Tài khoản

Dịch sốt xuất huyết tăng đột biến: Mẹ làm gì để bảo vệ bé yêu?

Duy Phương 4 năm trước

Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp, ba mẹ cần áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi sốt xuất huyết. 

Xem nhanh

  • Dịch sốt xuất huyết lan rộng khắp cả nước
  • Bảo vệ bé yêu khỏi dịch sốt xuất huyết

Theo Cụ Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), dịch sốt xuất huyết đang ngày càng diễn biến phức tạp, đạt cao điểm vào tháng 10, tháng 11. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi thời tiết khi giao mùa, mưa nhiều, thời tiết ẩm ướt phù hợp cho muỗi phát triển. 

1Dịch sốt xuất huyết lan rộng khắp cả nước

Theo thống kê từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cả nước ghi nhận gần 250.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 50 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh và thành phố. 

Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát khắp cả nước (Ảnh: Internet)

Khu vực miền Nam mắc sốt xuất huyết cao nhất với 159.000 trường hợp, sau đó là miền Trung với 61.000 trường hợp, Tây Nguyên hơn 38.900 trường hợp và khu vực miền Bắc có hơn 18.000 trường hợp. 

Các tỉnh và thành phố mắc sốt xuất huyết tăng cao so với năm trước gồm An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hà Nội, Khánh Hòa, Vĩnh Long,... 

Các tỉnh và thành phố ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao gồm Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Phú Yên, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai. Các ba mẹ ở khu vực này cần hết sức chú ý phòng ngừa dịch bệnh. 

2Bảo vệ bé yêu khỏi dịch sốt xuất huyết

Với hệ miễn dịch còn non yếu và có thể chưa hoàn thiện, trẻ em là một trong những đối tượng rất dễ nhiễm sốt xuất huyết và khó chống chọi lại căn bệnh này, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Ba mẹ cần nắm chắc các thông tin về bệnh sốt xuất huyết: Nguyên nhân, dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, cách chăm sóc và phòng chống nguy cơ trẻ sốt xuất huyết để bảo vệ bé yêu tốt nhất. 

Trẻ nhỏ rất dễ bị mắc sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

2.1. Nguyên nhân trẻ mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra. Muỗi vằn hút máu từ người bị bệnh, mang theo virus Dengue truyền sang cho người chưa bị bệnh, lây lan căn bệnh sốt xuất huyết. Trẻ em bị muỗi vằn đốt có nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết cao.

Muỗi vằn này sống nhiều ở những nơi ẩm thấp, góc tối, nơi hay có nước đọng. Mùa mưa là thời điểm muỗi vằn sinh sôi nảy nở nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để sốt xuất huyết lây lan. 

2.2. Dấu hiệu trẻ bị sốt xuất huyết

Trẻ mắc sốt xuất huyết cơ thể sẽ thay đổi theo 3 giai đoạn: 

Giai đoạn đầu: Kéo dài 1 - 2 ngày: 

  • Trẻ sốt cao đột ngột, liên tục. Kèm theo đói là cảm giác bứt rứt, khó chịu, khiến trẻ quấy khóc nhiều. 

  • Bắt đầu xuất hiện các chấm xuất huyết dưới da. 

Giai đoạn 2: Kéo dài 3 - 7 ngày: 

  • Trẻ vẫn còn sốt hoặc bắt đầu giảm sốt. 

  • Có dấu hiệu thoát huyết tương: Trẻ bị tràn dịch màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt sưng phù. 

  • Xuất huyết dưới da rõ ràng hơn, xuất hiện các mảng bầm tím, các nốt xuất huyết rải rác hoặc tập trung ở trước hai cẳng chân, mặt trong hai cánh tay, phần bụng, đùi và mạng sườn,...

  • Trẻ bị sốc khi bị giảm tri giác, giảm thân nhiệt, giảm huyết áp. 

Giai đoạn 3: Phục hồi

  • Trẻ hết sốt, bắt đầu thèm ăn, huyết áp ổn định hơn, tiểu nhiều hơn. 

Giai đoạn 2 là giai đoạn nguy hiểm nhất, trẻ bị nặng có thể rối loạn đông máu, tính mạng nguy kịch. Do đó, mẹ nên phát hiện sớm các bất thường ở trẻ, và đưa trẻ đi khám ngay sau đó. 

Trẻ sốt cao, xuất hiện xuất huyết dưới da là dấu hiệu của sốt xuất huyết (Ảnh: Internet)

2.3. Làm gì khi trẻ bị sốt xuất huyết? 

Nếu nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị đúng cách. Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh, một số trẻ có thể được điều trị tại nhà, một số trẻ khác cần ở lại nhập viện. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ cách chăm sóc bé tốt nhất. 

- Trẻ bị sốt rất dễ bị mất nước và các chất điện giải, do đó, ba mẹ cần bổ sung nước và điện giải thường xuyên cho trẻ bằng oresol hoặc nước cam, nước chanh tươi để bổ sung vitamin C. 

- Trẻ bị sốt xuất huyết rất dễ sinh cảm giác chán ăn, miệng nhạt, lười ăn, nhưng không ăn rất dễ bị hạ đường huyết, do đó, hãy cố gắng để trẻ ăn uống. 

- Cho trẻ ăn đồ loãng, lỏng, ăn từng chút một để tránh cảm giác đầy bụng, buồn nôn. Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Đồ ăn lỏng dễ ăn có cháo, súp rau củ, sữa uống,... Tránh cách loại thức ăn có nhiều mỡ.
- Với trẻ đang bú mẹ, nên cho bé bú nhiều lần với thời gian lâu hơn. Có thể dùng thêm sữa ngoài để cung cấp chất dinh dưỡng cho trẻ. 

- Trường hợp trẻ bị nôn, cần cho trẻ uống một lượng nhỏ, từng chút một, uống từ từ thành nhiều lần, không nên ép trẻ quá mức. 

- Sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt aspirin, analgin, ibuprofen vì có thể gây tác dụng phụ như xuất huyết ồ ạt rất nguy hiểm cho trẻ. 

- Tuân thủ các biện pháp chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín. 

Cho trẻ ăn đồ loãng hơn mức độ đặc trẻ đang ăn hiện tại (Ảnh: Internet)

2.4. Những điều không nên làm khi trẻ bị sốt xuất huyết? 

- Không nên cạo gió cho trẻ vì sẽ khiến trẻ đau, dễ chảy máu. 

- Không cho trẻ uống nước có ga, nước ngọt, nước có màu.

- Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ vì kháng sinh không có tác dụng khi trẻ sốt xuất huyết. 

2.5. Phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ

Hiện nay vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và thuốc đặc trị sốt xuất huyết. Do đó, ba mẹ cần chủ động áp dụng một số biện pháp khác để hạn chế sự phát triển của muỗi vằn - tác nhân truyền bệnh: 

  • Vệ sinh môi trường sống xung quanh, phát quang khu vực rậm rạp. 

  • Không để đồ chứa nước xung quanh nhà. 

  • Đậy kín bình chứa nước, chum nước, không để muỗi đẻ trứng. 

  • Thu gom, vứt gọn đồ dùng phế liệu, nhất là đồ có thể chứa nước như vỏ chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe,...

  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, tủ, thay bình nước hoa thường xuyên. 

Các biện pháp bảo vệ trẻ khỏi sốt xuất huyết gồm có: 

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay. 

  • Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm kể cả ban ngày. 

  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi,...

  • Có thể dùng các loại tinh dầu xua muỗi như tinh dầu bưởi, tinh dầu sả,...

Ngoài trẻ em, mẹ bầu cũng là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết. Do đó hãy cẩn thận và áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ cơ thể khỏi sốt xuất huyết nhé!

Theo Bibabo.vn