Tài khoản

Cảnh báo 5 bệnh hậu sản thường gặp ở phụ nữ sau sinh

Bệnh hậu sản là gì?

Hậu sản là khoảng thời gian sau sinh, khi cơ thể phụ nữ còn rất yếu do quá trình mang thai và sinh nở. Theo dân gian đây là thời gian 3 tháng sau khi sinh ở phụ nữ. Trong y học hiện đại, thời gian này là khoảng 6 tuần ở phụ nữ sau sinh.

Bệnh hậu sản là những bệnh xuất hiện trong thời gian hậu sản ở phụ nữ. Bất kỳ phụ nữ nào sau sinh đều bước vào giai đoạn hậu sản và nếu không chăm sóc cơ thể kỹ lưỡng có thể mắc phải các bệnh hậu sản.

Tại sao phụ nữ sau sinh lại bị các bệnh hậu sản

Nguyên nhân dẫn đến bệnh hậu sản ở phụ nữ sau sinh do nhiều yếu tố như:

– Không được chăm sóc sức khỏe trước sinh tốt: thiếu chất, thể lực kém,…

– Căng thẳng, mệt mỏi trước sinh, không hấp thụ dinh dưỡng khiến cơ thể bị kiệt sức, suy nhược

– Không kiêng cữ sau thời gian sinh con: phần phụ của phụ nữ sau sinh cần khoảng thời gian 6 tuần để phục hồi. Việc không kiêng cữ mà gần gũi chồng quá sớm sẽ dẫn đến những tổn thương phần phụ.

– Căng thẳng, mệt mỏi do chăm sóc bé thời gian mới sinh.

Các bệnh hậu sản thường gặp ở phụ nữ sau sinh

1. Băng huyết sau sinh

Đây là một trong các bệnh hậu sản nguy hiểm dẫn đến tử vong ở phụ nữ sau sinh. Băng huyết sau sinh thường xuất hiện trong khoảng 24h sau sinh.

Những biểu hiện cụ thể của phụ nữ bị băng huyết sau sinh đó là ra nhiều máu, mạch đập nhanh, hạ huyết áp đột ngột, choáng váng, da xanh nhợt nhạt, chân tay lạnh toát,…

Khi xuất hiện những triệu chứng này cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ dẫn tới tử vong do mất máu.

Nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh

– Tử cung yếu do sinh đẻ nhiều lần, đã từng phẫu thuật tử cung, tử cung bị dị dạng, u xơ tử cung, sảy thai, nạo hút thai, phá thai nhiều lần…

– Nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài.

– Đứng khi sinh đẻ, đẻ nhanh, rặn đẻ quá sớm trước khi cổ tử cung mở, đỡ đẻ không đúng cách.

– Sản phụ bị thiếu máu, cao huyết áp, suy nhược, nhiễm độc thai nghén.

– Sót rau trong cổ tử cung, dây rau ngắn, lấy rau không đúng cách, từng bị sót rau viêm niêm mạc tử cung.

– Sau đẻ non, đẻ thai lưu.

Cách phòng ngừa bệnh băng huyết sau sinh

– Nên khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ trong quá trình mang thai để phát hiện sớm và tránh được những nguy cơ có thể xảy ra.

– Nên chọn cơ sở y tế uy tín để đỡ đẻ nhất là những trường hợp đã được cảnh báo nguy cơ băng huyết sau sinh.

– Không nên làm việc quá sớm, sản phụ cần được nghỉ ngơi hoàn toàn về cả thể trạng và tâm lý. Tránh trường hợp băng huyết trở lại

– Trong thời kỳ hậu sản, sản phụ cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín, tránh nhiễm trùng vùng kín, dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước để cơ thể mau chóng phục hồi.

2. Xuất huyết muộn sau sinh

Thông thường ngay sau sinh, sản phụ sẽ bị chảy máu hay còn gọi là sản dịch. Sản dịch sẽ ra nhiều trong 3 ngày đầu với màu đỏ tươi, sau 7 ngày màu sẽ nhạt đi và số lượng ít dần đi. Tuy nhiên nếu trong 2,3 ngày đầu hoặc muộn hơn mới ra máu rất có thể vùng cơ nhau bám tử cung co hồi kém hoặc bị sót rau trong tử cung. Khi thấy xuất hiện hiện tượng này cần báo ngay cho bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp cầm máu, tránh trường hợp mất máu nhiều gây nguy hiểm đến tính mạng sản phụ.

3. Bế sản dịch sau sinh

Sản dịch là điều hết sức bình thường ở phụ nữ sau sinh nhưng nếu sản dịch kéo dài quá 30 ngày, đến 45 ngày mà vẫn chưa hết thì rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh bế sản dịch sau sinh hoặc bệnh lý liên quan đến tử cung.

Triệu chứng bệnh: sản dịch kéo dài trên 6 tuần vẫn chưa hết kèm theo mùi hôi, sốt và đau bụng…

Khi thấy xuất hiện triệu chứng trên, sản phụ cần đi khám ngay lập tức.

Phòng ngừa bế sản dịch sau sinh

– Kiểm tra tử cung sau sinh để phát hiện những bất thường trong tử cung sớm.

– Không ngồi vắt chéo chân sau sinh. Điều này sẽ ngăn cản sản dịch ra ngoài.

– Nên vận động nhẹ, không nên nằm quá nhiều khiến tử cung lâu co lại hơn dẫn đến nguy cơ cao bị nhiễm trùng tử cung. Các bác sĩ khuyên sản phụ chỉ nên nằm nghỉ ngơi khoảng 8 tiếng mỗi ngày, vận động đi lại nhẹ nhàng giúp rút ngắn thời kỳ hậu sản cũng như co dạ con nhanh chóng.

– Với sản phụ có tử cung gập trước có thể nằm sấp 20-30 phút mỗi ngày giúp sản dịch ra dễ dàng.

4. Sản giật sau sinh

Đây là một trong những bệnh hậu sản nguy hiểm ở phụ nữ sau sinh có thể dẫn đến tử vong như băng huyết sau sinh.

Triệu chứng của bệnh chủ yếu là là co giật, hôn mê, đau đầu, buồn nôn, ù tai hoặc bị phù.

Không nên chủ quan trước bệnh lý này, ngay khi thấy những biểu hiện trên nên thông báo ngay với bác sĩ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

5. Nhiễm khuẩn hậu sản

Đây là một trong các bệnh hậu sản thường gặp nhất ở phụ nữ sau sinh. Khởi điểm của bệnh thường là viêm nhiễm ở đường sinh dục (âm đạo, tử cung).

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm khuẩn hậu sản chủ yếu là do vi khuẩn xâm nhập từ cơ thể sản phụ trong quá trình chăm sóc vùng kín sau sinh, dụng cụ đỡ đẻ,…

Triệu chứng điển hình: ban đầu thường sốt nhẹ (>=38 độ C), đau tấy, sưng mủ chỗ viêm, dịch tiết ra có mùi hôi khó chịu, sản phụ thường mệt mỏi, kém ăn,.. Với trường hợp nặng có thể bị sốt cao, lạnh toát người, choáng váng, hạ huyết áp,…

Một số trường hợp nguy hiểm khi bị nhiễm khuẩn hậu sản như nhiễm khuẩn tầng sinh môn, nhiễm khuẩn huyết, viêm phần phụ và dây chằng rộng, viêm niêm mạc tử cung, viêm  tĩnh mạch,… sẽ có biểu hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, nôn ói, đau vùng tử cung, tử cung sưng khá to,… Nếu không được chữa trị kịp thời sản phụ sẽ phải cắt bỏ tử cung và 2 phần phụ.

Chính vì vậy ngay khi thấy hiện tượng sốt cao nhiều ngày sản phụ nên nhanh chóng đi khám để phát hiện và chữa trị kịp thời.

Phòng ngừa nhiễm khuẩn hậu sản

– Chăm sóc vùng kín cẩn thận trước và cả sau sinh: ngay cả khi mang thai mẹ vẫn có nguy cơ cao mắc viêm nhiễm phần phụ. Nếu bị viêm nhiễm trong thời gian này bé có thể bị lây nhiễm. Chính vì vậy khi mang thai, mẹ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, không nên thụt rửa quá sâu. Sau khi sinh, phần phụ cần thời gian phục hồi, đây cũng là khoảng thời gian các bệnh viêm nhiễm rất dễ xâm nhập nhất. Khi cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn nên tránh quan hệ.

– Sản dịch chảy ra, các mẹ nên dùng băng gạc vô trùng và giữ âm đạo luôn khô ráo bằng cách thay quần lót thường xuyên. Không nên sử dụng các loại giấy thô, ướt và có mùi.

– Hạn chế đi lại và vận động nhiều sau sinh sẽ khiến các vết khâu bị bung và dễ dẫn đến viêm nhiễm hậu sản.

– Vệ sinh vùng kín với nước ấm, tuyệt đối không nên sử dụng dung dịch vệ sinh.

– Khi thấy các bất thường liên quan đến sản dịch cần báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Biện pháp phòng ngừa các bệnh hậu sản ở phụ nữ sau sinh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn là gợi ý của các bác sĩ cho mẹ sau sinh. Việc chăm sóc cho mẹ sau sinh cần đảm bảo cả về thể trạng, dinh dưỡng cũng như tâm sinh lý trong cả thời gian trước và sau khi sinh con. Một số gợi ý sau sẽ giúp mẹ hạn chế tối đa khả năng mắc phải các bệnh hậu sản thường gặp trên.

– Hạn chế vận động nhiều và quá sức sau sinh.

– Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách trước và sau khi sinh.

– Lắng nghe cơ thể, ăn những gì mình thích, đảm bảo dinh dưỡng cho mẹ chứ không nên kiêng cữ theo quan niệm xưa cũ tránh các món ăn tanh, xào nấu, chế biến lạ. Việc ăn đi ăn lại 1 vài món sẽ khiến mẹ chán ăn và thiếu chất dẫn đến suy nhược. Tuy nhiên cũng không nên ăn quá đà tất cả, lắng nghe cơ thể và ăn các thực phẩm lành tính, hợp vệ sinh. Rau dền là một những thực phẩm rất tốt cho mẹ sau sinh. Nên uống nhiều nước và ăn nhiều canh để cân bằng với lượng sữa tiết ra tránh tình trạng ít sữa, mất sữa.

– Tắm gội thường xuyên trong môi trường kín gió, không nên kiêng cữ không tắm điều này không những không tốt cho sức khỏe mẹ sau sinh mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển.

– Luôn giữ cơ thể trong trạng thái vui vẻ, hạn chế stress, chia sẻ với người thân để hạn chế trầm cảm sau sinh cũng như giúp cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.