Tài khoản

NUÔI CON SỮA MẸ - LÀM SAO để MẸ NHÀN, CON VUI (PHẦN 1)

Mẹ Bon 5 năm trước 4 bình luận

(Phần 1 - Làm đúng ngay từ những ngày đầu tiên)

(Cảnh báo: Phần này đặc biệt dành cho CÁC MẸ BẦU SẮP SINH. Bài viết khá dài, nếu bạn đã quyết định đọc thì HÃY ĐỌC THẬT KỸ. Nếu có bình luận thì hãy thận trọng, lịch sự và văn minh!)

Mẹ PM may mắn được làm mẹ của hai nàng công chúa, ngoại hình thì khá giống nhau, nhưng cá tính thì lại hoàn toàn trái ngược. Thế nên mẹ PM cũng đã có được những trải nghiệm nuôi con khác nhau, chuyện nuôi con sữa mẹ hoàn toàn cũng không phải là ngoại lệ. Để có một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ nhẹ nhàng và vui vẻ thì nên biết KẾT HỢP sao cho HIỆU QUẢ NHẤT giữa việc TI MẸ TRỰC TIẾP (những lúc mẹ ở bên con) và HÚT SỮA CHO BÉ BÚ BÌNH (khi mẹ có việc cần phải ra ngoài hoặc khi đi làm trở lại). Hi vọng sau chủ đề này, các bạn sẽ có một hành trình nuôi con sữa mẹ suôn sẻ, mẹ nhàn – con vui

Trước tiên, ở phần này, mẹ PM sẽ tổng hợp NHỮNG LỖI SAI thường gặp KHIẾN VIỆC BÚ MẸ TRỰC TIẾP gặp KHÓ KHĂN, và giải đáp giúp mọi người có thể hiểu rõ hơn và phòng tránh để không phải hối tiếc về sau (như mẹ PM đã từng) nhé

Sai lầm phổ biến nhất trong việc nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ ngày đầu tiên con chào đời, đó là luôn nghĩ rằng “MỚI SINH (nhất là sinh mổ) nên SỮA CHƯA VỀ, hoặc ÍT SỮA, thậm chí là KHÔNG CÓ SỮA”. Lý do to đùng cho sai lầm này, đó là mẹ vắt sữa không ra hoặc chỉ được vài giọt. Nhưng các bạn có biết (hay là đã quên) rằng sữa non luôn có sẵn trong bầu ngực từ khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, nghĩa là sữa mẹ luôn sẵn sàng để phục vụ bé ngay khi bé chào đời. Và lượng sữa này, ngày đầu tiên sau sinh là rất ít, chỉ vài giọt (5-10ml), vàng óng - đặc sánh - nhiều kháng thể - giàu dinh dưỡng, vừa đúng với dung tích dạ dày bé xíu của con nên chắc chắn sẽ đủ để con no bụng 

Vì lý do này nên hầu hết các mẹ sẽ nghĩ ngay đến việc cho con ăn sữa ngoài trong khi CHỜ SỮA VỀ. Nhưng các bạn nên biết rằng tới khi các bạn thấy căng sữa (khoảng ngày thứ 3 sau sinh) thì nghĩa là giai đoạn sữa non quý giá đã qua đi, và giờ cũng là lúc bạn phải VẬT LỘN TẬP CHO CON TI MẸ vì con đã quen ti bình. Cách con ngậm ti bình và ti mẹ khác nhác nhau rất nhiều. Hơn nữa ti bình nhàn hơn vì sữa chảy nhanh hơn, con lại không cần phải tốn công massage để sữa chảy ra như khi ti mẹ. Nên việc nhiều bé thích ti bình, KHÔNG CHỊU TI MẸ là điều dễ hiểu. Đừng đổ lỗi cho con không chịu hợp tác, mà đó là lỗi của mẹ đã làm không đúng ngay từ đầu

Nhiều bạn cho bé bú bình ngay những lần đầu tiên, sẽ thấy bé ăn nhanh và nhiều hơn lượng 5-10ml được nhắc đến ở trên, và ngày càng tăng nhanh ở những ngày sau. Đơn giản là vì bé mới sinh, chưa có phản xạ từ chối khi đã no bụng (dùng lưỡi đẩy núm ti, đùn sữa, quay đầu) mà chỉ có phản xạ mút nên khi sữa xuống bé sẽ phải nuốt, nếu không kịp nuốt, sữa sẽ tràn ra. Vì thế, nên khi bạn cho bé ăn nhiều hơn dung tích dạ dày của bé sẽ làm dạ dày bé chịu áp lực, dẫn tới dễ nôn trớ hơn, dạ dày giãn nhanh hơn. Đó là lý do vì sao nhiều bé ngày thứ hai đã có thể ăn hết 60-90ml. Bé ăn nhiều có vẻ tốt, nhưng thực sự điều này sẽ không hề có lợi khi bé lớn hơn.

Khi sinh Pony, mẹ PM đã mắc phải chính xác 2 lỗi ở trên chỉ vì thiếu kiến thức. Rất may mắn cho mẹ PM là đã gặp được chị y tá nhiệt tình và giàu kinh nghiệm, chị đã giúp Pony bú mẹ thành công, trong TƯ THẾ BÚ NẰM. Nhiều người cho rằng bú nằm không tốt là hoàn toàn sai, bạn cứ để ý sẽ thấy, cho dù bạn có ngồi cho con bú thì tư thế của bé cũng vẫn là tư thế nằm ngang trên tay mẹ, đúng không? Tư thế nằm là cách tốt nhất để cho con bú ngay sau sinh, khi mẹ chưa thể ngồi dậy hay hoạt động gì nhiều (cho dù là sinh thường hay sinh mổ). Đây cũng là tư thế giúp mẹ cho con bú vào ban đêm để tăng thời gian ngủ và nghỉ ngơi cho cả mẹ và con

Sau khi mắc phải những lỗi sai này, thì song song với hậu quả con không chịu mẹ đó là CƯƠNG SỮA vì sữa về nhiều. Nếu lúc này không tập được cho bé bú mẹ trực tiếp, hoặc không biết cách hút sữa hiệu quả thì hậu quả tiếp theo sẽ là nổi nhiều cục cứng, TẮC SỮA, sốt, và cuối cùng nếu không khắc phục được thì sẽ dẫn tới APCÉS (áp-xe: viêm). Hiện tượng tắc sữa này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt quá trình nuôi con sau này, khi mẹ nhiều sữa, NGỰC CĂNG CỨNG mà không kịp cho con bú hoặc hút ra. Mẹ PM cũng đã từng bị tắc sữa vài lần nên đã có những trải nghiệm đáng nhớ. Cũng nhờ thế mà mẹ PM có thể biết được thực trạng bất chấp để kiếm tiền của một bộ phận các y – bác sỹ. Trải nghiệm về vấn đề tắc sữa này có lẽ mẹ PM sẽ chia sẻ ở một bài khác. Các bạn chỉ cần nhớ rằng, NẾU BÉ CHỊU BÚ MẸ và BÚ ĐÚNG CHUẨN thì chỉ cần CHO CON BÚ thôi, CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT, các cục cứng cứ để con lo. Vì đó là cách đơn giản nhất, không có máy hút sữa nào hay phương pháp chữa tắc sữa nào có thể sánh bằng khả năng hút sữa của con 

Tóm lại, bước đầu tiên và vô cùng cần thiết để có được hành trình nuôi con sữa mẹ nhàn hạ và vui vẻ, đó là:

1. CHO CON BÚ ngay sau khi sinh, CÀNG SỚM CÀNG TỐT. Nếu vì lý do nào đó mà phải cách ly lâu, thì mẹ nên vắt sữa và gửi cho bé uống bằng thìa, hoặc bằng xilanh. Không nên cho bé bú bình trước khi bé biết bú mẹ để tránh việc con không biết cách ti mẹ sau này. Việc khắc phục và tập cho bé ti mẹ trở lại nếu không có kinh nghiệm thì sẽ rất khó khan 

2. Với KHỚP NGẬM TI MẸ ĐÚNG (ngậm được hết quầng thâm xung quang núm ti) thì con mới có thể dùng nướu và lưỡi để massage kích thích được sữa về, khi đó con sẽ bú được nhiều sữa hơn và ti mẹ cũng không bị đau. Lúc này thì cho dù ti mẹ có ngắn (hay thậm chí là tụt) thì con cũng vẫn bú ngon lành. Nếu bé ti không đúng (chỉ ngậm núm ti) thì không những con không bú được mà chẳng bao lâu núm ti của mẹ sẽ bị xước (nứt cổ gà) rất đau đớn và ám ảnh 

3. Phải có TƯ THẾ BÚ ĐÚNG và THOẢI MÁI thì mới có thể tập cho bé bú mẹ đúng cách được. Khi khớp ngậm ti mẹ đã chuẩn rồi thì tư thế bú như thế nào không quan trọng nữa, chỉ cần cả mẹ và con thoải mái là được 

Đó là tất cả những gì cần biết trước khi sinh con, để mẹ có được bước đầu trong hành trình nuôi con sữa mẹ nhẹ nhàng và vui vẻ. Mẹ PM sẽ chia sẻ cách kết hợp HÚT SỮA CHO BÉ BÚ BÌNH ở phần 2 

---

Nguồn: Pony ký sự

Theo Bibabo.vn