Tài khoản

Nguyên nhân trẻ còi xương

Linh Nguyễn 4 năm trước

Trẻ còi xương là mối quan tâm hàng đầu của các mẹ, nguyên nhân chủ yếu là do trẻ thiếu vitamin D và canxi.

Xem nhanh

  • Bệnh còi xương và những dấu hiệu nhận biết
  • Nguyên nhân trẻ còi xương
  • Điều trị còi xương ở trẻ như thế nào?

Mẹ có biết, còi xương chính là nguyên nhân khiến con yêu chậm lớn, không thể phát triển chiều cao một cách tối đa không? Còi xương ảnh hưởng lớn tới chiều cao nhưng không phải mẹ nào cũng biết nguyên nhân trẻ còi xương đâu nhé!

1Bệnh còi xương và những dấu hiệu nhận biết

Bệnh còi xương ở trẻ phổ biến trong khoảng 3 năm đầu đời mà nguyên nhân chính là do thiếu ánh sáng mặt trời, hoặc chế độ dinh dưỡng không đủ chất canxi - phốt pho và không được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nếu bệnh nghiêm trọng có thể khiến cho bộ xương của trẻ bị biến dạng.

Bệnh còi xương ở trẻ thường biểu hiện qua một số dấu hiệu như sau: Trẻ thường quấy khóc, ngủ không yên, dễ giật mình, và đổ nhiều mồ hôi lúc ngủ; Tóc rụng nhiều, đặc biệt là ở vùng sau gáy như hình vành khăn; Có các bất thường ở vùng xương đầu; Răng mọc chậm; Chậm phát triển vận động như lẫy, lật, bò, đi, đứng...

Trẻ bị còi xương cần nhận biết dấu hiệu sớm để xử lý kịp thời (Ảnh: Internet)

2Nguyên nhân trẻ còi xương

Bé còi xương vì không được tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời

Trong điều kiện nhà ở chật chội, thiếu ánh sáng hoặc trẻ không được cha mẹ cho phơi nắng thường xuyên, trẻ sinh vào mùa đông hoặc vùng núi cao nhiều mây mù… sẽ gây cản trở cho việc tắm nắng của trẻ dẫn đến tình trạng thiếu vitamin D.

Còi xương do chế độ ăn uống không hợp lý

Trẻ không được bú mẹ đầy đủ từ lúc sơ sinh, uống sữa bột quá sớm gây ra mất cân bằng khi hấp thụ canxi. Hoặc do trẻ ăn dặm quá sớm, trong bột, cháo có chất aphytic gây cản trở hấp thụ canxi ở ruột.

Nhiều mẹ sợ con béo phì nên không thêm dầu mỡ vào bữa ăn nhưng đây cũng là nguyên nhân dẫn đến còi xương của trẻ vì dầu mỡ là chất tạo môi trường tốt để hòa tan vitamin D và giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn.

Tất nhiên, nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ các thực phẩm giàu canxi, bữa ăn thiếu cân bằng thì dù trẻ tăng cân, béo tốt nhưng vẫn bị còi xương đấy nhé. Cuối cùng, bệnh còi xương cũng có thể là do người mẹ ăn uống thiếu chất trong quá trình mang thai.

Biếng ăn là một nguyên nhân trẻ còi xương

Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến còi xương do chế độ ăn uống thiếu vitamin D và các khoáng chất quan trọng. Trẻ suy dinh dưỡng đi kèm biếng ăn khiến cơ thể trẻ càng thiếu chất nghiêm trọng hơn.

Còi xương vì các bệnh lý khác ở trẻ

Các trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ mắc bệnh còi xương hơn các trẻ khác. Trẻ bị các bệnh về gan, mật hoặc rối loạn tiêu hóa kéo dài làm cản trở sự hấp thụ vitamin D và canxi.

Nguyên nhân trẻ còi xương khá nhiều nhưng đều khiến trẻ thiếu vitamin D và canxi (Ảnh: Internet)

3Điều trị còi xương ở trẻ như thế nào?

Nếu như chẳng may mẹ phát hiện thấy con có những triệu chứng kể trên hãy đưa con trung tâm dinh dưỡng hoặc bệnh viện chuyên khoa nhi để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Chúng ta không thể tự chữa trị còi xương cho bé được.

Đối với trẻ đã được kết luận mắc bệnh còi xương, phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào nguyên nhân chính là bổ sung vitamin D và canxi.

Và để ngăn ngừa trẻ bị còi xương, khi mang thai, mẹ bầu nên uống vitamin D bổ sung khi ở tháng thứ 7 của thai kỳ với liều lượng được bác sĩ chỉ định.

Từ khi bé được 2 tuần tuổi mẹ có thể bắt đầu cho tắm nắng 15 - 20 phút mỗi ngày trước 9 giờ sáng. Ngoài ra, phụ huynh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho trẻ uống vitamin D bổ sung trong suốt những năm đầu đời. Đối với trẻ giai đoạn ăn dặm, các loại thực phẩm giàu canxi như sữa, trứng, hải sản, rau xanh và dầu mỡ nên được ưu tiên lựa chọn.

Qua bài viết các mẹ đã biết được nguyên nhân gây nên bệnh còi xương ở trẻ rồi phải không ạ. Vitamin D thực sự rất quan trọng đối với trẻ. Chính vì thế mẹ nên bổ sung kịp thời vitamin D và canxi cho bé thông qua dinh dưỡng và các chế phẩm bổ sung nhé. Chúc con yêu của các mẹ có được chiều cao tối ưu trong tương lai nhé.

Theo Bibabo.vn