Tài khoản

NHỮNG LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH TẬP TI MẸ TRỞ LẠI

Mẹ Mun 4 năm trước 6 bình luận

Thông tin siêu hữu ích được chia sẻ bởi bác sĩ sữa mẹ Anh Thy - bác sĩ sữa mẹ quốc tế được công nhận duy nhất tại Việt Nam. Mẹ nào đang gặp khó khăn trong việc cho con ti trở lại có thể tham khảo bài viết này của bác sĩ nhé.

1. Da kề da
Da kề da rất quan trọng và khá hiệu quả.
Đặc biệt với những bé phản kháng quyết liệt, khóc nhiều thì việc mẹ cần làm là nên cho bé ấp mặt trực tiếp vào ngực trần của mẹ.
Mẹ có thể dùng địu vài để địu bé bằng ngực trần trong quá trình làm việc nhà chẳng hạn hay bất cứ khi nào có thể.
Mẹ nên bỏ ra khoảng 1-2 tuần làm điều này để bé quen với hơi ngực mẹ, rồi từ từ bé sẽ hợp tác hơn trong quá trình tập ti mẹ lại.

2. Tư thế tập ti mẹ lại

Thường thì các bé sẽ co xu hướng lắc đầu, tự đẩy đầu ra mỗi khi mẹ đưa ti mẹ vào, vì vậy tư thế ôm chéo (trong hình) có thể là 1 giải pháp giúp mẹ chủ động hơn và giúp giữ cho bé bớt chống đối hơn. Mỗi lần đưa bé vào ti mẹ, tay giữ cổ bé sẽ hơi ghìm giữ lại 1 tí để bé đừng đẩy ra, nhiều bé hơi khó chịu nhưng khi bị ghìm giữ 1 tí thì lại chịu mút. Dĩ nhiên mẹ đừng ép bé theo kiểu nhấn đầu cổ bé vào ti mẹ nha, sẽ phản ứng ngược.
Mẹ cần thử tất cả các tư thế cho bú: bú nằm, ôm bóng, hoặc vừa bế vừa đu đưa đi tới đi lui khi nào bé dịu dịu, đưa ti vào. Lưu ý khi bé đã dịu, chịu ngậm ti 1 tí thì không nên tiếp tục đu đưa mà nên dừng lại ngồi xuống.
Mẹ có thể vừa đu đưa dỗ dành bé vừa hát cho bé nghe.
Bắt đầu bằng 1 tư thế mà bé cảm thấy dễ chiu hơn các tư thế khác sẽ là 1 khởi đầu thuận lợi hơn trong quá trình tập ti mẹ trở lại.

3. Sinh hoạt của bé thay đổi

Khi bú bình, sữa xuống rất dễ dàng, nút cái núm bình nhẹ là sữa ra, thậm chí sữa có thể tự chảy ra.
Trong khi đó bú mẹ trực tiếp là phải ngậm sâu, nút mạnh sữa mới ra.
Bú bình là lao động nhẹ nhàng, bú mẹ là lao động nặng.
Vậy khi bé đang quen với lao động nhẹ mà chuyển qua lao động nặng sẽ dễ bị lười. Bé có thể chỉ bú trên ngực mẹ có vài phút là ngủ. Nhưng khi bỏ xuống thì lại thức.
Vài ngày đầu mẹ cần biết đến điều này để hiểu đó là điều rất bình thường khi tập ti mẹ lại.
Cần có sự luyện tập thường xuyên để bé có thể quen với việc ti mẹ, quen với việc "phải lao động mới có cái ăn"
Khi bé tiến bộ hơn, thay vì bú tí xíu là ngủ, đặt xuống là thức, thì bé sẽ bú lâu hơn tí, đặt xuống ngủ nhưng sẽ ngủ giấc ngắn
Thường bé sẽ mất tầm 1-2 tuần để quen với cách lao động mới

4. Mẹ nào thiếu sữa phải kích sữa song song với quá trình tập ti mẹ lại.
Bởi vì nếu ngực mẹ ít sữa quá, sữa ra rất chậm, bé sẽ dễ ngủ (hơi giống với việc ngậm ti giả)
(Hút kích sữa sẽ được nói sâu ở môt bài khác)

5. Có cần thay thế ti bình bằng đút thìa/ngón tay/uống cốc?

Nếu mẹ có người hỗ trợ, có thể cắt bình hoàn toàn để bé được cách ly với cái bình. Mẹ sẽ chuyển qua đút sữa cho con bằng thìa/cốc/ngón tay
Lý thuyết là: cắt bình thì khả năng thành công cao hơn, thời gian tập ti mẹ có thể ngắn lại.
Thực tế là: Nhiều mẹ bị gia đình áp lực nên không thể và không có cách nào cắt bình, hoặc chỉ có 1 mẹ 1 con nên đôi khi việc chuyển qua thìa khiến mẹ vô cùng căng thẳng và mệt mỏi.
Vậy thì nếu không thể cắt bình cho con, có cơ hội thành công hay không?
Hoàn toàn có nha các mẹ, chỉ là mình sẽ phải kiên trì hơn nhiều mà thôi và dĩ nhiên khả năng có thể thành công sẽ không bằng (nhưng không phải không có cơ hội)

6. Mức độ tập

Đây là con đường dài, nên mẹ đừng quá phí sức. Mẹ cần sự bền bỉ, kiên trì, nhẫn nại.
Mỗi cữ mẹ đều nên tập cho bé, có thể ban đầu là 5 phút, dần tăng lên 10 -15 - 30 phút cho 1 cữ bú tập. Sau khi tập mẹ vẫn cho bé đủ lượng sữa để con no nha.
Một số bé có thể hợp tác ngay với việc để cho thật đói, nhưng như Bác đã nói mỗi bé sẽ mỗi khác, nếu cách này không được, mẹ hãy chọn cách tập từ từ cho con nha. Vì có những bé để cho càng đói lại càng không hợp tác.
Cữ nào mẹ thấy mệt quá thì cứ nghỉ 1 cữ, không sao cả. Vì mẹ cần có sức khỏe, tinh thần thoải mái thì việc tập ti mẹ mới thành công.
Bác ví dụ về cách 1 số mẹ từng tập:
- Có mẹ mỗi cữ tập 15-20 phút
- Có mẹ mỗi ngày tập bú mẹ từ 6g đến 15g, thời gian còn lại vẫn hút sữa ra cho con dùng. Khi con hợp tác hơn thì tăng thời gian lên.
- Có mẹ tập 1 tuần mệt quá nghỉ vài ngày, tập lại thì lại thành công.

7. Khi nào thì thành công?
Thời gian không giống nhau giữa các bé vì sẽ phụ thuộc vào: độ tuổi của bé, tính cách của bé, tính cách của mẹ, sự hỗ trợ hay phản đối của các thành viên trong gia đình, thời gian số lần mẹ bỏ ra để tập cho bé...
Nhanh thì chỉ vài ngày là thành công.
Lâu thì đến 1 - 2 - 3 - 4 - 5 tháng. Người mẹ mà Bác Thy biết đã phải kiên trì đến 6 tháng.

8. Tại sao có nhiều mẹ kiên trì đến thế? Việc tập ti mẹ trở lại quan trọng đến thế sao?
Về vấn đền này thì lại tùy quan điểm và hoàn cảnh từng mẹ,
Lợi ích của việc con có thể ti mẹ trực tiếp đó là:
- khi ti trực tiếp, hormon hạnh phúc Oxytocin tiết ra rất tốt, nó giúp gắn kết tình mẹ con, khiến cho cả mẹ và bé đều được sung sướng
- đi đâu chơi cũng rất dễ, sữa có sẵn cho em bé rồi.
- bình sữa vừa vệ sinh lại vừa đẹp.
- khi bé chịu bú trực tiếp, nếu mẹ đi làm lại, mẹ chỉ phải hút sữa vào giờ đi làm, chiều về, mẹ ôm bé bú. Mẹ hãy tưởng tượng, đi làm về mệt, được nằm xuống ôm con, cho con bú, 2 mẹ con vuốt ve nhau, mẹ âu yếm nói chuyện với con, mẹ được nằm nghỉ, sướng biết bao.
- việc mẹ duy trì sữa mẹ lâu dài cũng rất dễ và thuận lợi so với việc mẹ phải hút sữa hoàn toàn.

9. Nếu không thể tập ti mẹ lại, hút sữa hoàn toàn có thể duy trì được sữa mẹ lâu dài?
Nếu mẹ là một người có thể sử dụng máy hút sữa một cách thoải mái, không gặp các vấn đề như: tắc tia,đau đầu ti, đầu ti quá nhạy cảm...
Nếu mẹ có thể hút đủ số lần trong 1 ngày (khoảng 6 lần để duy trì lượng sữa hiện có)...
Nếu mẹ là một người được sự ủng hộ bởi những người xung quanh từ gia đình đến cơ quan, tạo thuận lợi cho mẹ hút sữa...
Thì... mẹ hoàn toàn có thể duy trì việc hút sữa hoàn toàn nhiều năm để có nguồn sữa mẹ cho con.
Điều này đòi hỏi ở mẹ sự kiên trì hút sữa trong một thời gian rất dài.

10. Mẹ cần hạnh phúc là điều quan trọng nhất
Lời cuối: thật ra, việc lựa chọn hút sữa hoàn toàn, hay bú mẹ hoàn toàn hay kết hợp cả 2 là tùy vào từng hoàn cảnh từng mẹ. Và lựa chọn nào cũng có mặt thuận lợi cũng như bất lợi của nó. Khi mẹ đã lựa chọn phương án nào thì chấp nhận mặt trái của nó là được.
Điều quan trọng nhất là: mẹ cần là một người mẹ hạnh phúc để mang năng lượng hạnh phúc đó cho con và cho những người thân trong gia đình.

Bs Sữa Mẹ Lê Ngọc Anh Thy,
Chuyên gia tư vấn sữa mẹ quốc tế, IBCLC

Theo Bibabo.vn
Xem thêm