Tài khoản

“Giải cứu” bé yêu khỏi chứng khò khè, khó thở

Hạnh Nguyên 4 năm trước 4 bình luận

Khò khè, khó thở là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Xem nhanh

  • Tại sao trẻ sơ sinh hay bị khò khè, khó thở? 
  • “Giải cứu” bé yêu khỏi chứng khò khè, khó thở

Em bé trong độ tuổi từ 0 - 6 tháng tuổi thường hay bắt gặp tình trạng khò khè, khó thở, thở đứt quãng, đặc biệt vào buổi đêm nghe thấy rõ hơn. Hầu như bé nào cũng gặp vấn đề này khiến ba mẹ rất lo lắng. Nhiều người lựa chọn cho bé đi khám, nhưng nhiều ba mẹ lại sử dụng hút mũi, vỗ rung long đờm, nhỏ mũi,... ngay cả khi không biết nguyên nhân tại sao bé mắc phải hiện tượng này có thể gây tổn thương đến vùng mũi của bé. 

Câu hỏi là, khi bé bị khò khè, khó thở ba mẹ cần làm gì để “giải cứu” bé khỏi tình trạng này? Mời ba mẹ cùng tìm hiểu trong bài chia sẻ hôm nay nhé. 

Khò khè, khó thở là tình trạng thường thấy ở trẻ nhỏ (Ảnh: Internet)

1Tại sao trẻ sơ sinh hay bị khò khè, khó thở? 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong cuốn sách “Chào con! Ba mẹ đã sẵn sàng”, Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo có chia sẻ: 

“Việc một em nhỏ dưới 6 tháng hơi bị nghẹt mũi xíu, khụt khịt khụt khịt là một chuyện khá phổ biến. Trẻ nhỏ mới sinh có ống mũi bên trong rất nhỏ và hẹp, đường kính mỗi ống mũi trong chỉ khoảng 2 - 3mm mỗi bên mũi mà thôi. Vì vậy, khi niêm mạc mũi bên trong sản xuất ra chất nhầy, dễ có trường hợp khó tống chất nhầy này đi, làm chất nhầy tập trung lại và gây đầy ống mũi, tạo ra tiếng khụt khịt khi trẻ hít vào và thở ra. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây khụt khịt ở trẻ trong độ tuổi này, và không cần phải can thiệp gì, nếu ngoại trừ âm thanh hơi khó nghe trên, trẻ hơi ho vài cái, hắt xì hơi vài cái nhưng vẫn tươi vui, khỏe khoắn, không sốt, chơi tốt, bú bốt và ngủ tốt”. 

Như vậy, đây là tình trạng sinh lý bình thường, khá phổ biến và không có gì đáng lo ngại nếu biểu hiện sức khỏe của bé vẫn tốt, bé chơi tốt, ngủ tốt. 

Mặc dù vậy, em bé khò khè khó thở cũng có thể đang gặp phải các vấn đề bệnh lý đường hô hấp. Chẳng hạn: 

  • Trẻ mắc chứng hen suyễn, các cơn khò khè khó thở xuất hiện thường xuyên, nhất là khi ngủ. Khi thời tiết thay đổi hoặc bé tiếp xúc với khói bụi và tác nhân gây kích ứng, tình trạng khò khè khó thở càng nặng hơn. 

  • Trẻ viêm tiểu phế quản, dị ứng, trào ngược dạ dày. 

  • Trẻ bị mềm sụn thanh quản, hoặc vùng thanh quản bị chèn ép bởi các mạch máu lớn. 

  • Trẻ viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản. 

  • Có dị vật đường thở

  • Trẻ mắc tim bẩm sinh thường xuyên khó thở, khò khè, bú kém, da nhợt nhạt, tím tái. 

Trong phần lớn trường hợp, khò khè khó thở không phải tình trạng nguy hiểm, ba mẹ không cần quá lo lắng (Ảnh: Internet)

2“Giải cứu” bé yêu khỏi chứng khò khè, khó thở

Với những em bé khò khè như một tình trạng sinh lý thông thường, không phải do bệnh lý, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để giải cứu bé thoát khỏi cảm giác khó chịu: 

Cách 1: Vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý

Mẹ có thể nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vài lần 1 ngày cho bé. Nên mua nước muối sinh lý tại cửa hàng thuốc, không nên sử dụng nước muối tự pha vì không đảm bảo vệ sinh và nồng độ muối phù hợp với niêm mạc mỏng của bé. Nước muối sinh lý không có hóa chất, rất an toàn với bé, ba mẹ không cần quá lo lắng. 

Ba mẹ nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý sau khi bé tắm xong hoặc trước khi bú để giúp bé thoải mái và dễ chịu, bé dễ bú hơn, ít bỏ bú. 

Cách vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý: 

  • Bước 1: Đặt bé nằm cố định trên mặt phẳng cứng và nghiêng hẳn sang một bên, đầu kê hơi cao hơn thân một chút, tránh nước muối trôi ngược trở lại mũi vào tai có thể gây viêm tai giữa. 

  • Bước 2: Nhỏ vào cánh mũi 1 lượng đủ (theo hướng dẫn của nhà sản xuất) ở cả hai bên mũi và để nước từ từ chảy ra. 

  • Bước 3: Sau khi đợi 1 lúc, mẹ có thể làm khô bên trong mũi bằng tăm bông nhưng không nên chọc quá sâu, kết hợp với làm sạch phía bên ngoài mũi bằng vải. 

Hiện nay chưa có khuyến cáo về việc nhỏ nước muối sinh lý cho bé thường xuyên ngay cả khi bé đang không gặp vấn đề về hô hấp. Và hành động này cũng không giúp bé phòng ngừa các bệnh lý hô hấp như viêm đường hô hấp, viêm mũi dị ứng,...

Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý rất đơn giản, an toàn và hiệu quả khi bé bị khò khè khó thở (Ảnh: Internet)

Cách 2: Xông hơi cho bé

Xông hơi thực hiện rất đơn giản. Ba mẹ bế bé vào trong phòng tắm, sau đó mở vòi nước nóng và đóng kín cửa lại. Hơi ẩm, khí nóng trong phòng có thể giúp dịch nhầy trong mũi bé lỏng hơn, bớt dính hơn và dễ thông hơn. Tuy nhiên, cách này liên quan đến nhiệt độ cao, do đó, ba mẹ nên đặc biệt cẩn thận khi áp dụng nhé. 

Cách 3: Hút mũi

Mẹ có thể sử dụng dụng cụ hút mũi để hút hết dịch nhờn bên trong mũi và thông mũi cho bé. Tùy theo từng loại dụng cụ hút mũi khác nhau sẽ có hướng dẫn thực hiện hút mũi khác nhau, mẹ tham khảo thêm phần hướng dẫn sử dụng nhé. 

Lưu ý: Hút mũi không đúng cách có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của bé. Do đó, ba mẹ không nên lạm dụng cách này mà chỉ dùng khi mũi có quá nhiều dịch nhờn. 

Hút mũi cần làm nhẹ nhàng, đúng cách để giảm tổn thương niêm mạc mũi ở bé (Ảnh: Internet)

Với những em bé khò khè, khó thở là do bệnh lý, khi áp dụng các biện pháp giảm khò khè khó thở thông thường sẽ không có hiệu quả, ba mẹ nên đưa bé đi khám để tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá chính xác tình trạng bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời. 

Theo Bibabo.vn