Tài khoản

Căng tức sữa sau sinh : nguyên nhân và cách giải quyết

ℳẸ BẮP☘ XOÀI 5 năm trước 11 bình luận

CĂNG TỨC SỮA SAU SINH: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT


Khi mẹ cho con bú trong những tuần đầu sau khi sinh, mẹ có thể bị căng tức sữa. Tình trạng này sẽ khiến mẹ khó chịu, có cảm giác ngực lớn hơn, nặng và hơi đau. Nhưng nguyên nhân do đâu? Và tình trạng căng tức sữa có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé?

 NHẬN DẠNG DẤU HIỆU NGỰC CĂNG TỨC SỮA


Sản phụ sau khi sinh khoảng 2 - 5 ngày hầu như ai cũng có cảm giác căng ngực. Lúc này, tình trạng phù nề mô tuyến sữa gây ra cảm giác nặng ngực, đau nhẹ hay nóng, đi kèm với cảm giác căng ngực. Đây là hiện tượng bình thường của quá trình tạo sữa cho bé.


 Tình trạng ngực bị căng tức thường sẽ giảm dần trong khoảng 2- 3 tuần sau khi sinh, rồi sau đó mẹ sẽ thấy ngực mềm hơn cho dù sữa vẫn đang tiết rất nhiều.


 Nhưng nếu mẹ vẫn thấy ngực gặp tình trạng cứng, sưng, đau nhói và khó chịu kéo dài thì mẹ đã bị CĂNG TỨC SỮA. Chỗ sưng có thể chạy dài tới cả nách và mẹ thậm chí còn bị sốt nhẹ.


NGUYÊN NHÂN GÂY RA TÌNH TRẠNG CĂNG TỨC SỮA


 Không cho bé bú thường xuyên: Trong những ngày đầu sau khi sinh, mẹ có thể bị căng sữa nếu không cho bé bú mẹ thường xuyên hoặc bé không bú đủ để làm cạn bầu sữa. Điều này rất cần thiết, cho dù ngực mẹ lúc này chỉ đang tiết ra một lượng sữa nhỏ.


 Ống dẫn sữa bị tắc: Dù cho trẻ có bú đủ và tốt như thế nào, mẹ vẫn bị căng sữa. Điều này dễ dàng xảy ra nếu mẹ từng nâng ngực. Mô nhân tạo trong ngực chiếm nhiều chỗ trong ngực khiến không còn đủ chỗ cho lượng sữa, bạch huyết và máu đang ngày càng tăng.


 Mẹ mặc áo ngực quá chật: Đây là nguyên nhân khiến bầu ngực bị chèn ép và dẫn đến tắc tia sữa.


 NGỰC CĂNG TỨC SỮA CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO TỚI MẸ VÀ BÉ?


 Ảnh hưởng tới bé: Vấn đề này cũng gây ảnh hưởng tới bé khi dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại và tuyến sữa bắt đầu sưng lên, bầu vú của người mẹ cứng dần lên tạo thành những u cứng gây khó khăn cho việc bé bú, không ngậm vú được lâu. Cả 2 mẹ con đều không thoải mái ảnh hưởng đến việc chăm sóc bé.


Ảnh hưởng tới mẹ: Căng tức sau sinh ngoài việc gây ra cho mẹ những cơn đau còn dẫn tới việc mất sữa do tuyến sữa không còn hoạt động nữa. Ngoài ra, mẹ còn bị tắc các ống sữa và có thể bị viêm nhiễm tuyến vú.


 TÌNH TRẠNG NGỰC BỊ CĂNG TỨC SỮA KÉO DÀI BAO LÂU?


May mắn thay, hiện tượng ngực căng tức sữa sau sinh sẽ nhanh chóng biến mất đối với đa phần các mẹ. Mẹ có thể chờ tình trạng này giảm nhẹ đi trong 24- 48 tiếng đồng hồ nếu mẹ cho trẻ bú tốt hoặc mẹ hút/vắt sữa ít nhất là cứ mỗi 2 -3 tiếng đồng hồ. Nếu không thì tình trạng này có thể mất đến 10 ngày để khỏi hoàn toàn.


 MẸ CẦN LÀM GÌ ĐỂ KHẮC PHỤC KHI NGỰC BỊ CĂNG TỨC SỮA?


 Cho bé bú thường xuyên: Sau khi sinh mẹ cần cho bé bú ngay và cữ bú cách nhau tầm 2-3 tiếng. Có thể cho bé bú nhiều hơn nếu bé đói.


 Dùng máy hút sữa: Hiện nay máy hút sữa là liệu pháp tối ưu đối với các bà mẹ giúp giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến sữa mẹ trong đó có căng tức, cương sữa. Trong trường hợp này, máy hút sữa giúp thông tắc tia sữa, một số loại còn có chế độ masage nhẹ nhàng bầu ngực giúp mẹ dễ chịu, cải thiện cơn đau. Sau khi cho bé bú mà mẹ vẫn còn cảm giác đau nhức, mẹ nên sử dụng máy hút sữa để hút cạn sữa thừa ra ngoài. Điều này giúp bầu ngực mềm mại hơn, bé bú dễ dàng hơn, mẹ giảm đau nhức. Nhưng mẹ nên lưu ý: Không nên dùng máy hút sữa lâu vì càng nhiều sữa được “sản xuất”, mẹ càng bị căng tức ngực lâu hơn.


 Chườm khăn ấm/lạnh: Trước khi cho bé bú các mẹ nên đắp khăn ấm/lạnh lên bầu ngực trước khi sữa chảy hoặc mẹ có thể tắm nước ấm dưới vòi hoa sen. Ngoài ra, mẹ chườm khăn lạnh trước và sau khi bé bú 10 phút cũng là một cách giúp giảm cương tức.

- Mặc áo ngực dành riêng cho việc cho con bú và đúng kích cỡ: Sau sinh ngực mẹ lớn hơn nên mẹ cần mặc áo size lớn, đảm bảo không có gọng gây đau đớn. Tốt nhất các mẹ nên sử dụng áo ngực chuyên dụng cho con bú để khắc phục tình trạng này.


Massage nhẹ nhàng: Khi cho bé bú, các mẹ nên massage nhẹ nhàng bầu ngực và đầu ti. Điều này giúp kích thích sữa tiết ra và giảm đau nhức.


 Thay đổi tư thế khi cho bé bú: Mẹ có thể thay đổi tư thế thoải mái nhất cho bé bú để bé bú cạn bầu sữa, giúp giảm căng tức sữa cho mẹ.


LƯU Ý: Khi có các biểu hiện như: cảm giác căng ngực không giảm bớt, dịch xung quanh tuyến sữa tụ lại và tuyến sữa bắt đầu sưng lên. Bầu vú của người mẹ cứng dần lên và vùng da xung quanh bị căng bóng, bầu vú bị đau, đôi khi người mẹ có thể bị sốt nhẹ… nếu để lâu sẽ bị có thể bị tắc các ống sữa và viêm nhiễm tuyến vú rất nguy hiểm. Lúc này mẹ cần đến cơ sở y tế để được tư vấn. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc làm ngưng tiết sữa, vì các thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm