữa (lác sữa, viêm da cơ địa,...) là một loại bệnh viêm da mãn tính thường gặp nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi và giảm dần khi con lớn hơn.

Bệnh chàm sữa không gây lây nhiễm giữa trẻ này với trẻ kia nhưng lại rất khó điều trị dứt điểm, dễ bị tái phát nhiều lần và có thể trở thành chàm thể tạng.

2Nguyên nhân khiến con bị chàm sữa

Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa ở trẻ có thể là do yếu tố di truyền. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ có cơ địa dị ứng hoặc có gia đình có tiền sử hen suyễn, dị ứng, mề đay,... 

Tình trạng chàm sữa của con có thể dễ tái phát và phát triển nặng thêm nếu con tiếp xúc với các yếu tố dễ gây dị ứng như nhiệt độ môi trường, lông động vật, nấm mốc, khói thuốc lá, thực phẩm dễ gây dị ứng,...

Chàm sữa thường không xuất hiện ở vùng da quanh mắt, mũi, miệng của con (Ảnh: internet)

3Dấu hiệu bệnh chàm sữa ở trẻ 

Bệnh bắt đầu bằng những nốt đỏ li ti ở hai bên gò má, sau đó có thể lan ra cằm, cổ, toàn thân và phát triển thành các mụn nước, sau đó khô lại, đóng vảy, tróc vảy. 

Những vùng da bị chàm sữa của trẻ khi sờ vào có cảm giác khô và căng, con sẽ cảm thấy ngứa ngáy khó chịu, thường xuyên quấy khóc và có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt ăn, ngủ hàng ngày.

4Chăm sóc khi trẻ bị chàm sữa như thế nào?

Khi trẻ bị chàm sữa, mẹ nên giữ vệ sinh sạch sẽ vùng da bị bệnh cho con, tránh để con gãi vỡ các mụn nước khiến chàm sữa lây lan ra rộng hơn và dễ dẫn đến nhiễm trùng da.

Mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm loại thuốc bôi ngoài da phù hợp và an toàn với trẻ. Không nên áp dụng bừa bãi các phương pháp dân gian, tránh làm tình trạng bệnh của con nặng thêm.

5Phòng tránh chàm sữa cho trẻ

  • Hạn chế cho con tiếp xúc với các nguồn dễ gây dị ứng như lông động vật, nấm mốc, phấn hoa,...

  • Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, phòng ở

  • Tắm và vệ sinh cho trẻ hàng ngày

  • Sử dụng các loại sữa tắm, kem bôi da phù hợp, dành riêng cho trẻ nhỏ

  • Nếu đang cho con bú, mẹ nên chú ý chế độ dinh dưỡng và hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu chất tanh,...

  • Cho con ăn dặm đúng thời điểm, không nên cho trẻ ăn dặm sớm để hạn chế tình trạng dị ứng thức ăn

Theo Bibabo.vn