Tài khoản

Sơ cứu đúng cách trẻ bị hóc dị vật khi ăn dặm

Mẹ Na Bơ 4 năm trước

Khi trẻ bị hóc dị vật lúc ăn dặm, ba mẹ cần nhanh chóng áp dụng các biện pháp sơ cứu để hỗ trợ con kịp thời. 

Các mẹ ơi. Khi cho bé ăn dặm các mẹ sợ nhất điều gì? Mẹ sợ con không chịu ăn, biếng ăn , bỏ ăn? Mẹ sợ con bị táo bón? Mẹ sợ con bị tiêu chảy hoặc dị ứng thức ăn? Có mẹ nào sợ con bị hóc dị vật trong lúc ăn như mình không? 

Thực sự mình rất sợ nếu con bị hóc dị vật lúc ấy mình sẽ rủn hết cả ra và không biết phải xử lý như thế nào cả. Chỉ tưởng tượng thôi là mình đã thấy lo sợ lắm rồi. Nhưng trộm vía từ đợt bé nhà mình biết ăn dặm đến giờ con chưa hề bị hóc dị vật. Có điều vừa rồi mình mới đọc được tin có bé bị hóc dị vật ảnh hưởng đến não, giờ phải sống đời thực vật mình lo quá các mẹ ạ. 

Mình mới tìm được một số thông tin về cách sơ cứu khi trẻ hóc dị vật, thông tin từ bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, thấy hữu ích quá nên share cùng các mẹ. Các mẹ cùng đọc và ghi nhớ nhé, chứ đến lúc gặp rồi mà không biết làm gì thì thực sự mình không dám nghĩ tới hậu quả. 

Trẻ bị hóc dị vật cần được sơ cứu ngay lập tức (Ảnh: Internet)

Không chỉ trong lúc ăn dặm, nguy cơ trẻ bị hóc dị vật lúc nào cũng rình rập xung quanh. Có quá nhiều thứ nhỏ nhỏ xinh xinh thu hút ánh nhìn và sự tò mò của con như những chiếc cúc nhỏ, hạt cườm, hạt lạc, hạt ngô hay mẩu thịt to một chút, vỏ tôm, xương cá,... Rồi như một thói quen con cho hết tất cả vào miệng. Nếu mẹ không phát hiện kịp thời và bắt nhằn ra, rất có thể con đã bị hóc rồi. Mình gặp mấy lần, đúng là hết hồn hết vía. 

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, khi thấy con có biểu hiện ho, sặc sụa ngay sau khi ăn hoặc tự dưng đang chơi thì bị, ba mẹ cần nghĩ đến trường hợp con bị hóc dị vật làm tắc đường thở. 

Trường hợp 1: Trẻ có thể ho, khóc được, da dẻ hồng hào. 

- Đây là trường hợp không quá nguy hiểm. Ba mẹ cần kiểm tra kỹ lưỡng về trong khoang miệng của con. Nếu cẩn thận nhất, ba mẹ nên đưa con đi khám, kiểm tra con có nuốt phải thứ gì không, có thứ gì nguy hiểm đến sức khỏe hay không để có biện pháp xử lý kịp thời. 

Trường hợp 2: Trẻ không thể ho, không khóc được, khó thở, tím tái. 

- Đây là trường hợp nguy hiểm và cần được sơ cứu ngay. 

- Trước khi sơ cứu, ba mẹ cần gọi cấp cứu để được hỗ trợ kịp thời. 

- Trong khi đợi cấp cứu đến, ba mẹ tiến hành sơ cứu cho con bằng các biện pháp phù hợp với độ tuổi của trẻ. Trong bài này xin phép chia sẻ các sơ cứu cho trẻ dưới 2 tuổi. 

Cụ thể: 

Biện pháp vỗ lưng: 

  • Bước 1: Đặt trẻ nằm sấp trên cánh tay của người sơ cứu theo phương nghiêng, đầu hướng xuống đất. Bàn tay của người sơ cứu đỡ chắc chắn vùng cổ và cằm của trẻ. 

  • Bước 2: Xác định vị trí giữa 2 xương bả vai của trẻ.

  • Bước 3: Vỗ mạnh 5 cái vào vị trí vừa xác định, theo chiều hướng về phía họng. Ba mẹ nhớ dùng lực và vỗ mạnh, như vậy mới có thể tống dị vật ra khỏi đường thở. 

  • Bước 4: Quan sát trẻ: Nếu trẻ hồng hào, thở được, khóc được và tống được dị vật ra ngoài, như vậy là ba mẹ đã thành công. 

Chọn đúng vị trí và dùng lực vỗ mạnh vào lưng trẻ theo chiều từ trên xuống (Ảnh: Internet)

Trường hợp biện pháp vỗ lưng chưa có hiệu quả, ba mẹ tiếp tục áp dụng biện pháp ấn ngực: 

Biện pháp ấn ngực:

  • Ba mẹ dùng 2 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa có nhiều lực) và ấn mạnh liên tiếp 5 cái vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức) của trẻ. Ấn liên tục theo chiều từ trên xuống dưới để tống dị vật ra ngoài. 

Ấn 2 đầu ngón tay lên vùng thượng vị của trẻ để đẩy dị vật ra khỏi đường thở (Ảnh: Internet)

Vì trên Bibabo mình không đăng được video nên gửi các mẹ link video, mẹ tham khảo nhé: https://www.youtube.com/watch? v=Bw5xs62Cyg8

Nếu thấy dị vật vẫn chưa ra, trẻ chưa thở được, da dẻ vẫn tím tái, ba mẹ tiếp tục thực hiện quy trình vỗ lưng ấn ngực như các bước vừa nêu đến khi dị vật được đưa ra hoặc xe cứu thương tới. Nếu thấy nguy kịch, hãy nhanh chóng tìm mọi cách đưa trẻ tới bệnh viện để được hỗ trợ. 

Trình bày ra thì lâu nhưng tính ra làm cũng rất nhanh. Quan trọng nhất ba mẹ chúng ta cần lưu ý đó là xác định đúng vị trí ấn và vỗ, dùng lực mạnh một chút để đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Như vậy công tác sơ cứu sẽ hiệu quả hơn. Các mẹ share về phòng khi cần nhé. Mình cũng note lại đây như một cách học lại bài và ghi nhớ nè.

Theo Bibabo.vn