Tài khoản

RỬA MŨI HAY KHÔNG RỬA MŨI.

Thu Phương 4 năm trước

Rửa mũi là một phương pháp “vệ sinh” lỗ mũi và ống mũi trong, và hiện đang nhận được nhiều quan tâm của mọi người. Những bà mẹ mới sinh trong thời đại hiện nay, ngoại trừ việc cho con bú, thay tả cho con, cho con ngủ, lại có thêm một “job” mới là rửa mũi cho trẻ mỗi ngày (1 lần một ngày không đủ, có mẹ chăm chỉ nhỏ mũi rửa cho con luôn 3-4-5 lần/ngày mới chịu). Những clip về rửa mũi bằng xịt nước từ ống tiêm vào mũi và ra dịch ề ề cũng gây xáo động ba mẹ, và vì hình ảnh khá thực tế và “hiệu quả” (ra quá trời chất nhầy luôn), nên cũng kích thích rất nhiều người muốn làm, nhưng cũng có nhiều người cảm thấy e ngại nhưng không dám thử. Vậy cho nên, hôm nay tôi muốn dành một chút thời gian để giúp các bạn tìm hiểu đúng những phương pháp thực hành, cũng như các bằng chứng hiện có về hiệu quả của rửa mũi, và các khuyến cáo sử dụng để chúng ta có thể dựa vào để thực hành hiệu quả.

Vậy thì rửa mũi là gì? Rửa mũi hiện nay được gọi với tên “rửa mũi bằng nước muối” – vì nước muối là dung dịch thường được sử dụng nhất. Rửa mũi có thể được thực hiện bằng dụng cụ rửa với áp lực dương nhẹ, như bình xịt, bình phun nước. Rửa mũi cũng có thể được thực hiện bằng cách dựa vào trọng lực của trái đất, như sử dụng nhỏ mũi cho trẻ, hoặc bằng các dụng cụ đổ nước vào mũi đơn giản (ví dụ như công cụ giống như bình trà trong hình minh họa vậy).

Vị trí để rửa mũi đúng là: trẻ nhũ nhi (dưới 1 tuổi) nên được nằm nghiêng bên, và trẻ lớn hơn, và người lớn thì ở vị trí đứng hoặc ngồi, đầu hơi hướng xuống về phía trước (nếu sử dụng bình xịt – nasal spray), hoặc đầu nghiêng sang bên – nếu rửa mũi bằng bình.

Tại sao khái niệm rửa mũi được đưa vào cho chúng ta làm quen và nhiều người bị "nghiện"?. Ban đầu, đây là một phương pháp được cho thấy có hiệu quả ở những bệnh nhân bị viêm mũi xoang mãn tính, kéo dài, và đây cũng là tình trạng bệnh mà việc rửa mũi được chỉ định nhiều nhất. Người ta thấy phương pháp rửa mũi trong viêm mũi xoang mãn tính có lợi ích như một hỗ trợ kèm theo với thuốc điều trị, làm cải thiện triệu chứng của bệnh, làm người bệnh thấy tốt hơn, đồng thời có thể làm giảm bớt việc sử dụng thuốc điều trị và kháng sinh.

Rửa mũi trong bệnh viêm mũi dị ứng cũng cho thấy có một số lợi ích nhất định, giúp giảm mức độ nặng của triệu chứng khi dùng kèm với thuốc điều trị, so với những bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc điều trị mà không rửa mũi.
Hiện nay, cũng có bằng chứng của lợi ích của việc rửa mũi trong các bệnh viêm đường hô hấp trên cấp tính ở người lớn cũng như trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy việc rửa mũi giúp làm giảm đáng kể chất nhầy ở mũi, giảm nghẹt mũi, và giảm sử dụng các thuốc hỗ trợ khác (thuốc ho, sổ mũi, …). Tuy nhiên, chưa thấy có bằng chứng giúp giảm sử dụng kháng sinh khi có chỉ định cũng như không có bằng chứng cho thấy có thể làm thay đổi đáng kể đến tiến triển bệnh (bệnh có trở nặng hay không, bệnh trong bao lâu thì hết, vân vân) của bệnh nhân. Có nghĩa là, chỉ có bằng chứng cho thấy rửa mũi giúp làm đỡ các triệu chứng của bệnh mà thôi.

Vậy thì, tại sao việc rửa mũi lại có tác dụng kể trên. Thật sự, cơ chế như thế nào cũng chưa được biết rõ, nhưng người ta đưa ra giả thuyết rằng, các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang mãn tính, hay viêm đường hô hấp trên, đều gây ảnh hưởng đến chức năng bảo vệ của niêm mạc mũi. Rửa mũi có thể cải thiện chức năng bảo vệ này của niêm mạc mũi bằng cách: rửa trực tiếp niêm mạc, giúp tống đi những yếu tố gây viêm, cũng như cải thiện chức năng thanh thải chất bẩn của các lông rung trong ống mũi.

Nếu vậy, thì liệu việc rửa mũi thường qui có nên được khuyến cáo để giúp niêm mạc mũi hoạt động tốt và để giúp tránh bệnh hay không? Mặc dù hiện nay, thực hành rửa mũi thường qui, nhất là cho trẻ nhỏ, được thực hành rất rông rãi, nhưng thật ra không có một bằng chứng xác đáng nào cho thấy thực hành này có hiệu quả phòng ngừa nhất định nào, và vì vậy cũng chưa thấy có một khuyến cáo nào của các tổ chức y tế về thực hành rửa mũi thường qui.

Một số ý kiến còn cho rằng, khi rửa mũi thường xuyên, lâu dài và không cần thiết, có thể làm niêm mạc mũi mất đi những yếu tố miễn dịch quí giá, giúp chống lại vi trùng, nấm, và vi rus do cơ thế tạo ra, và vì vậy có thể không có lợi lâu dài.
Một điều cần lưu ý nữa, là nên lựa chọn nguồn nước an toàn để rửa mũi. Nước muối sinh lý là dung dịch hay được khuyến cáo nhiều nhất vì an toàn, vệ sinh, và khá rẻ. Không được sử dụng nước trực tiếp từ vòi, vì có thể có những yếu tố lây nhiễm tiềm tàng, có thể gây bệnh khi được đưa vào ống mũi. Nếu các bạn muốn tự làm nước rửa mũi, nên đun sôi để nguội rồi dùng, và chỉ giữ được khoảng 24 giờ mà thôi. Cũng nên giữ vệ sinh kỹ càng dụng cụ rửa mũi, và đối với những dụng cụ khó lau chùi, như bóng xịt, hoặc hút, nên thay mới thường xuyên để ngừa bội nhiễm.

Một câu hỏi được đặt ra từ các mẹ nữa, là việc rửa mũi bằng bơm ống tiêm vào mũi cho con lượng lớn nước muối có an toàn không? Câu trả lời từ nghiên cứu các y văn là, đa số các trường hợp nghiên cứu bơm rửa mũi thường là ở trẻ từ 2 tuổi trở lên, và ở độ tuổi này thì cho thấy có tính an toàn, có thể bơm rửa lượng khoảng 5-20 ml mỗi lần bơm, và lặp lại cho đến khi thấy bớt chất nhầy. Nhưng nên lưu ý không bơm quá mạnh tay, cũng như không để đầu bơm quá hẹp, vì có thể tạo áp lực quá mạnh, gây khó chịu cho trẻ, ù tai, đau tai, hoặc tổn thương niêm mạc mũi. Nếu trẻ không hợp tác, không nên bắt ép trẻ vì có thể gây sợ hãi cũng như gây tổn thương mô mềm, đồng thời nếu trẻ khóc la, lại làm nặng hơn triệu chứng.

Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, đa số các nghiên cứu đều về việc xịt mũi / nhỏ mũi cho những trẻ này. Nếu muốn thực hành bơm rửa mũi cho trẻ dưới 2 tuổi, tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ, và nếu có chỉ định, nên được tư vấn hướng dẫn làm bởi nhân viên y tế, trước khi tự làm tại gia.

Một lưu ý cuối cho các ba mẹ rất thích bơm rửa mũi, là nếu trẻ được chẩn đoán bị Viêm tiểu phế quản, thì đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, và vì vậy, sẽ không có ích trong việc rửa mũi cho trường hợp này, ngoại trừ trẻ có viêm mũi họng kèm theo. Vì vậy, trong trường hợp này, nên tư vấn bác sĩ trước khi quyết định rửa mũi cho trẻ nhé.

Tóm lại, đây là những thông tin cần nhớ:
1. Rửa mũi giúp giảm triệu chứng cho các bệnh viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang mãn tính, viêm đường hô hấp cấp
2. Việc rửa mũi thường qui cho trẻ hiện không có bằng chứng về hiệu quả phòng ngừa cũng như không có khuyến cáo thực hành.
3. Nên cẩn thận trong việc sử dụng nước rửa mũi, cũng như giữ vệ sinh dụng cụ rửa mũi.

Bs. Huyên Thảo

Theo Bibabo.vn