Tài khoản

Kinh nghiệm chọn trường mầm non cho con của mẹ Meo

Phan Nu Lam Giang 4 năm trước 5 bình luận

Xem nhanh

  • Phương pháp Giáo dục:
  • Khoảng cách địa lý:
  • Vệ sinh:
  • Mối quan hệ giáo viên – học sinh:
  • Chương trình học:

Xem thêm

Mình đã chọn trường mầm non cho Meo Meo như thế nào?

Có một điều phải khẳng định chắc nịch rằng, ở thời buổi này, mọi đứa trẻ đều là “cục vàng”, “cục bạc”, thậm chí “cục kim cương” đối với gia đình, ba mẹ. Khi đã là phụ huynh, không một ai không mong muốn mang lại cho con mình chất lượng cuộc sống tốt nhất. Và mình không nằm ngoài nhóm đó. Mình thậm chí còn là một bà mẹ sẵn sàng chi 2/3 thu nhập cá nhân để đầu tư vào con, đặc biệt là Giáo dục.

Mình cho Meo bé đi học từ 16 tháng tuổi, và dưới đây là một số điểm mà theo mình, các ba mẹ nên lưu tâm khi chọn trường mầm non cho con:

1Phương pháp Giáo dục:

Đây là điều nên làm đầu tiên giúp ba mẹ khoanh vùng được các trường mầm non. Theo mình, dù ít hay nhiều, ba mẹ cũng nên dành một chút thời gian để tìm hiểu xem hiện nay trên thị trường đang có những phương pháp Giáo dục mầm non nào, sau đó liên hệ đến tính cách của con mình, cũng như mong muốn và nếp sinh hoạt của gia đình để hướng con theo phương pháp đó. Một số phương pháp nổi bật như: Montessori, Reggio Emilia, Stem, Hands on,… Lựa chọn cách thức giáo dục phù hợp giữa gia đình và nhà trường sẽ khiến con trở nên dễ tiếp nhận, dễ chịu vì không bị “shock văn hoá” giữa lúc đi học - ở nhà, từ đó, nhanh chóng vui vẻ, hạnh phúc.

Nếu ba mẹ chưa biết con sẽ hợp với phương pháp nào, ba mẹ có thể lựa chọn 2-3 phương án theo thứ tự ưu tiên, ví dụ: Montessori, Stem, sau đó tìm hiểu kỹ hơn để đưa ra quyết định sau.

2Khoảng cách địa lý:

Sau khi đã lựa chọn được phương pháp giáo dục phù hợp với con, ba mẹ có thể tìm trên mạng xem trong vùng bán kính chấp nhận của gia đình có những trường nào đang dạy phương pháp này. Các trường mầm non mở ra mới rất nhiều, ba mẹ có thể đưa ra danh sách khoảng 5 trường (hoặc nhiều hơn), liên hệ tới thăm trường để có thêm nhiều thông tin hơn về chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, y tế, thực phẩm…

Ba mẹ hãy dành ra ít nhất 2 tiếng để tới trường, vừa tham quan vừa có thể hiểu rõ hơn về “văn hoá” của trường nhé!

3Vệ sinh:

Điều kiện tiên quyết của mình khi chọn trường mầm non cho con là SỰ SẠCH SẼ. Mọi người thường nói rằng mới đi học con rất dễ bị ốm, và mình tin lý do con bị ốm tới 90% là do vệ sinh ở trường không đảm bảo. Các ba mẹ có thể kiểm tra vệ sinh của trường bằng cách đưa ra một số tiêu chí như sau:

- Mùi không khí: Rất nhiều trường mầm non có một loại mùi “đặc trưng” của bỉm sữa, hoặc có bị mùi ẩm mốc không?

- Sàn nhà: Sàn nhà đặc biệt không được để ướt. Trẻ con rất dễ trượt và gặp tai nạn nếu sàn nhà không được lau khô, cũng cần đảm bảo không có bụi bẩn. Ba mẹ có thể để ý xem trường có nhân viên vệ sinh riêng hay không?

- Toilet: Mặc dù là trường mầm non nhưng mình ưu tiên trường nào có toilet riêng cho nam và nữ. Các con tầm 3 tuổi là đã cần phải giữ riêng tư cho cá nhân rồi, nên toilet thực sự cần được tách biệt như vậy (mặc dù nhiều trường và nhiều ba mẹ chưa để ý tới điều này). Toilet có sạch sẽ không? Sàn toilet cũng cần giữ khô, và các con bắt buộc phải có dép nhỏ đi trong toilet.

- Dụng cụ cá nhân: Cốc cá nhân, khăn mặt cá nhân của các con có đảm bảo được giặt sạch và phơi khô hằng ngày không? Chăn (hoặc ga), gối, đệm… có được giặt hằng tuần (hoặc giặt ở trường hoặc gửi về nhà) không?

- Bếp: Các dụng cụ bếp có sạch sẽ không? Có bị mỡ không? Khu vực rửa bát có được lau rửa thường xuyên không? Máy sấy bát có sạch sẽ không? Đảm bảo sấy hết các dụng cụ ăn uống của các con trong một ngày không? Nguồn thực phẩm nhà trường lấy là từ đâu?

Ngoài những chi tiết lớn trên, ba mẹ có thể kiểm tra các khu vực khác như: Khu vực chơi của các con, khu vực để giày dép, khu vực cất giường, chăn gối của các con có thoáng không?...

4Mối quan hệ giáo viên – học sinh:

Thực ra bản thân ba mẹ rất khó đánh giá chất lượng và trình độ của giáo viên chỉ qua một vài buổi tới trường, nhưng chúng ta có thể để ý tới thái độ của giáo viên đối với học sinh, và để ý tới những hành động của học sinh, là kết quả của việc dạy dỗ và quản lý của giáo viên ở trường. Điểm này bắt buộc ba mẹ vận dụng cảm nhận của bản thân chứ khó có tiêu chuẩn nào cụ thể cho mọi gia đình, tuy nhiên, ba mẹ để ý càng chi tiết càng tốt những cử chỉ nhỏ của cô giáo, vì những hành động nhỏ thôi cũng có thể nói lên tính cách của một con người, đặc biệt là ánh mắt. Mình luôn để ý xem ánh mắt giáo viên nhìn các con khi trò chuyện với các con, ánh mắt sẽ nói lên tâm trạng của các cô hiện tại đang ra sao.

5Chương trình học:

Mỗi một phương pháp, một ngôi trường sẽ có thời khoá biểu riêng cho các con. Tất nhiên ở lứa tuổi mầm non, ba mẹ không quá yêu cầu đến việc con được “nhồi nhét” học những gì. Nhưng ba mẹ cũng cần tìm hiểu xem các con được hoạt động những gì trong một ngày ở trường. Và nhất định phải đặt hẹn được với cô Hiệu trưởng, cô giáo phụ trách chuyên môn để được tìm hiểu kỹ hơn (đối với ba mẹ đang phân vân giữa 2-3 phương pháp giáo dục).

Bên trên mình có đề cập đến sự nhất quán giữa giáo dục ở trường và ở nhà. Đồng ý rằng, ba mẹ không phải là những người hiểu biết vể giáo dục mầm non, nhưng khi đã quyết định cho con theo học phương pháp nào, thì cần đảm bảo sự thống nhất giữa cách giáo dục gia đình và giáo dục tại trường; và bằng cách biết chương trình học của con, ba mẹ có thể giao tiếp và trò chuyện với con nhiều hơn về những hoạt động của con ở trường, như vậy vừa giúp gắn kết mối quan hệ ba mẹ - con cái, vừa để con thấy con đi học nhưng ba mẹ vẫn rất quan tâm đến con, tạo thói quen chia sẻ cho con sau này.

6Chương trình dinh dưỡng:

Mình không dùng từ thực đơn, mà nói chương trình dinh dưỡng, vì muốn tìm hiểu “văn hoá” dinh dưỡng của nhà trường. Rất nhiều ông bà, ba mẹ có tâm lý con phải ăn thật nhiều, thật nặng kg mới tốt, và vì ở nhà con lười ăn mà đến trường muốn cô giáo cho con ăn thật nhiều. Mình không nói rằng ba mẹ đó là sai, nhưng có những trường mầm non không theo tiêu chí “cân nặng” như vậy, họ chú trọng vào việc con tự lập, tự ăn, không ép buộc, không nhồi nhét, nói không với béo phì… Vậy nên ba mẹ cần tìm hiểu chương trình dinh dưỡng của trường để đảm bảo phù hợp với yêu cầu của gia đình mình.

Cũng cần biết mỗi bữa ăn của con ở trường có bao gồm đủ các nhóm chất không? Mình cho rằng việc con ăn đủ các nhóm chất quan trọng hơn là con ăn nhiều nhưng thiếu chất.

7Y tế:

Một trường mầm non dù nhỏ hay lớn cũng bắt buộc phải có giáo viên phụ trách y tế, và những dụng cụ y tế thiết yếu, phòng y tế (nếu có điều kiện), giáo viên phụ trách y tế phải có bằng cấp. Ba mẹ cũng cần tìm hiểu phương án cấp cứu của nhà trường trong trường hợp khẩn cấp: Cơ sở y tế nào được nhà trường liên kết để đưa học sinh tới trong trường hợp cần? Phương tiện di chuyển? Bảo hiểm của học sinh? Liên lạc với phụ huynh như thế nào?

Đối với các trường hợp con đang sử dụng thuốc tại nhà, muốn nhờ giáo viên cho con uống thuốc tại lớp thì phương thức như thế nào? Hoặc khi con chẳng may bị sốt, giáo viên sẽ liên hệ với ba mẹ như thế nào trước khi cho con dùng thuốc?

8Hệ thống phòng cháy – chữa cháy:

Đây cũng là một điểm quan trọng nhưng rất nhiều ba mẹ bỏ qua vì có thể là chưa nghĩ tới. Nhưng ba mẹ cần yêu cầu nhà trường cho xem giấy phép đảm bảo tiêu chuẩn phòng cháy – chữa cháy được nhà nước cấp. Vì mỗi cơ sở hoạt động có giấy phép của nhà nước đều bắt buộc phải đảm bảo an toàn cháy -  nổ. Ba mẹ cũng cần được biết phương án sơ tán của nhà trường nếu trong trường hợp xảy ra hoả hoạn.

9Liên hệ gia đình – nhà trường:

Hiện nay có rất nhiều trường mầm non dùng các phần mềm liên lạc với gia đình, phần mềm này cho phép phụ huynh thấy hình ảnh của con, thời khoá biểu, thực đơn, nhận xét của giáo viên trong quá trình học tập và sinh hoạt của con ở trường… Cũng cho phép phụ huynh trao đổi 2 chiều/1 chiều với giáo viên. Tuy nhiên cũng có những trường không dùng phần mềm mà sử dụng hình thức sổ liên lạc. Dù là hình thức nào, ba mẹ cũng cần được biết phương thức và các số điện thoại cần thiết để liên hệ với trường trong nhiều trường hợp.

Bên cạnh đó cũng cần biết lịch họp phụ huynh của nhà trường với phụ huynh, để ba mẹ có thể nắm rõ hơn về phương án phát triển của nhà trường qua từng năm, hoặc trao đổi kỹ hơn với giáo viên chủ nhiệm về sự phát triển của con mình trong suốt quá trình học.

10Camera:

Rất tốt nếu như ba mẹ có thể được nhìn thấy sinh hoạt ở lớp của con khi đang đi làm thông qua hệ thống camera. Tuy nhiên có rất nhiều trường không trích xuất camera online để ba me xem, thì ba mẹ vẫn đảm bảo rằng trong lớp học, và tại trường học của con có camera offline có thể lưu trữ dung lượng lớn để trong mọi trường hợp xảy ra, chúng ta có thể trích lục camera, lấy đó làm cơ sở dữ liệu.

11Dịch vụ đưa – đón:

Nếu gia đình quyết định sử dụng dịch vụ xe bus đưa – đón con, thì cần được biết cách thức kiểm soát và đảm bảo an toàn cho học sinh của nhà trường. Ví dụ: đối với học sinh còn nhỏ, nhà trường có ghế trẻ em hay không? Đai an toàn trên xe như thế nào? Tại mỗi điểm đón – trả thì xe dừng bao nhiêu phút để hoàn tất thủ tục đón – trả học sinh? Có thông báo bằng hình ảnh cho phụ huynh khi con lên xe và tới lớp, hoặc rời lớp và lên xe về nhà hay không? Âm nhạc được bật ở trên xe bus là gì, nhà trường có kiểm soát điều đó không? Có bao nhiêu giáo viên sẽ phụ trách đón trẻ lên xe bus, và đón trẻ từ xe bus vào trường học?...

Trên đây là một số điều mà mình đã đúc rút được sau quá trình cho con đi học khoảng hơn 2 năm. Các mẹ nếu có thắc mắc gì hãy đặt câu hỏi cho mình nhé!

Chúc các con đi học vui, nhất là nói không với ốm vặt và nước mắt nhé!

Theo Bibabo.vn