Tài khoản

Mẹo giảm đau khi trẻ mọc răng, giúp trẻ bớt quấy khóc

Thu Nguyễn 4 năm trước

Thời điểm những chiếc răng xinh mọc lên luôn khiến bé cảm thấy đau nhức, khó chịu và quấy khóc.

Xem nhanh

  • Cho trẻ ăn đồ ăn lạnh
  • Dùng tay của mẹ để giảm đau
  • Sử dụng kem bôi nướu
  • Sử dụng thuốc giảm đau an toàn cho bé
  • Cho bé ăn món ăn mềm

Xem thêm

Thông thường, trẻ sơ sinh bắt đầu mọc răng sữa từ khoảng tháng thứ 6. Đến khi bé được 3 tuổi, bộ răng sữa đầy đủ gồm 20 chiếc răng sẽ được hoàn thiện đầy đủ. Trong suốt quá trình mọc răng, em bé sẽ trải qua những lần mọc răng "đau đớn" với phần nướu bị sưng, tấy đỏ, chảy nước dãi khiến bé mệt mỏi và gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống. Một số em bé có thể bị sụt cân trong giai đoạn này. 

Ba mẹ không thể khiến cơn đau nhức biến mất hoàn toàn, nhưng có thể làm dịu những cơn đau do mọc răng ở trẻ. Một số mẹo nhỏ dưới đây hi vọng giúp ích cho ba mẹ cùng con vượt qua cơn đau khi mọc răng nhé. 

Đau nhức khi mọc răng là điều tất yếu, hãy cùng con vượt qua (Ảnh: Internet)

1Cho trẻ ăn đồ ăn lạnh

Thực phẩm lạnh, đồ uống lạnh có thể giúp bé giảm cảm giác đau tạm thời. Em bé mọc răng hay có xu hướng tìm vật gì đó nhai để giảm cảm giác ngứa và đau. Mẹ có thể đưa cho bé một củ cà rốt đã gọt vỏ sạch sẽ và ướp lạnh, hoặc cho bé uống một chút nước lạnh, sữa lạnh nhé. Với bé bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho bé ăn một chút sữa chua hoặc táo nghiền ướp lạnh. 

2Dùng tay của mẹ để giảm đau

Mẹo này rất đơn giản. Mẹ dùng ngón tay (đã được vệ sinh sạch sẽ) và xoa nhẹ nhàng lên vùng nướu đang mọc răng của bé có thể giúp bé giảm đau tạm thời. 

Dùng ngón tay mẹ nhẹ nhàng massage vùng nướu sưng của bé (Ảnh: Internet)

3Sử dụng kem bôi nướu

Dùng kem bôi lợi sẽ giúp trẻ giảm bớt đau nướu. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng mà sử dụng quá nhiều vì loại kem này có thể khiến bé bị tê lưỡi, mất cảm giác ăn uống và khó nuốt thức ăn, khiến bé bỏ ăn. Do đó, mẹ không nên bôi kem trước bữa ăn của bé. 

Tùy theo loại kem bôi nướu mẹ sử dụng có thể có cách dùng khác nhau. Đọc kỹ hưỡng dẫn trước khi sử dụng mẹ nhé. 

4Sử dụng thuốc giảm đau an toàn cho bé

Trước tiên, mẹ hãy chắc chắn em bé đang mọc răng thay vì mắc chứng viêm tai vì triệu chứng của chúng khá giống nhau khiến mẹ bị lẫn lộn. Nếu bé bị sốt, mẹ hãy đưa bé đi bác sĩ ngay. 

Với bé đau thông thường, mẹ có thể dùng paracetamol cho bé uống giảm đau nhưng phải dùng đúng liều, uống đúng cách và phù hợp với độ tuổi của bé. Ngoài ra, thuốc này chỉ nên sử dụng cho bé trên 2 tháng tuổi, ibuprofen dùng cho bé hơn 3 tháng tuổi và bé phải nặng ít nhất 5kg. Tuyệt đối không cho bé sử dụng aspirin nếu không được bác sĩ chỉ định. Nếu không chắc chắn về việc sử dụng thuốc cho bé, hãy gọi điện cho bác sĩ của bé để được tư vấn cách dùng thuốc tốt nhất. 

Mặc dù có hiệu quả, tuy nhiên, lời khuyên cho mẹ là không nên lạm dụng thuốc giảm đau và sử dụng chúng quá thường xuyên. Mọc răng là quá trình lâu dài, kéo dài nhiều tháng và lặp lại. Lạm dụng thuốc giảm đau sẽ khiến bé bị phụ thuộc vào thuốc, không tốt chút nào. 

Nếu bé bị sốt khi mọc răng, mẹ cần cho bé đi gặp bác sĩ ngay (Ảnh: Internet)

5Cho bé ăn món ăn mềm

Khi nướu bị sưng và viêm, bé quá mệt mỏi để phải nhai, do đó, mẹ nên cho bé ăn đồ ăn mềm và loãng hơn so với đồ ăn bé vẫn ăn hàng ngày. Những món ăn cứng có thể khiến bé giảm đau tạm thời nhưng sau đó lại làm vùng nướu sưng đau nặng hơn, khiến bé quấy khóc và khó ngủ. 

6Ba mẹ nên làm gì khi bé khóc?

Tiếng khóc của bé ẩn chứa rất nhiều thông điệp khác nhau. Không phải lúc nào bé khóc cũng do bé đau mà có thể bé muốn thu hút sự chú ý của ba mẹ. Do đó, mẹ cần phân biệt chính xác thông điệp bé muốn nói để "đối phó" đúng cách. 

Với bé khóc vì đau, bé rất cần được an ủi, vỗ về. Ba mẹ đừng mặc kệ mà dành thời gian hát hoặc trò chuyện để an ủi bé. Hãy dỗ cho bé nín và để bé đi ngủ đúng giờ. Nếu lịch sinh hoạt hàng ngày bị phá vỡ, bé ngủ không đúng lúc, mẹ rất khó để xây dựng thói quen sinh hoạt trở lại như cũ cho bé. 

Bé rất cần sự an ủi và động viên của ba mẹ để vượt qua giai đoạn khó khăn này (Ảnh: Internet)

7Khi nào nên đưa bé đi bác sĩ?

Nếu em bé có những dấu hiệu sau, ba mẹ nên đưa bé đi bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời: 

  • Sốt

  • Quấy khóc dai dẳng, không nín khóc

  • Tiêu chảy

  • Phát ban

Mọc răng là điều tất nhiên và em bé nào cũng phải trải qua. Ba mẹ không nên lo lắng quá mức khi bé mọc răng. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và cùng bé vượt qua giai đoạn "cực khổ" này nhé. 

Theo Bibabo.vn