Tài khoản

Khó chịu vì đau dạ dày khi mang thai sẽ được giải quyết nếu mẹ bầu biết điều này

Mẹ Su Linh 4 năm trước

Trong giai đoạn mang thai, các mẹ có nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe, trong số đó không thể không nhắc đến bệnh đau dạ dày.

Xem nhanh

  • Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu bị đau dạ dày
  • Nguyên nhân mẹ dễ bị đau dạ dày khi mang thai
  • Giúp mẹ cải thiện tình trạng đau dạ dày trong thai kỳ

1Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu bị đau dạ dày

Một số dấu hiệu đau dạ dày rất dễ nhầm với các triệu chứng tiêu hóa khác mẹ bầu thường gặp trong thai kỳ như nôn, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, nhất là ở những mẹ bị ốm nghén nặng

Tuy nhiên, đối với những mẹ bị đau dạ dày khi mang thai, mẹ còn có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu đặc trưng như:

  • Ợ chua, ợ nóng

  • Trào ngược

  • Thường xuyên cảm thấy đau, nóng rát ở vùng thượng vị, đặc biệt là khi đói bụng

Đau dạ dày là nguyên nhân khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, chán ăn dễ dẫn đến trạng thái mệt mỏi, sút cân, thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ.

Đau dạ dày thường xuyên khiến mẹ mệt mỏi, chán ăn, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày. (Ảnh: Internet)

2Nguyên nhân mẹ dễ bị đau dạ dày khi mang thai

Bà bầu thường hay nghén và thèm ăn đồ chua như xoài, mận, sấu, mơ,... Đây là những loại thực phẩm chứa nhiều axit nên rất dễ gây tổn thương hệ tiêu hóa và gây ra hiện tượng đau dạ dày.

Tâm lý thường xuyên lo âu, căng thẳng của mẹ bầu cũng có thể là nguyên nhân khiến bệnh đau dạ dày xuất hiện trong thai kỳ.

Vào những tháng mang thai cuối, tử cung của mẹ phát triển to lên nhanh chóng chiếm phần lớn diện tích khoang bụng nên cũng làm thay đổi vị trí của dạ dày. Điều này vô tình khiến thức ăn dễ bị ứ đọng, khó tiêu và ảnh hưởng không tốt tới niêm mạc dạ dày.

3Giúp mẹ cải thiện tình trạng đau dạ dày trong thai kỳ

  1. Xây dựng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý

Mẹ nên hạn chế ăn các loại thức ăn khó tiêu, không tốt cho dạ dày như đồ chua, đồ cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn,... Trong bữa ăn, mẹ cũng không nên ăn quá nhanh, quá no mà nên ăn chậm, nhai kỹ để giảm áp lực làm việc cho dạ dày.

Mẹ cũng nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và có thời gian nghỉ ngơi hợp lý sau các bữa ăn để hạn chế tình trạng đầy bụng, khó tiêu.

  1. Giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc

Lo âu khi mang thai là tâm lý không thể tránh khỏi của mẹ bầu, nhất là những mẹ mang thai lần đầu. Tuy nhiên mẹ không nên quá căng thẳng, nếu có thắc mắc gì thì tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh việc suy nghĩ lan man, gây áp lực không đáng có lên dạ dày.

Ngủ đủ giấc sẽ giúp cơ thể mẹ hồi phục sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, đảm bảo nhịp sinh hoạt khoa học và sức khỏe cho mẹ.

  1. Vận động nhẹ nhàng, hợp lý

Thực hiện các bài tập thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe như đi bộ, yoga, bơi lội,... không chỉ giúp mẹ nâng cao sức khỏe mà còn có thể giúp dạ dày của mẹ hoạt động trơn tru hơn. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý không nên tập thể dục khi quá đói hoặc vừa ăn no.

  1. Không tự ý dùng thuốc

Mẹ bầu không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc chữa bệnh đau dạ dày vì trong thuốc rất có thể có nhiều thành phần không tốt cho thai nhi. Nếu nghi ngờ mình bị đau dạ dày, mẹ nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và có được chỉ định chữa bệnh an toàn từ bác sĩ.

Theo Bibabo.vn