Tài khoản

Những dấu hiệu cảnh báo trẻ bị còi xương mẹ cần lưu ý

Minh Ngọc 4 năm trước 4 bình luận

Còi xương, chậm lớn là những vấn đề sức khỏe được ba mẹ quan tâm hàng đầu trong những năm đầu đời của trẻ. 

Xem nhanh

  • Bệnh còi xương là gì?
  • Chỉ những bé gầy mới bị còi xương?
  • Dấu hiệu chứng tỏ bé bị còi xương
  • Cần làm gì khi bé có dấu hiệu còi xương?
  • Phòng tránh còi xương cho bé yêu

Ngày nay, tình trạng trẻ thiếu hụt canxi, vitamin D ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương, dẫn tới hệ lụy trẻ chậm lớn, còi cọc, thấp lùn ngày càng nhiều. Mình cũng đang rất lo lắng vấn đề này. Bé nhà mình thì mới nhỏ xíu thôi nhưng không chuẩn bị bây giờ thì bao giờ mới chuẩn bị phải không các mẹ. Mình đang tìm hiểu về chứng còi xương, chậm lớn và những dấu hiệu cảnh báo tình trạng này. Nhân tiện chia sẻ cùng các mẹ để chúng ta biết và phòng tránh, hỗ trợ điều trị cho con kịp thời nhé. 

1Bệnh còi xương là gì?

Còi xương là bệnh lý loạn dưỡng xương liên quan đến việc trẻ bị thiếu vitamin D hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D trong cơ thể bé. Vitamin D không ổn định và đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và chuyển hóa canxi, photpho trong cơ thể - đây đều là những chất quan trọng hình thành và phát triển hệ xương, răng vững chắc, khỏe mạnh nhưng cơ thể lại không dễ dàng hấp thụ được. Cụ thể hơn, vitamin D giúp tạo xương nhờ tăng hấp thụ canxi và photpho từ ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận tránh lãng phí canxi, tham gia vào quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng giúp bé cao lớn hơn. Càng tìm hiểu mình càng thấy ngoài canxi thì vitamin D có vai trò càng quan trọng, không thể xem thường được các mẹ ạ.
Tình trạng trẻ bị còi xương thường gặp nhất ở các bé dưới 3 tuổi, đúng với tình trạng bé nhà mình rồi, cần phải cảnh giác và chuẩn bị phòng tránh cho con ngay thôi các mẹ ạ. 

Trẻ bị còi xương ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển sau này (Ảnh: Internet)

2Chỉ những bé gầy mới bị còi xương?

Không, ngay cả những bé có cân nặng tốt, thậm chí là những bé rất bụ bẫm vẫn có thể mắc bệnh còi xương. Còn nếu bé gầy, khi đó ta gọi là bé bị còi cọc, suy dinh dưỡng.
Còi xương là do thiếu hụt canxi, vitamin D, photpho trong cơ thể. Với các bé bụ bẫm, nhu cầu các khoáng chất này còn tăng cao hơn trẻ bình thường. Nếu mẹ chỉ tập trung bổ sung chất béo, protein mà không bổ sung lượng canxi, photpho và vitamin D tương ứng với những dưỡng chất khác và tương ứng với cơ thể, bé rất dễ bị còi xương.

3Dấu hiệu chứng tỏ bé bị còi xương

Đây chỉ là một số dấu hiệu thường thấy và nghi ngờ trẻ bị còi xương. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ những biểu hiện bên ngoài này để khẳng định trẻ bị còi xương là chưa đủ các mẹ ạ, cần phải đưa bé đi khám, xét nghiệm nồng độ canxi trong cơ thể,... thì mới có thể khẳng định chắc chắn được tình trạng của con. Có điều, nếu thấy bé gặp một số biểu hiện này mẹ nên đưa con đi khám luôn nè: 

  • Trẻ hay quấy khóc không lý do, đêm ngủ không yên giấc, rất dễ giật mình, ra nhiều mồ hôi ngay cả khi nhiệt độ phòng mát mẻ, thoáng đãng. 

  • Thóp của bé rộng, mềm, lâu đầy kín và lúc thở thấy phập phồng mạnh, đỉnh đầu và trán có bướu nhô rõ. 

  • Xương đầu mềm nên bị bẹp giống như cá trê. (Tình trạng này không giống với tình trạng méo đầu do nằm nghiêng 1 bên quá nhiều, các mẹ cần phân biệt rõ nhé).

  • Trẻ chậm biết lẫy, biết bò, biết đi hơn bình thường.

  • Trẻ mọc răng chậm. 

  • Trường hợp trẻ bị thiếu canxi nặng: Xuất hiện tình trạng co giật do hạ canxi máu.

Trẻ còi xương thường ngủ không ngon giấc, hay giật mình, chậm phát triển vận động (Ảnh: Internet)

4Cần làm gì khi bé có dấu hiệu còi xương?

Điều quan trọng nhất là cần đưa bé đi khám để biết tình trạng của con hiện tại có phải là còi xương hay là một vấn đề sinh lý/bệnh lý nào khác. Làm rõ tình trạng rồi, mẹ sẽ phối hợp với bác sĩ để trị bệnh cho con thông qua thuốc hoặc không cần thuốc tùy theo vấn đề. Chứ không phải bé có những dấu hiệu trên là cần dùng thuốc luôn đâu nhé. 

Nếu phát hiện chính xác bé có nguy cơ bị còi xương, khi đó, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp: 

  • Bổ sung vitamin D cho trẻ. Thông thường, trẻ cần bổ sung 4.000 UI vitamin D/ngày, trong vòng 4 - 8 tuần tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Vitamin D3 này cũng chỉ cần bổ sung vừa đủ, không cần bổ sung kiểu "thừa còn hơn thiếu'" các mẹ nhé. 

  • Cho bé tắm nắng khoảng 10 - 15 phút vào buổi sáng, đảm bảo không khí khi đó được thoáng đáng, ít ô nhiễm để tránh vi khuẩn gây hại trong môi trường xâm nhập vào cơ thể con. 

  • Dinh dưỡng cho bé: Nếu bé bú mẹ hoàn toàn, mẹ chịu khó bổ sung các thực phẩm giàu canxi như cua đồng, tôm đồng, lòng đỏ trứng, rau ngót, rau muống, vừng đen, sữa,... để trong sữa mẹ có canxi cung cấp cho bé. Trường hợp bé dùng sữa công thức, mẹ nên chọn loại sữa giàu canxi và bổ sung theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trường hợp bé ăn dặm, mẹ cho con ăn những thực phẩm giàu canxi như trên (tùy theo độ tuổi của con) nhé. 

Chủ yếu là các biện pháp dinh dưỡng nhằm bổ sung canxi và vitamin D tăng chuyển hóa canxi, photpho cho bé thôi. Thực ra chuyện tắm nắng mình thấy làm cũng được mà không làm cũng được. Ánh nắng buổi sáng không có nhiều chất có thể hỗ trợ bổ sung vitamin D co cơ thể. Ánh nắng gay gắt ban trưa mới tốt cho bé, nhưng lại nhiều tia UV gây hại cho làn da không tắm được. Bổ sung vitamin D, vitamin D3 từ thực phẩm chức năng và ăn uống mình nghĩ là đủ rồi. 

5Phòng tránh còi xương cho bé yêu

Xoay quanh nguyên nhân trẻ bị còi xương khả năng là do thiếu hụt vitamin D, các biện pháp phòng tránh cũng xoay quanh giải quyết vấn đề này. Mẹ bổ sung canxi, vitamin D đầy đủ cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ ngay từ khi mang thai và sau sinh. Khoảng 4.000 UI vitamin D/ngày, bổ sung trong suốt năm đầu tiên của trẻ là biện pháp cần thiết, mẹ hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn. 

Một chế độ ăn uống đầy đủ và hợp lý cho cả mẹ và con sẽ giúp mẹ và bé khỏe mạnh, phòng tránh còi xương hiệu quả đấy. 

Rất nhiều trường hợp trẻ bị còi xương, chậm lớn xung quanh chúng ta nên không thể chủ quan được các mẹ ạ. Một chút thông tin mình tổng hợp từ website của Viện dinh dưỡng Quốc gia thuộc Bộ Y tế, trang tin Sức khỏe Đời sống - Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, các nguồn thông tin đáng tin cậy đấy, hi vọng hữu ích cho các mẹ và các bé nhé.

Theo Bibabo.vn