Tài khoản

Kiêng cữ sau sinh theo quan niệm xưa có chuẩn?

Cẩm Lê 4 năm trước 4 bình luận

Khi mang bầu những tháng cuối, các mẹ bầu thường hay được động viên: ăn cố đi con, đẻ xong lại phải kiêng cữ chẳng được ăn nữa đâu. Quả thật, sau sinh, ngoài những vấn đề sức khỏe mà có thể gặp phải sau cuộc vượt cạn vất vả, mẹ còn phải bắt tay vào làm quen về việc chăm sóc con, hay giải quyết những hỗn độn về kiêng cữ, quan niệm chăm sóc mẹ và bé.

Kiêng cữ thời xưa, áp dụng cả thời nay

Ở bất kỳ trung tâm y tế hay viện sản nào mẹ cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bảng tuyên truyền về Chế độ ăn uống dinh dưỡng cho mẹ mới sinh bao gồm: thịt, cá, đậu trứng… đặc biệt là rau xanh để giảm thiểu táo bón sau sinh.


Thế nhưng trên thực tế, nhiều mâm cơm bà đẻ vẫn “bền vững” với cơm trắng, thịt thăn kho mặn chát, 1 bát canh rau ngót hay một tô canh chân giò. Bởi theo quan niệm của các cụ: Cá quá tanh, phải kiêng, ăn nhiều băng huyết; rau cải, rau muống rỗng ruột, phải kiêng không sau này bị són tiểu, hay không được uống sữa bò vì lạnh bụng…

Không chỉ có vậy, bà đẻ phải ở trong nhà cữ 3 tháng 10 ngày vì ra ngoài rất dễ yếu, dễ bị nhiễm lạnh, như con tôm mới lột còn mong manh, rồi kiêng tắm vì dễ bị ốm, ngồi nhiều gây đau lưng.

“Thời xưa các bà đẻ phải nhịn tắm cả tháng trời mà giờ mới sinh được vài ngày đã tắm rửa rồi à”, chắc hẳn là câu nói quen thuộc lắm với các mẹ đã từng trải qua. Hay việc “nhét nút gòn lỗ tai bà mẹ sau sanh” được truyền qua rất nhiều thế hệ, lâu đến nỗi các bà mẹ trẻ ngày nay cũng không biết ý nghĩa thật sự của tập quán này là gì.

Sự thật là…

Ngày xưa, do chưa có sinh đẻ kế hoạch và quản lý thai kỳ tốt, các bà mẹ mang thai và sinh rất nhiều, rất dày, lại không được cầm máu tốt nên mất rất nhiều máu. Lượng máu mất này không thể bù đắp vì họ lại tiếp tục phải kiêng cữ sau sinh, Điển hình là: Cơm với thịt kho mặn “rộp cả lưỡi” làm sao cung cấp đủ đạm và sắt để tạo lập hồng cầu?

Cơm và cháo chân giò ăn nhiều nhưng lại không có tác dụng bù đắp cho lượng sắt đã mất. Chưa kể việc ăn quá nhiều tinh bột, chân giò chỉ khiến mẹ thừa cân và khó lấy lại vóc dáng như trước mà thôi. Không chỉ có vậy, tình trạng thiếu máu còn khiến mẹ dễ chóng mặt, ù tai, mệt mỏi. Phải chăng đây chính là nguyên do khiến họ phải kiêng gió, kiêng cả nước, kiêng đi ra ngoài và phải nhét gòn vào tai cho đỡ ù?

Chế độ ăn sau sinh thế nào mới đúng?

Tài liệu “Hướng dẫn quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ đang cho con bú” ban hành theo quyết định số 776/QĐ-BYT ngày 8 tháng 3 năm 2017 của bộ trưởng Bộ Y Tế, các mẹ bầu nên ăn đầy đủ theo các khẩu phẩn cân bằng sau:

Protein: Lượng chất đạm cần được cung cấp đầy đủ trong quá trình cho con bú theo khuyến cáo cho người Việt Nam là 78gr/ ngày. Trong đó 35% đến từ protein động vật.

Với protein, mẹ nên lựa chọn các thực phẩm chất lượng như thịt, cá, trứng, sữa, đậu đỗ. Số lượng thực phẩm có thể ước tính là: 100gr thịt/cá cung cấp khoảng 20gr protein, 100gr đậu phụ cung cấp khoảng 10gr protein, 6,5 đơn vị sữa/ngày (uống sữa hoặc ăn các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai). Nên ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.

Chất béo: Lượng chất béo ăn vào cần cung cấp 30-35% năng lượng khẩu phần. Khuyến khích sử dụng các chất béo có nhiều các acid béo không no chuỗi dài đa nối đôi như n3, n6, EPA, DHA (có nhiều một số loại dầu thực vật, dầu cá, một số loại cá mỡ). Lượng chất béo này rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu trí não và thị lực của bé.

Vitamin và khoáng chất: Các vitamin và khoáng chất rất cần bổ sung cho người mẹ nuôi con bú. Ngoài việc bổ sung bằng các thực phẩm tự nhiên trong bữa ăn hàng ngày cần đủ rau xanh (≥400gr trái cây, rau củ/ngày) và đủ chất xơ để tránh táo bón.

Ngoài ra, mẹ cần tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về bổ sung các vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, kẽm, vitamin D và canxi. Bên cạnh đó mẹ cần có nhiều thời gian dành cho giấc ngủ, tránh căng thẳng và cho trẻ bú thường xuyên để kích thích tạo sữa. Tránh ăn uống kiêng khem quá mức (ăn ít rau, không chú ý uống nước, quá nhiều gia vị cay, mặn…).

Nguồn: marrybaby.vn

Theo Bibabo.vn