Tài khoản

Sàng lọc dị tật thai nhi với xét nghiệm Double Test và những điều mẹ bầu cần biết

Mẹ Lan 4 năm trước 8 bình luận

Xét nghiệm Double Test là một trong những xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi quan trọng được tiến hành sớm nhất trong thai kỳ. 

Xem nhanh

  • Xét nghiệm Double Test là gì? 
  • Ai nên làm xét nghiệm Double Test?
  • Thời điểm nên làm xét nghiệm Double Test? 
  • Xét nghiệm Double Test kiểm tra nguy cơ gì? 
  • Làm xét nghiệm Double Test an toàn không? 

Xem thêm

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, xét nghiệm sàng lọc trước sinh quan trọng nhất mẹ cần quan tâm là xét nghiệm Double Test. Vậy Double Test là gì? Tại sao cần làm xét nghiệm Double Test? Mời mẹ tham khảo bài viết dưới đây nhé. 

Làm xét nghiệm Double Test rất quan trọng trong 3 tháng đầu thai kỳ (Ảnh: Internet)

1Xét nghiệm Double Test là gì? 

Double Test là một xét nghiệm sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện các bất thường trong nhiễm sắc thể ở trẻ. Double Test kiểm tra nồng độ β-hCG tự do và PAPP-A có trong máu của mẹ. Hiểu đơn giản, Double Test là một xét nghiệm máu của mẹ. 

Kết hợp kết quả làm xét nghiệm Double Test với kết quả đo độ mờ da gáy bằng siêu âm, tuổi của mẹ, tuổi của thai,... bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá nguy cơ thai nhi gặp các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down, Edwards, Patau. 

2Ai nên làm xét nghiệm Double Test?

Bộ Y tế khuyến cáo tất cả mẹ bầu đều nên làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh khi mang thai, trong đó có xét nghiệm Double Test. 

Đặc biệt những mẹ bầu có nguy cơ cao dưới đây nên làm Double Test: 

  • Tuổi lớn hơn 35

  • Có tiền sử sảy thai, thai lưu

  • Từng sinh con mang dị tật bẩm sinh

  • Gia đình có tiền sử mắc dị tật bẩm sinh

  • Bị nhiễm virus trong quá trình mang thai.

  • Có kết quả đo độ mờ da gáy với nguy cơ cao. 

Nếu kết quả độ mờ da gáy bất thường, mẹ nên tiến hành xét nghiệm Double Test để có kết quả chính xác hơn (Ảnh: Internet)

3Thời điểm nên làm xét nghiệm Double Test? 

Xét nghiệm Double Test được thực hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ, khoảng thời gian khi thai nhi được 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Tốt nhất mẹ nên làm xét nghiệm Double Test trong tuần thai thứ 12 - 13. 

4Xét nghiệm Double Test kiểm tra nguy cơ gì? 

Xét nghiệm Double Test chủ yếu giúp tìm ra nguy cơ thai nhi mắc một số bất thường nhiễm sắc thể gồm Hội chứng Down, Hội chứng Edwards và hội chứng Patau. 


Xét nghiệm Double Test không kiểm tra được nguy cơ thai nhi mắc dị tật ống thần kinh. 

5Làm xét nghiệm Double Test an toàn không? 

Xét nghiệm Double Test là xét nghiệm máu nên rất an toàn cho mẹ và thai nhi. 

Xét nghiệm Double Test là xét nghiệm máu nên rất an toàn cho mẹ bầu và thai nhi (Ảnh: Internet)

6Làm xét nghiệm Double Test hết bao nhiêu tiền?

Chi phí làm xét nghiệm Double Test tùy thuộc vào địa chỉ bệnh viện hoặc phòng khám nơi các mẹ làm xét nghiệm. Thông thường, mức chi phí cho 1 lần xét nghiệm Double Test dao động từ 400.000đ - 1.000.000đ. 

7Tiến hành làm xét nghiệm Double Test như thế nào?

Mẹ bầu không cần nhịn ăn hoặc ăn kiêng như xét nghiệm máu thông thường. 

Mẹ bầu điền một số thông tin cần thiết lên phiếu xét nghiệm. Một số thông tin quan trọng có ảnh hưởng đến kết luận của xét nghiệm mẹ cần điền chính xác gồm: 

  • Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng. 

  • Số ngày của vòng kinh. 

  • Kinh nguyệt có đều hay không. 

  • Ngày siêu âm thai gần nhất. 

  • Tuần thai. 

  • Số lượng thai.

  • Chiều dài đầu - mông. 

  • Khoảng sáng sau gáy (Độ mờ da gáy)

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu ở tay mẹ. Kết quả của xét nghiệm Double Test sẽ có trong 2 - 3 ngày. 

Mẹ bầu cần điền đầy đủ và chính xác thông tin thai kỳ giúp kết quả xét nghiệm Double Test chính xác hơn (Ảnh: Internet)

8Đọc kết quả xét nghiệm Double Test? 

Kết quả xét nghiệm Double Test sẽ đưa ra kết luận thai nhi có nguy cơ thấp hay cao mắc phải các bất thường nhiễm sắc thể. 

9Làm gì khi xét nghiệm Double Test cho nguy cơ cao? 

Nếu kết quả xét nghiệm Double Test đưa ra dự đoán thai nhi có nguy cơ cao mắc phải các bất thường nhiễm sắc thể, mẹ cần làm thêm những phương pháp sàng lọc và chẩn đoán khác như xét nghiệm sàng lọc không xâm lấn NIPT hoặc chọc ối, sinh thiết gai nhau tùy theo sức khỏe của thai nhi. 

Kết quả xét nghiệm Double Test nguy cơ cao không có nghĩa là thai nhi chắc chắn 100% bị mắc phải các bất thường nhiễm sắc thể. Do đó, mẹ hãy thảo luận với bác sĩ thật kỹ lưỡng về vấn đề tình trạng của thai nhi nhé. 

Theo Bibabo.vn