Tài khoản

Mang bầu "Vào con không vào mẹ "

ℳẸ BẮP☘ XOÀI 5 năm trước 7 bình luận

MANG BẦU “VÀO CON KHÔNG VÀO MẸ”

(Và bí quyết mang bầu đẹp khoẻ nói chung)


Rất nhiều bạn tha thiết muốn mình chia sẻ vụ này ngay từ hồi mang bầu (chắc do thấy mình mang bầu gọn đẹp quá ), nhưng mình hẹn phải sinh xong mới viết. Gọi là “nói có sách mách có chứng”, chứ sợ “nói trước bước hổng qua” 


Giờ xong xuôi rồi, đẻ xong đã hơn 2 tháng, trộm vía con khoẻ mẹ vui, mọi thứ đâu vào đấy mới có thể tự tin nhìn lại hành trình mang bầu và đúc rút cái gọi là kinh nghiệm thực tiễn chia sẻ cho chị em nào sắp hoặc đang mang bầu.


Mình nói trước, đây là kinh nghiệm thực tế của cá nhân mình chứ chưa chắc đúng với số đông. Vì mang bầu vốn ko có công thức chung đâu, tuỳ cơ địa, thể trạng, thói quen, hoàn cảnh sống từng người nữa. Có người ăn thả ga vẫn ốm mà có người hít thở thôi cũng mập. Có người ăn cho cố chỉ béo mẹ, có người qua quýt mà con vẫn tăng chuẩn.


Vậy nên điều các bạn cần tâm niệm là: chúng ta sẽ tìm hiểu, tham khảo và áp dụng những gì tốt nhất có thể cho cả 2 mẹ con, còn lại kết quả ra sao thì thuận tự nhiên, nhé. Mập chút, gầy chút, con nhiều kí hay ít xíu ko sao, mẹ vui con khoẻ là quan trọng nhất.


Rồi, cùng nhìn lại hành trình mang bầu của mình:


Lúc con gái mình cao 1,63 nặng 50kg ko mập ko ốm, thể trạng bình thường. Mang bầu 9 tháng mình chỉ tăng...8kg nhưng vô con hết 3,5kg rồi. Cả người chỉ tăng đúng bụng và ngực, còn lại tay chân mông vẫn thon gọn như con gái. Mặt ko nọng ko mập. Mũi ko sưng ko đỏ. Người ko rạn chút nào. Cho nên phải tới tháng thứ...8 nhiều người mới biết mình có bầu  Mặc đồ ra đường nhiều anh vẫn lầm tưởng gái tơ, tán suốt 


Trong quá trình 9 tháng đó, mình tăng theo thứ tự sau:

- 3 tháng đầu: không tăng kí nào, thậm chí sụt 1kg do nghén.

- 3 tháng giữa: tăng 6kg, mỗi tháng 2kg.

- 3 tháng cuối: tăng 3 kg, mỗi tháng tăng 1kg.


Vì kiểm soát tốt nên mình ko có chuyện tăng nhảy vọt mà đều như vắt chanh. Mẹ tăng thì con tăng, nhịp nhàng theo chuẩn. Khi nào thấy vượt quá hoặc sụt quá sẽ điều chỉnh lại nên lúc nào cũng trong mức kiểm soát. Lúc đó muốn đẻ thường nên giữ chuẩn con 3,5kg.


Để có kết quả đó, ngoài may mắn được trời ban cơ địa hấp thu tốt, ít tăng cân, phân bổ dinh dưỡng đúng nơi đúng chỗ, thì có sự kiểm soát chừng mực của mình vào chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi. Cái này viết cụ thể sẽ rất dài nên mình tóm lược lại vầy:

1/ Về ăn uống:

Ngay khi biết tin có bầu, mình lập tức điều chỉnh lại chế độ ăn uống.


Vùng cấm được đặt ra: ko ăn đồ sống (sasimi, sushi), đồ có khả năng nhiễm khuẩn (các loại mắm, đồ chua, rau sống...); hạn chế cafe, rượu; tránh xa khói thuốc; những đồ có khả năng ảnh hưởng tới thai nhi (rau răm, rau ngót, cá thu cá ngừ, đu đủ xanh, khoai mì...)


Chế độ ăn sẽ theo nguyên tắc:

- Tuyệt đối dẹp cái quan niệm “ăn cho 2 người” nhé, ăn vừa đủ thôi, tức là:

- Cứ ăn như lúc bình thường, bớt 1/2 bột và tăng 1 phần đạm. Ví dụ sáng ăn phở bò, bớt 1/2 bánh phở, thêm 1 phần bò và chén trứng chín. Ăn cơm tấm, bớt cơm, thêm miếng sườn. Ăn cơm nhà thì bớt cơm, ăn thêm cá thịt rau.

- Ăn đa dạng, thay đổi luân phiên để khỏi ngán. Sáng thịt (heo/gà). Trưa cá/trứng/đậu. Chiều bò/hải sản. Rồi xoay tua. Ví dụ mình sáng ăn bún phở hủ tíu. Trưa ăn cơm cá kho/chiên. Tối ăn cua/tôm hấp hoặc bò nướng. Ăn món mình thích, ăn thấy ngon miệng, dinh dưỡng mới vào con.

- Ăn nhiều rau xanh (chín) và củ quả để khỏi táo bón.

- Chế biến thức ăn ưu tiên hấp, luộc, nướng, canh, hạn chế chiên xào.

- Ăn ít ngọt (để tránh tiểu đường). Các món nước uống ko hoặc ít đường. Trái cây ít ngọt. Hạn chế kem, chè, trà sữa.

- Uống nhiều nước (để đủ ối)

- Uống nước cam mỗi ngày 1 ly để tăng sức đề kháng, hoặc luân phiên thay đổi với các nước ép khác (bưởi, táo, dưa hấu, dâu, sơri...).

- Mỗi ngày 1 ly sữa tươi ko đường bổ sung canxi (đừng uống sữa bầu).

- Ngoài các bữa chính, nếu đói ăn thêm bữa phụ như: sữa ngũ cốc, chè đậu đen/xanh (ít đường), khoai lang luộc, yaourt (tốt tiêu hoá tránh táo bón), trái cây ít ngọt (táo, thanh long, ổi, mận...), các loại hạt: óc chó, macca, hạnh nhân...

- Sau 3 tháng bắt đầu uống nước dừa, tuần 2-3 trái; nước mía tuần 1 ly. Sau 6 tháng ăn hột vịt lộn, tuần 2 quả; ăn yến nếu có điều kiện, tuần 2-3 chén (chén 1/2 tai).

- Những gì nên hạn chế nhưng có thèm thì cứ ăn cho tâm trạng vui, nhưng đừng ăn thả ga, chỉ cho phép bản thân ăn 1/2 thôi. Chớ viện cớ bầu “buông thả” rồi sau ân hận 


2/ Về dinh dưỡng bổ sung:

- Uống thêm vitamin, canxi, dha, liều lượng nên hỏi bác sĩ.

- Không dùng thuốc nếu ko được cho phép.

- Ngưng các loại collagen vitamin làm đẹp (Ngưng luôn các phương pháp làm đẹp xâm lấn (tiêm chích, laser...), nhuộm tóc, sơn móng...


3/ Về tập luyện:

Từ sau 3 tháng có thể tập luyện các môn sau:

- Yoga bầu: tuần 2-3 buổi, mỗi buổi 45-1 tiếng. Tập nhẹ. Hít thở.

- Bơi: tuần 2-3 lần, mỗi lần 30 phút. Bơi nhẹ nhàng.

- Đi bộ chậm: mỗi ngày 30 phút, hoặc tuần 3 buổi.

- Thiền (nếu được, ko thì thôi): nên tập thiền buông thư (thiền nằm) cho dễ - search google, 5-10ph mỗi ngày.


4/ Về thăm khám:

- Ngay từ lúc có bầu nên đi khám ngay để xác định tình trạng sức khoẻ mẹ và con. Sau đó tuân thủ lịch khám suốt thai kì theo lịch hẹn bác sĩ.

- Nếu được nên theo 1 bác sĩ ở bv uy tín sẽ nắm rõ tình hình sức khoẻ của chúng ta.

- Mỗi lần siêu âm nhớ hỏi kĩ về cân nặng, chiều dài bé để mình điều chỉnh chế độ ăn. Hỏi cả nước ối để biết gia giảm lượng nước.

- Trước khi dùng bất kì thuốc/thực phẩm nào nếu ko chắc ăn nên hỏi bác sĩ.


5/ Về nghỉ ngơi - giải trí:

- Đi ngủ sớm, lí tưởng trước 10pm, nếu ko trễ nhất là 11pm.

- Dậy 6am, phơi nắng nếu được chừng 15-30ph.

- Nghe nhạc hoà tấu, cổ điển, thư giãn, nhạc cho thai nhi (search youtube rất nhiều)

- Đọc sách về thai giáo, các sách tình cảm, ko đọc mấy sách kích động.

- Coi phim hài hay phim tình cảm nhẹ nhàng (trước tuần 30 - sau đó đừng coi nữa, âm thanh lớn ko tốt cho bé).

- Có thể đi du lịch sau 3 tháng và trước 7 tháng. Đi bằng các phương tiện ít giồng xốc. Đi biển rất tốt cho sức khoẻ.

- Hẹn hò gặp gỡ bạn bè chuyện trò tán gẫu giúp tâm trạng thoải mái.

- Nếu thèm có thể uống chút cafe, rượu đỏ ko sao, chừng 1/2 ly, tuần 1 lần.


6/ Về tâm lí tinh thần

- Luôn tâm niệm đây là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời người phụ nữ, tận hưởng mọi thay đổi của cơ thể mình, cười nhiều lên.

- Nghĩ tới con và ước mong con khoẻ mạnh sẽ là động lực để ta ăn hay ko ăn, tập hay ko tập.

- Có thái độ bình thường hoá với mọi khó chịu thai kì như: nghén, ói, phù, chuột rút, tiểu đêm, đau nhức, khó chịu...vì đó là tất yếu của việc có thêm 1 sinh thể khác bên trong mình. Khi mình ko làm quá lên, mọi chuyện cũng sẽ trở nên nhẹ nhàng.

- Nếu có lúc nào bất an hay trầm cảm hãy nghĩ tới biết bao người phụ nữ ko thể có con, để tự nhủ mình quá may mắn, ko nên than thở nhiều.

- Kết nối với những người bạn đang có bầu hoặc đã từng sinh nở để chuyện trò chia sẻ học hỏi kinh nghiệm.


Vì thực hiện một chế độ ăn - tập luyện - nghỉ ngơi khoa học, cộng với tâm trạng thoải mái, nên 9 tháng mang bầu của mình cực kì nhẹ nhàng, y như một cuộc dạo chơi.


Lúc lên bàn sanh là 58kg, sinh xong còn 54kg và sau 1 tháng mình về cân cũ một cách nhẹ nhàng, chả phải ủ muối xông hơ gì hết. Bụng phẳng lì. Da ko vết rạn.


Chuyện kiểm soát để mang bầu đẹp “vào con ko vào mẹ” ko chỉ về mặt thẩm mỹ, mà còn giúp mình khoẻ và né trầm cảm. Khi mình mang bầu khoẻ mạnh và ko tăng cân, mình đi sinh cũng sẽ rất nhẹ nhàng. Sinh xong ko xồ xề, ko mất tự tin và lại khoẻ mạnh, có sức để bước vào “cuộc chiến” trường kì gian khó hơn là nuôi con.


Chế độ ăn uống sinh hoạt này ko chỉ dùng cho thời gian mang bầu mà cho cả người bình thường. Nếu áp dụng thành thói quen luôn sẽ có tác dụng ổn định cân nặng, ko sợ tăng sụt thất thường, khoẻ mạnh và trẻ trung. 15 năm nay mình dao động 49-50kg ko đổi là nhờ thói quen đó. Kể cả giờ đang ăn nhiều hơn để có sữa cho con bú mình vẫn ko bị mập, vì luôn kiểm soát cái gì đưa vào miệng theo nguyên tắc bất di bất dịch: chất hơn lượng.


Mình tạm chia sẻ như thế, nhớ gì sẽ bổ sung thêm sau


Chúc mọi người phụ nữ trên đời này đều có một hành trình mang bầu suôn sẻ, vui vẻ và khoẻ mạnh


Nguồn: Ngô Như Quỳnh

Theo Bibabo.vn
Xem thêm