Tài khoản

Hướng dẫn về tư thế cho bé bú nằm và một số lưu ý mẹ cần biết

Vũ Mai 4 năm trước 14 bình luận

Tư thế cho bé bú nằm là tư thế thường không được nhiều người khuyến khích, vì khi bú nằm trẻ dễ bị nôn trớ, khó chịu, thậm chí là ngạt thở. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mẹ bắt buộc phải cho bé bú nằm. Vì thế, mẹ nên tìm hiểu cặn kẽ cách cho con bú nằm để luôn đảm bảo sự an toàn và thoải mái cho bé. Vậy, làm thế nào để cho con bú nằm mà vẫn an toàn? 

1. Cho bé bú nằm trong trường hợp nào?

Đối với trẻ sơ sinh, hệ tiêu hóa phát triển chưa hoàn thiện nên bé rất dễ bị nôn trớ. Bú nằm gây khó khăn cho sự thở và nuốt của bé, sữa thường bị trào lên thực quản khiến bé bị sặc.

Sữa chảy ra ngoài có thể rơi vào tai hay khí quản gây nguy hiểm cho bé. Vì vậy, mẹ chỉ cho bé bú nằm trong trường hợp không thể ngồi dậy được như sức khỏe yếu sau khi sinh mổ hoặc gặp các vấn đề về bệnh lý.

cách cho bé bú nằm

Cách cho bé bú nằm

2. Cách cho bé bú nằm

Trước tiên, mẹ cần phải nằm thoải mái, hơi nghiêng về phía bên ti sẽ cho trẻ bú. Sau đó dùng gối mềm để đỡ vai của mẹ lên rồi đặt bé ở phía bên vú sẽ cho con bú. Để đảm bảo an toàn khi cho bé bú nằm, mẹ và bé phải nằm song song với nhau, miệng bé để ngang tầm với ti mẹ. Khi bé đã ngậm được ti mẹ đúng cách, hãy kê gối mỏng lên đầu bé để tạo tư thế thoải mái hơn cho bé khi bú.

Tư thế này đồng thời cũng có thể đem lại sự thoải mái cho những bà mẹ sau sinh, đặc biệt là những bà mẹ vừa trải qua một ca sinh mổ. Tuy nhiên, khi bé đã bú xong hoặc là đang thiu thiu ngủ mẹ nên từ từ lấy ti ra khỏi miệng bé, vì nếu như mẹ ngủ quên thì bé có thể bị ngạt do bị đầu ti của mẹ đè, việc này rất nguy hiểm vì nó có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng của bé.

nên hạn chế cho bé bú nằm

Mẹ nên hạn chế cho bé bú nằm

3. Một số lưu ý khi cho bé bú nằm

  • Trước khi cho bé bú nằm, mẹ cần vệ sinh sạch sẽ núm vú bằng cách dùng một cái khăn gạc mỏng nhúng nước ẩm để lau rửa đầu vú.
  • Dù mẹ rất mệt nhưng hãy cố gắng cho bé bú trong vòng nửa giờ đầu ngày sau khi sinh. Vì đó là nguồn sữa non quý giá có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa của bé.
  • Bú nằm dễ khiến bé buồn ngủ. Mẹ hãy luôn chú ý tới phản ứng của bé, lúc nào bé ngủ quên cần nhanh chóng rút ti ra khỏi miệng bé và chỉnh lại tư thế ngủ thoải mái cho bé. Nếu mẹ ngủ quên có thể dẫn đến nguy cơ bé bị ngạt thở vì ti mẹ đè lên mũi bé.

mẹ nằm cho con bú

Cho bé bú nằm dễ khiến mẹ và bé ngủ quên

  • Mẹ hãy cho bé bú hết một bên sữa rồi mới chuyển sang bên còn lại để đảm bảo bé bú đủ cả bầu vú. Phần sữa sau chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất béo và năng lượng hơn. Nếu bé chỉ bú phần sữa trước, bé sẽ không được hấp thụ toàn bộ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ đồng thời mẹ còn có nguy cơ bị tắc sữa vì dưỡng chất bị đọng lại trong vú.
  • Khi bé trớ sữa ra ngoài, mẹ cần lau sạch từ miệng tới tai của bé, tránh cho sữa chảy vào trong tai gây viêm tai giữa.
  • Không cho bé nằm bú một phía trong suốt thời gian dài vì xương sọ của bé còn mỏng, các khớp chưa ổn định, nằm lâu có thể khiến trẻ bị méo đầu. Vì vậy, mẹ cần chú ý thay đổi tư thế nằm của bé đều các phía.

mẹ nằm nghiêng cho con bú

Không nên cho bé nằm một bên quá lâu

  • Mẹ có thể nhờ tới sự giúp đỡ của người nhà để giúp cho bé có tư thế bú nằm tốt nhất. Vì bú nằm không đúng cách dễ khiến bé nuốt phải lượng khí thừa gây nôn trớ, đầy bụng.
  • Hãy luôn giữ tinh thần thoải mái của mình và con khi cho bé bú.

Trên đây là cách hướng dẫn cho bé bú nằm cực an toàn và một vài lưu ý mà mẹ nên biết khi mẹ muốn cho con bú nằm. Hy vọng với bài viết trên, Mom.vn đã giúp cho các mẹ bỉm sữa có thêm kĩ năng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, từ đó có cách chăm sóc con tốt hơn. Chúc các mẹ luôn có những giây phút tuyệt vời cùng con mỗi khi cho bé bú nhé.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm