Tài khoản

NUÔI CON SỮA MẸ - LÀM SAO để MẸ NHÀN, CON VUI (PHẦN 2)

Mẹ Bon 4 năm trước

Phần 2 – Kết hợp hoàn hảo giữa ti mẹ và ti bình)

(Cảnh báo: MẸ BẦU SẮP SINH hoặc MỚI SINH nên đọc phần 1, trước khi đọc phần 2 này nhé. Bài viết khá dài, nếu bạn đã quyết định đọc thì HÃY ĐỌC THẬT KỸ. Nếu có bình luận, thì hãy nhớ thận trọng, lịch sự và văn minh!)

Như đã nói ở phần trước, để có một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ nhẹ nhàng và vui vẻ thì nên biết KẾT HỢP sao cho HIỆU QUẢ NHẤT giữa việc TI MẸ TRỰC TIẾP và HÚT SỮA CHO BÉ BÚ BÌNH. Ở phần 1, mẹ PM đã tổng hợp NHỮNG LỖI SAI thường gặp KHIẾN VIỆC BÚ MẸ TRỰC TIẾP gặp KHÓ KHĂN, và giải đáp để mọi người có thể hiểu rõ hơn mà phòng tránh rồi. Đó là bước đầu tiên và vô cùng cần thiết để có thể nuôi con sữa mẹ thành công. Khi bước đầu tiên này không suôn sẻ, và không được khắc phục đúng cách, dẫn tới việc bé sẽ không được (tập) ti mẹ trực tiếp thì hành trình nuôi con sữa mẹ sẽ cần rất nhiều sự kiên trì của mẹ trong việc hút sữa để duy trì sữa mẹ lâu dài. Một khi mẹ nản lòng và không thể vượt qua được thì mẹ sẽ lựa chọn cách khác đơn giản hơn (đó là cho con ăn sữa ngoài), thế là hành trình nuôi con sữa mẹ chấm dứt. Khi đó tất nhiên mẹ sẽ nhàn hơn và con cũng vẫn vui, nhưng mẹ sẽ phải chịu thêm gánh nặng về kinh tế, và người thiệt thòi cuối cùng vẫn là con, vì ai cũng biết SỮA MẸ LÀ TỐT NHẤT!

1. Có phải khi bé ti mẹ trực tiếp sẽ khiến bé ti lắt nhắt, ngủ không ngon?

Khi bước đầu tiên (ti mẹ trực tiếp) thành công, nhiều bạn lại vấp phải những vấn đề như con hay quấy khóc, ti mẹ lắt nhắt, ngủ không ngon…và nghĩ rằng đó là do con ti mẹ trực tiếp. Nhưng thực tế, nguyên nhân của những vấn đề này phần lớn xuất phát từ sự lo lắng của mẹ. Bạn cần hiểu rằng khi con mới được vài tháng tuổi, xung quanh có quá nhiều thứ mà con phải làm quen, nên con cảm thấy lo sợ, bối rối…vì thế con quấy khóc là điều đương nhiên, bởi lẽ khóc là điều duy nhất con có thể làm để báo cho mẹ biết rằng con không ổn. Nhưng lúc này, việc con khóc lại khiến mẹ hoang mang, lo lắng, và việc ám ảnh nhất đối với mẹ bây giờ là lo sợ con đói. Thế nên chỉ cần con khóc là mẹ lại cho bú, cho dù con mới ti trước đó không lâu. Khi con được ngậm ti mẹ, con được trấn an và lim dim ngủ. Lúc này con không no, cũng không đói, rồi con ngủ một chút là tỉnh (có thể vì đói, cũng có thể vì những lý do khác) và con lại khóc, mẹ lại cho bú, con lại lim dim... Hai mẹ con cứ loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn mãi mà không dứt.

2. Bé ti lắt nhắt thì phải làm gì?

Để khắc phục tình trạng này, bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể phân biệt được khi nào thì con khóc vì đói, khi nào thì không. Nhiều người cho rằng nên cho con bú theo NHU CẦU. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng khi nhu cầu đó là nhu cầu ĐÓI CẦN PHẢI ĂN, chứ không phải nhu cầu BÚ MÚT ĐỂ TRẤN AN. Cả hai trường hợp này bé đều khóc (thường thì khi đói sẽ khóc dữ dội hơn), mút tay hoặc mút môi, và khi đói chắc chắn bé sẽ có biểu hiện há miệng, quay đầu, tìm ti còn khi cần trấn an có thể có, cũng có thể không. Nếu không phân biệt được hai nhu cầu này thì rất có thể bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn ở trên. Để chắc chắn, hãy bình tĩnh nhớ lại xem lần ti gần nhất là khi nào, khi đó bé bú có nhiều không, có vẻ no và thỏa mãn chưa, cữ bú mà bé có vẻ bú được nhiều nhất là khi nào…để có thể xác định được rằng hiện tại bé có thể đói không?

Khi đã ở vướng vào vòng luẩn quẩn, nghĩa là bé ti mẹ lắt nhắt (30-45p lại ti 1 lần), bạn cần phải giãn dần khoảng cách giữa những lần cho bé ti mẹ. Có thể bắt đầu giãn dần chỉ với 10-15 phút. Nếu bé khóc, hãy dỗ dành bé. Khoảng cách các cữ ăn nên ít nhất là 2h để đảm bảo bé đủ đói thì mới ti được nhiều sữa sẽ giúp bé no bụng hơn, từ đó mới có thể ngủ ngon hơn. Những nguyên nhân khiến bé khóc hay các vấn đề về ngủ, mẹ PM đã có một album riêng rồi, nếu cần bạn có thể tham khảo để biết thêm chi tiết. Hãy nhớ rằng “BÉ KHÓC CHƯA CHẮC LÀ VÌ ĐÓI”!

3. Ti bình và ti mẹ song song

Nhiều bạn lo sợ sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn nên chọn cách hút sữa cho bé bú bình vì nghĩ rằng sẽ kiểm soát được lượng ăn, thời gian ăn - ngủ của con. Điều này cũng tốt, nhưng mẹ PM cần phải nhắc lại rằng, cho con ti mẹ trực tiếp nếu làm đúng cách thì hoàn toàn có thể kiểm soát được thời gian ăn – ngủ của con. Và nếu bạn muốn nuôi con nhàn hơn và lâu dài, thì nên duy trì song song cả việc cho con bú mẹ trực tiếp (vì sẽ không phải mất thời gian hút sữa và vệ sinh bình sữa). Mà để duy trì được việc cho con bú mẹ trực tiếp thì không nên cho bé bú bình trước khi bé biết ngậm ti mẹ đúng cách (đã giải thích kỹ ở phần 1), và thời gian cho bé ti bình KHÔNG NÊN NHIỀU HƠN thời gian bé ti mẹ trực tiếp. Khi đã quyết định hút sữa cho bé bú bình, bạn có thể tham khảo “Những điều cần nhớ khi hút sữa” tại https://goo.gl/QYGAWq, và “ĐỪNG LẠM DỤNG việc HÚT SỮA” tại https://goo.gl/GT4pJi nhé!

Việc bé ti mẹ và ti bình song song là lý tưởng nhất khi mẹ có việc cần phải ra ngoài, hay mẹ bắt đầu đi làm trở lại. Vì thế, khi bé đã biết ngậm ti mẹ đúng cách thì tới khoảng 1,5 - 2 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé làm quen với ti bình và nên duy trì đều đặn cả hai hình thức này song song. Với những bé dễ tính, thì việc duy trì song song hai hình thức này sẽ diễn ra rất suôn sẻ và dễ dàng. Tuy nhiên, cũng có những bé rất cá tính, sau một thời gian ti mẹ và ti bình song song, bé sẽ quyết định THÍCH HÌNH THỨC NÀO HƠN, và từ chối hình thức còn lại. Thời điểm mà bé quyết định cũng tùy từng bé, sớm nhất là 3-4 tháng (lúc này nhận thức của bé có một bước tiến vượt trội), cũng có khi là 9-10 tháng… Như Pony là một ví dụ cá tính điển hình, 3 tháng nhất quyết không chịu ti bình dù trước đó vẫn ti ngon lành, và mãi tới gần 3 tuổi lại đòi ti bình chỉ vì thấy cái bình…xinh xinh, khi mẹ hút sữa để dành cho em Moon. Còn em Moon thì dễ tính hơn, những cũng chỉ chịu ti bình tới khoảng gần 1 tuổi. Thế nên, việc bé có chịu ti bình hay không hoàn toàn là…hên xui, nói cách khác là tùy thuộc vào cá tính của bé. Vì thế, việc em bé của bạn nhất quyết không chịu ti bình thì cũng là chuyện bình thường, không hoàn toàn là do bạn không chịu hút sữa cho bé ti bình ngay từ sơ sinh, nên bạn không cần phải quá căng thẳng nhé.

4. Cách tập cho bé ti mẹ/ti bình

Nếu bé chọn ti bình và bỏ ti mẹ, là vì ti bình nhanh hơn, lại không cần phải tốn nhiều công sức massage bú mút mà sữa vẫn chảy đều. Còn nếu bé chọn ti mẹ và từ chối ti bình, thì là vì bé thích nguồn sữa tươi – thơm ngon - ấm nóng, thích cảm giác được mẹ ôm ấp, ánh mắt mẹ con nhìn nhau trìu mến. Trong cả hai trường hợp, bạn đều có thể lựa chọn cách tập cho bé ti bình hoặc ti mẹ trở lại. Điều quan trọng là bạn cần phải bình tĩnh, không cố ra sức ép (nhét ti mẹ hay bình vào miệng) bé, để bé không cảm thấy sợ và ác cảm với ti mẹ/bình. Nên tập khi bé không bị quá đói (trước cữ ăn thường ngày khoảng 30p), nếu bé tỏ ra cáu gắt, hãy dừng lại chờ cho bé bình tĩnh hơn. Nếu sợ bé bị đói, hãy đút thìa cho bé đỡ đói rồi tập tiếp. Khi tập, nên tập vào ban ngày và không cho bé ti bình (nếu đang tập ti mẹ) hoặc không cho bé ti mẹ (nếu đang tập ti bình). Ban đêm vẫn ti bình/ti mẹ như bình thường để cả mẹ và bé đều không quá mệt.

Nếu là tập ti mẹ, hãy để ti mẹ chạm vào môi trên của bé rồi chờ bé tự tìm và ngậm ti mẹ. Không cho bé bú bình hay ngậm ti giả, để kích thích nhu cầu BÚ MÚT tăng lên, khi đó khả năng bé hợp tác ti mẹ sẽ cao hơn.

Còn nếu là tập ti bình, thì người tập cho bé nên là người khác không phải mẹ để bé không ngửi thấy mùi hương của mẹ mà đòi ti. Nếu bé chưa ti bình trước đó, thì thời gian đầu nên để bé chơi với bình trước đã, khi đã chơi quen, dần dần mới thêm sữa và tập cho bé.

5. Nếu bé nhất quyết không chịu hợp tác ti mẹ/ti bình thì sao?

Nếu bé chọn ti bình, nhất quyết không hợp tác ti mẹ trở lại, hoặc mẹ nản trí, thì khi đó mẹ sẽ phải cố gắng và kiên trì nhiều hơn nếu muốn duy trì sữa mẹ cho con. Và hơn hết là cần phải biết cách hút sữa hiệu quả, nghĩa là phải hút cạn lượng sữa hoặc ít nhất là đủ cho nhu cầu của con để không bị giảm sữa. Nếu bạn hút ít hơn, thì dần dần cơ thể cũng sẽ sản xuất ít hơn. Để kích sữa nhiều trở lại khi con không ti mẹ trực tiếp là một quá trình tốn rất nhiều mồ hôi công sức. Vì không có cái máy hút sữa nào có thể so sánh được với khả năng hút sữa của con. Đây chính là một nhược điểm của việc lựa chọn hút sữa cho bé ti bình. Mẹ PM chỉ có thể giúp bạn bằng cách giới thiệu cách hút sữa hiệu quả (ở đây: https://goo.gl/FqDsUg), còn việc có cố gắng để duy trì sữa mẹ lâu dài hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự kiên trì của bạn.

Còn nếu bé chọn ti mẹ, sau nhiều lần tập mà bé vẫn nhất quyết không chịu ti bình thì cũng chính là lúc mẹ lo lắng rằng “Khi mẹ phải đi làm thì con sẽ ra sao?”. Hãy bình tĩnh, và nhớ là cả Pony và Moon đều từ chối ti bình cho dù thời điểm có khác nhau đôi chút, nhưng cuối cùng thì mọi chuyện cũng vẫn tốt đẹp đó thôi. Nếu bạn đi làm có thể về cho con bú thì không còn gì phải bàn nữa, mẹ PM vẫn thường xuyên như thế cho tới khi gửi con tới trường. Khoảng 5-6 tháng tuổi, khoảng cách giữa các cữ ăn của con là 3-4h. Khi đó bé hoàn toàn có thể ăn dặm trong khi chờ mẹ về cho bú mà không lo đói. Nếu bạn đi cả ngày, thì sữa bạn hút ra có thể tập cho con uống bằng cốc, ống hút, hoặc làm bánh flan, sữa chua cho bé ăn. Đây cũng là cách mẹ PM vẫn đang làm từ khi gửi con tới trường.

Tóm lại, có rất nhiều cách, nhưng việc có khắc phục được hay không chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu và sự cố gắng của bạn tới đâu nữa thôi

(Ảnh: Pony 8 tháng tập ti bình, nhìn ngậm ti cầm bình ngon lành thế thôi chứ không được miếng nào đâu)

Nguồn: Pony ký sự

Theo Bibabo.vn