Tài khoản

Cách thở và rặn hiệu quả trong quá trình vượt cạn

Chuyển dạ là một quá trình bởi vì thời gian chuyển dạ thường kéo dài từ 6 - 12  giờ ở người con rạ và thời gian này kéo dài tăng gấp đôi ở người mới sinh con lần đầu, nghĩa là từ 12 - 24 giờ tính từ khi xuất hiện cơn co tử cung chuyển dạ đầu tiên.

Chuyển dạ là một quá trình đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ thai nghén, sau 38 - 40 tuần “mang nặng”, thai phụ bước vào giai đọan “đẻ đau”.


Lúc bắt đầu chuyển dạ thì cơn gò tử cung thường ngắn, kéo dài khoảng 10 đến 15 giây và tần số xuất hiện thường dài như 10 phút có một cơn co. Các cơn co này thường gây đau nhẹ. Sau đó, càng gần đến lúc rặn sanh thì cơn co kéo dài hơn khoảng 15 - 20 giây rồi 20 - 30 giây, và lúc cơn co kéo dài khoảng 30 - 40 giây là lúc em bé sắp ra đời. Sự xuất hiện các cơn co cũng thường xuyên hơn, 10 phút sẽ có 3 cơn co và khi 10 phút có hơn 3 cơn co và sản phụ đau bụng dữ dội là thời điểm rặn sanh đã đến.


Như vậy, chúng ta thấy rằng cơn co tử cung mang tính chất chu kỳ, với mỗi một cơn gò tử cung thường có 3 thì: thì co, thì kéo dài và thì nghỉ.


Ở thì co, thai phụ thường cảm giác bụng cứng lên, cảm giác đau đớn tăng dần, đau đạt đỉnh điểm ở thì kéo dài, sau đó cảm giác đau sẽ giảm dần và không cảm thấy đau nữa ở thì nghỉ. Khoảng cách giữa các cơn gò tử cung là thì nghỉ,  đó là những thời điểm để thai phụ phục hồi sức lực, chuẩn bị tập trung vào thì co và thì kéo dài để chịu đau và rặn sanh có hiệu quả. Như vậy, đau rồi hết đau, rồi đau, rồi hết đau….lặp đi lặp lại cho đến khi em bé được sinh ra.


Ông bà ta thường nói “Đau như đau đẻ” để nói rằng là đẻ đau lắm, đau không gì bằng! Ngày nay, với những tiến bộ của khoa học, đã có phương  pháp gây tê “Đẻ không đau”. Tuy nhiên, không phải tất cả thai phụ nào cũng đều được đẻ không đau. Vì đẻ không đau chỉ thực hiện được ở những bệnh viện lớn có trang bị phương tiện gây mê hồi sức tốt và có đội ngũ bác sĩ gây mê rành nghề và cũng có những trường hợp thai phụ có chống chỉ định gây tê đẻ không đau như bệnh lý cột sống, cao huyết áp…. Và mặc dù đẻ không đau nhưng thai phụ vẫn cần biết cách thở và cách rặn sanh thì cuộc sanh mới tốt đẹp, mẹ tròn con vuông được.


Do đó, thai phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: Bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sanh…


Cách thở được hướng dẫn như sau:


Dựa theo tính chất chu kỳ của cơn gò tử cung, sản phụ sẽ chú ý, tập trung vào hơi thở:


Khi bắt đầu cảm nhận đau, nghĩa là khi bắt đầu thì co, có cơn co xuất hiện thai phụ nên tập trung vào hơi thở để tập thở nhanh dần. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cơn đau càng tăng thì thở càng nhanh hơn và nông hơn, tần suất nhịp thở tăng dần ở thì kéo dài. Cảm nhận đau càng nhiều thì thở càng nhanh hơn. Ở thì thở ra làm sao tạo được tiếng rít gần như tiếng rít, tiếng huýt sáo nhỏ. Đến khi cảm nhận bớt đau thì thở chậm lại và thở sâu hơn, tần suất nhịp thở giảm dần.

Ở thì nghỉ giữa các cơn co tử cung, thai phụ nên thở sâu và nhẹ nhàng bình thường để lấy lại năng lượng đã bị mất đi khi thở nhanh, nông ở thì co và tích trữ năng lượng cho lần thở của cơn đau kế tiếp… Nên thư giãn tòan thân là tốt nhất.


Khi bác sĩ cho phép được rặn, thai phụ nên tập rặn đúng cách thì mới có hiệu quả đẩy thai ra khỏi bụng mẹ và ống sinh dục được. Rặn không hiệu quả, giai đọan xổ thai kéo dài sẽ làm mất sức người mẹ và em bé có thể bị ngạt ngay khi chưa kịp sinh ra.


Cách rặn được hướng dẫn như sau:


Khi cảm nhận được cơn co tử cung: bụng gò cứng dần và xuất hiện cơn đau: Thai phụ nên hít vào một hơi thở thất sâu. Sau đó nín thở, miệng ngậm chặt, hai tay nắm chặt vào hai thành của bàn sanh, hai chân đạp mạnh vào hai ống treo cổ chân của bàn sanh, dồn hơi rặn mạnh để đẩy hơi xuống vùng bụng dưới giúp tống xuất thai nhi ra ngoài. Khi cảm thấy sắp hết hơi nhưng vẫn còn đau có thể hít vào một hơi khác và rặn tiếp tục cho đến khi hết cảm thấy đau bụng nữa. Chú ý là trong khi rặn, thai phụ phải giữ sao cho lưng thẳng, áp sát vào bề mặt bàn sanh và phần mông phải cong lên phía trước. Đặt biệt là phải giữ để khi rặn thì miệng không được phát ra bất cứ âm thanh nào.

Giữa 2 cơn co tử cung, hết đau thì thở sâu điều hòa, dưỡng sức để tập trung vào đợt rặn kế tiếp.


Ở người sinh con so, cuộc rặn sanh như vậy thường kéo dài từ 30 - 40 phút chia thành nhiều đợt rặn. Sau đó mới xổ thai được. Ở người con rạ thì cuộc rặn ngắn hơn từ 20 - 30 phút.


Thì xổ đầu thai nhi là quan trọng nhất. “Đầu xuôi đuôi lọt”, thường là như vậy. Bác sĩ sẽ tiếp tục đỡ sanh, chủ động kéo thân hình, mông và chân tay em bé ra khỏi cửa mình của mẹ, cuộc rặn sanh xem như kết thúc. Tuy nhiên, có một số trường hợp bé quá to, cân nặng bé quá lớn có thể gây khó khăn ở thì xổ vai, kẹt vai. Lúc này các bác sĩ sẽ thực hiện một số thủ thuật để đỡ em bé….Có thể có một vài rắc rối, biến chứng khi kẹt vai nhưng thường thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé vì cơ thể nhỏ bé ấy rất kỳ diệu, khả năng hồi phục của bé rất nhanh và ít khi để lại biến chứng….

Chúc các bà mẹ vượt cạn an toàn, hạnh phúc, mẹ tròn con vuông như mong đợi!