Tài khoản

Thai ngoài tử cung: Hiện tượng nguy hiểm mẹ bầu cần biết

Thảo Phương 4 năm trước

Khi phôi thai không làm tổ và phát triển bên trong lòng tử cung, mẹ bầu sẽ rơi vào tình huống mang thai nguy hiểm gọi là thai ngoài tử cung.

Xem nhanh

  • Thai ngoài tử cung là gì?
  • Khi nào có thể phát hiện thai ngoài tử cung?
  • Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung
  • Ai có nguy cơ bị thai ngoài tử cung?
  • Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Xem thêm

Khoảng 2% mẹ bầu gặp phải hiện tượng thai ngoài tử cung trong thai kỳ. Đây là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, và cách xử lý duy nhất, cũng đáng buồn nhất là phải bỏ thai. Hãy tìm hiểu về hiện tượng này để biết cách nhận biết, xử trí và điều trị kịp thời nhé!

1Thai ngoài tử cung là gì?

Như tên gọi của nó, thai ngoài tử cung là hiện tượng hợp tử (được hình thành khi trứng và tinh trùng thụ thai thành công) không làm tổ bên trong buồng tử cung như bình thường mà làm tổ sai chỗ, ở bên ngoài tử cung như vòi tử cung, buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng,... 

Thai ngoài tử cung là hiện tượng hợp tử không làm tổ bên trong tử cung (Ảnh: Internet)

Khoảng 2% mẹ bầu gặp phải hiện tượng này. Trong số đó có đến 95% trường hợp hợp tử làm tổ bên trong ống dẫn trứng, gọi là hiện tượng thai ở ống dẫn trứng. Khi thai phát triển trong ống dẫn trứng, mẹ bầu sẽ xuất hiện tình trạng đau đớn và chảy máu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, ống dẫn trứng có thể bị vỡ, gây xuất huyết trong và tử vong. 

Khi có thai ngoài tử cung, lựa chọn duy nhất của bạn là bỏ thai để đảm bảo tính mạng cho mẹ. 

2Khi nào có thể phát hiện thai ngoài tử cung?

Thai ngoài tử cung thường được phát hiện trong khoảng tuần thứ 5 đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Phần lớn mẹ bầu sẽ nhận thấy các triệu chứng bất thường sau khoảng 2 tuần trễ kinh. 

3Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung

Hiện nay vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung. 

Thông thường, hợp tử sẽ mất khoảng 5 ngày để di chuyển từ buồng trứng, qua ống dẫn trứng và vào làm tổ bên trong tử cung và phát triển. Tuy nhiên, nếu quá trình này diễn ra không được thuận lợi, hợp tử sẽ làm tổ ngay trên đường đi của nó, tức là trong ống dẫn trứng. Sau khi làm tổ thành công, hợp tử sẽ được gọi là phôi thai. 

Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm vòi trứng, ống dẫn trứng quá hẹp hoặc bị tổn thương, nhiễm trùng vùng chậu cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. 

Phụ nữ bị đa nang buồng trứng, mẹ bầu từng có tiền sử nạo phá thai hoặc mắc các bệnh lây qua đường tình dục có khả năng thai ngoài tử cung cao hơn. 

Thai ngoài tử cung cần được phát hiện sớm trong thai kỳ (Ảnh: Internet)

4Ai có nguy cơ bị thai ngoài tử cung?

Bất kỳ phụ nữ nào cũng có thể bị thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, một số mẹ bầu dưới đây dễ mang thai ngoài tử cung hơn so với những người khác: 

  • Có tiền sử viêm tiểu khung hoặc viêm nhiễm vùng chậu (PID), nhất là nhiễm khuẩn chlamydia vì nó có thể gây tổn thương và để lại sẹo ở ống dẫn trứng.

  • Đã từng trải qua phẫu thuật vùng bụng như phẫu thuật cắt ruột thừa, sinh mổ hoặc phẫu thuật ống dẫn trứng. 

  • Mang thai nhờ phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Bạn nên siêu âm vùng bụng sớm để kiểm tra vị trí bào thai bám vào làm tổ. 

  • Đang sử dụng que cấy tránh thai hoặc uống thuốc tránh thai hàng ngày.

  • Hút thuốc trong khoảng thời gian thụ thai. 

  • Có tiền sử mang thai ngoài tử cung. 

  • Tuổi của mẹ >= 40 tuổi. 

5Dấu hiệu mang thai ngoài tử cung

Dấu hiệu nhận biết mang thai ngoài tử cung không dễ dàng. Bạn có thể chỉ cảm thấy giống như đến ngày đèn đỏ hoặc giống như sảy thai với các cơn đau quặn bụng và xuất huyết nhẹ. Thậm chí bạn không cảm thấy gì khác biệt trong suốt những tuần đầu thai kỳ. 

Xuất huyết và đau bụng là những dấu hiệu thường gặp nhất (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu mang thai ngoài tử cung để bạn so sánh, đối chiếu. Hãy đi khám ngay nếu bạn nhận thấy: 

  • Tình trạng chảy máu âm đạo bất thường. Lượng máu ít hơn, màu đỏ tươi hoặc sẫm, loãng hơn so với máu kinh, trông giống như nước ép mận. 

  • Đau bụng dưới hoặc đau vùng chậu ở một bên, bắt đầu từ cảm giác hơi đau đến đau nhức nghiêm trọng, có thể xuất hiện từ từ nhưng cũng có khi là đột ngột. Nếu bạn nghĩ mình đang có thai và trải qua cảm giác này, bạn nên đi khám. 

  • Thường xuyên toát mồ hôi, choáng váng, cảm thấy chóng mặt và ngất. 

  • Tiêu chảy hoặc đau bụng khi đi ngoài.

  • Sốc, ngã quỵ do chảy máu trong nghiêm trọng.

6Nên làm gì nghi ngờ mang thai ngoài tử cung?

Hãy đi khám ngay lập tức, hoặc nhập viện ngay! Trong trường hợp túi thai đã vỡ, bạn sẽ được đưa thẳng đến phòng mổ. 

Nếu túi thai chưa vỡ, bạn có thể được chỉ định siêu âm ngả âm đạo và xác định chính xác vị trí thai bám, từ đó kết luận chính xác bạn có đang mang thai ngoài tử cung hay không. 

Bạn cũng có thể được thử thai và đo nồng độ hCG trong máu. Nếu nồng độ hCG thấp hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu mang thai ngoài tử cung. 

Trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, thai chưa vỡ với kích thước nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu kích thước thai lớn (thường là trên 3cm), bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở để lấy thai. 

Theo Bibabo.vn