Tài khoản

Sự thay đổi của sữa mẹ qua từng tháng tuổi: Có còn chất và tốt không?

Mẹ Jiyeon 4 năm trước

Sữa mẹ sau khi sinh 1 tuần, 6 tuần, 2 tháng, 3, 4… 6, 7, 8 tháng đều có sự thay đổi rõ rệt. Vậy thì sau 6 tháng hoặc 1, 2 năm sữa mẹ còn dưỡng chất tốt và phù hợp với em bé nữa không? Khi nào sữa mẹ không còn là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ?

Sữa mẹ sau 1 tuần sinh con

Sữa mẹ trong vòng khoảng 3 – 5 ngày đầu sinh con được gọi là sữa non. Trong ngày đầu tiên, sữa non đặc quánh, màu vàng đậm, sau đó loãng và nhạt màu dần ở những ngày về sau.

Sữa non chứa ít chất béo, lactose và vitamin tan trong nước, nhưng lại rất giàu protein, vitamin tan trong chất béo và đặc biệt là các tế bào miễn dịch. Các thành phần này phù hợp hoàn toàn với cơ thể non nớt của em bé, giúp em bé có sức đề kháng chống lại những bệnh tật đầu đời.

Không một nguồn dinh dưỡng nào (kể cả những sản phẩm sữa non được quảng cáo là mô phỏng lại sữa non của mẹ) có thể thay thế được nguồn sữa non quý giá này. Vì vậy, tất cả các bà mẹ đều được khuyến khích thực hiện tiếp xúc da kề da và cho con bú sớm nhất sau khi sinh con.

Sau 5 ngày đầu tiên, sữa mẹ bước sang giai đoạn chuyển tiếp để trở thành sữa trưởng thành. Ban đầu, lượng sữa này thường rất nhiều do tuyến sữa chưa nhận biết được nhu cầu của em bé. Do đó bà mẹ có thể thường xuyên thấy ngực căng tức, sữa rỉ ra ướt áo.

Giải pháp lúc này là cho bé bú bất cứ lúc nào theo nhu cầu của con. Lượng sữa thừa trong bầu ngực bé chưa bú hết, bà mẹ có thể vắt ra để trữ đông, sau này cho con dùng dần. Không nên để bầu ngực bị căng tức thường xuyên vì nó sẽ dễ dẫn đến tắc sữa.

Sữa mẹ sau 6 tuần sinh con

Sữa mẹ sau 6 tuần sinh con đã trở thành sữa trưởng thành thật sự. Lúc này, hầu hết các bà mẹ đều đã hết sản dịch, sức khỏe dần hồi phục nên lượng sữa sẽ về nhiều và ổn định hơn so với trước đó.

Sữa trưởng thành có màu trắng đục, loãng hơn so với sữa non nhưng nhìn chung vẫn ở dạng sánh. Trong sữa trưởng thành chứa nhiều protein, chất béo, carbohydrate, chất kích thích miễn dịch, vitamin và khoáng chất, men và hormone đáp ứng vừa đủ nhu cầu dinh dưỡng của em bé.

Nếu để ý quan sát, bà mẹ sẽ thấy sữa trưởng thành ở đầu cữ có màu trong và loãng do chứa nhiều nước để giải tỏa cơn khát cho em bé. Càng về cuối cữ, sữa mẹ càng đặc sánh, giàu chất béo và dinh dưỡng cho con. Vì vậy khi cho con bú, mẹ nhớ để con bú cạn một bầu ngực rồi mới chuyển sang bên còn lại nhé!

Sữa mẹ ở tháng thứ 2, 3, 4, 5 sau sinh

Sữa mẹ ở tháng thứ 2, 3, 4 hoặc 5 sau khi sinh con vẫn là sữa trưởng thành với thành phần không thay đổi nhiều so với trước đó. Tuy nhiên, con càng lớn thì hàm lượng chất béo trong sữa mẹ sẽ càng giảm.

Một điều thay đổi nữa của sữa mẹ sau 2, 3, 4 hoặc 5 tháng sinh con là lúc này, lượng sữa rất dồi dào. Bản chất của sữa mẹ là sản xuất theo nhu cầu, bé càng lớn sẽ càng bú mẹ nhiều hơn, và đó là lý do khiến tuyến sữa tiết ra nhiều sữa hơn.

Sữa mẹ ở tháng thứ 6, 7, 8, 9, 10 sau khi sinh con có còn tốt không?

Khi trẻ đạt 180 ngày tuổi, tức tròn 6 tháng tuổi, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ tăng vọt để có thể thích ứng với quá trình phát triển mạnh mẽ cả về trí não và thể chất. Khi ấy, chúng ta bắt đầu cho trẻ ăn thêm những thức ăn không phải là sữa mẹ, đó chính là ăn dặm.

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sữa mẹ sau 6 tháng còn dưỡng chất tốt không?

Câu trả lời là CÓ. Sữa mẹ lúc này vẫn chứa nhiều dưỡng chất và kháng thể cần thiết cho em bé, nhưng không đáp ứng đủ được hết các nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Nếu chỉ cho trẻ bú mẹ hoàn toàn giống như 6 tháng trước đó, trẻ sẽ chậm tăng cân.

Do đó, cách giải quyết là cho trẻ ăn dặm kết hợp với bú mẹ xen kẽ. Việc này kéo dài từ khi trẻ được tròn 6 tháng tuổi đến khi được 24 tháng hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, sữa mẹ sau 6 tháng thường gặp một rắc rối phổ biến, đó là lượng sữa bắt đầu ít dần đi. Nguyên nhân xuất phát từ việc bà mẹ phải đi làm, thời gian cho con bú ít đi, hoặc một số mẹ khác chỉ tập trung vào ăn dặm mà cho con bú ít dần, khiến lượng sữa cũng giảm dần theo.

Theo Bibabo.vn

Từ khóa: