Tài khoản

Thủy đậu trong thai kì - căn bệnh mà mẹ bầu nào cũng “ngán”

BIBABO 5 năm trước 6 bình luận

Chị em bị thủy đậu khi mang thai đáng lo ngại hơn nhiều lần so với người bình thường bởi căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới mẹ mà còn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho thai nhi. 

Đây là căn bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp và bị nhiễm virus Varicella zoster. Các triệu chứng thường gặp là nổi mụn nước khắp người, sốt, mệt mỏi,... Bệnh tuy khá lành tính nhưng nếu các mẹ bầu bị nhiễm thì có thể gây ảnh hưởng tới cả thai nhi, bé có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo, các khuyết tật về mắt, chân tay ngắn, tổn thương não hay gặp các vấn đề về đường ruột,...

Những biến chứng thai phụ nhiễm thủy đậu có thể gặp phải là nguy cơ viêm phổi do virus varicella 10 - 20%, trong số người viêm phổi do virus này nguy cơ tử vong lên đến 40%.

Những biến chứng cho thai nhi sẽ phụ thuộc vào thời điểm mẹ mang thai bị thủy đậu:

- Trước tuần 13 trong thai kì: rủi ro dị tật bẩm sinh là dưới 1%.

- Từ tuần 13 đến tuần 20: rủi ro dị tật bẩm sinh là 2%.

- Từ tuần 20 và tuần 37: virut vẫn tồn tại trong cơ thể thai nhi nhưng không gây nguy hiểm gì, nhưng có thể bùng phát khi bé lớn lên (thủy đậu bẩm sinh).

- Từ 2-5 ngày trước khi sinh: bé có thể nhiễm thủy đậu ngay sau khi sinh, tỉ lệ tử vong lên đến 30%.

Mẹ bầu bị thủy đậu có thể dẫn tới thai nhi bị dị tật (Ảnh: Internet)

Vậy làm thế nào để ngừa thủy đậu trong thai kì? Các mẹ hãy tìm hiểu và có cách phòng tránh ngay từ trước khi mang thai.

Tiêm phòng

Cách tốt nhất để phòng tránh thủy đậu là tiêm vắc - xin. Khi có ý định có con, tốt nhất cả bố và mẹ hãy đi tiêm phòng thủy đậu. Việc này nên được tiến hành trước khi có thai tốt nhất là 3 tháng và tối thiểu là 1 tháng. Các mẹ chú ý không nên tiêm khi đã mang thai vì có thể gây tác dụng ngược nhé.

Ngủ đủ giấc

Đối với mẹ bầu bị thủy đậu, giấc ngủ lại càng có vai trò quan trọng hơn bởi giúp mẹ tăng cường hệ miễn dịch để nhanh khỏi và phòng ngừa được nhiều bệnh khác.

Thai phụ cũng nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa và giữ gìn vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ mụn nước vì dẫn đến lây lan và có nguy cơ bội nhiễm.

Các mẹ cũng nên bổ sung thêm nhiều thực phẩm có chứa vitamin C, D, kẽm,... để tăng cường khả năng miễn dịch.

Mẹ bầu đừng quên tốt nhất là nên tránh xa  những người bị thủy đậu.


Mẹ mang thai cần có lời khuyên từ các bác sĩ để tránh biến chứng trong thai kì (Ảnh: Internet)

Vậy nếu bị thủy đậu, mẹ bầu nên điều trị như thế nào?

- Bản thân bà bầu nên được cách ly để tránh lây lan.

- Nhà cửa và các đồ vật cần vệ sinh sạch sẽ.

- Để da khô thoáng, tránh làm vỡ mụn nước sẽ gây lây lan và biến chứng cho cả mẹ và thai nhi.

- Các mẹ cần hỏi bác sĩ để được tư vấn thuốc uống, bôi phù hợp và ít gây ảnh hưởng tới quá trình mang thai. Không nên tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa chắc chắn để tránh dẫn tới tình trạng nguy hiểm về sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Nếu mẹ đã bị thủy đậu lúc còn nhỏ hoặc đã được tiêm phòng thì khả năng bị thủy đậu lúc mang thai là rất thấp vì trong người đã có kháng thể chống lại virus gây bệnh. Biến chứng khi bà bầu bị thủy đậu xảy ra là rất thấp, nhưng khi đã xảy ra thì rất nguy hiểm. Do đó, tốt nhất các mẹ nên tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho thai nhi.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm