Tài khoản

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh: Những điều mẹ cần biết

Mẹ Mun 4 năm trước 18 bình luận

Tiêm phòng lao là biện pháp cần thiết để bảo vệ con yêu khỏi bệnh lao - một trong những bệnh truyền nhiễm hàng đầu thế giới với mức độ nguy hiểm như HIV/AIDS.

Mình xin tổng hợp lại một số điều mẹ cần ghi nhớ về tiêm phòng lao: thời điểm tiêm phòng, phản ứng phụ và ứng phó đúng cách với các phản ứng phụ sau khi tiêm phòng lao. Các mẹ lưu lại nhé!

1. Bệnh lao là gì?

Bệnh lao do vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra. Khi bị nhiễm lao, người bệnh dễ bị các biến chứng về phổi, có thể lây lan sang xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh và các cơ quan khác rất nguy hiểm. Đặc biệt với trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, việc tiêm phòng lao để bảo vệ con khỏi bệnh lao là cực kỳ cần thiết.

2. Thời điểm nên cho trẻ tiêm phòng lao

Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm phòng lao cho trẻ trong vòng 01 tháng đầu sau sinh. Trẻ khỏe mạnh, sức khỏe đáp ứng đủ có thể được tiêm phòng lao ngay trong 24 giờ đầu sau sinh luôn.

Bộ Y tế khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm phòng trong 01 tháng đầu sau sinh

Trường hợp trẻ 1 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm phòng thì phải làm sao? Có thể tiêm phòng cho trẻ được nữa không? Câu trả lời là CÓ. Nhưng vacxin chỉ có tác dụng khi trẻ chưa bị nhiễm khuẩn lao tính đến thời điểm tiêm phòng, còn trong cơ thể trẻ bị nhiễm khuẩn lao rồi thì vacxin không còn tác dụng bảo vệ trẻ nữa. Theo mình, các mẹ nên tranh thủ thời gian để đưa con đi tiêm đúng lịch. Trường hợp trẻ ốm, mệt, không thể đi tiêm đúng lịch được thì ngay khi trẻ khỏi bệnh, hãy đưa trẻ đi tiêm ngay để giảm nguy cơ trẻ bị nhiễm khuẩn lao. 

3. Kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm phòng lao

Trước khi cho trẻ đi tiêm phòng lao, ba mẹ cần đảm bảo trẻ khỏe mạnh. Với những trẻ đang bị bệnh như sốt, vừa hết bệnh, viêm da mủ, sinh non, thiếu cân,... lúc đưa trẻ đến tiêm phòng, các ba mẹ cần khai báo đúng thông tin tình trạng trẻ với bác sĩ để được kết luận con có đủ điều kiện tiêm phòng hay không, đảm bảo con an toàn nhất.

4. Một số phản ứng phụ sau khi tiêm phòng lao

Các loại vacxin đều có thể gây ra phản ứng phụ cho cơ thể của trẻ. Tùy vào cơ địa từng trẻ mà phản ứng có thể nặng hoặc nhẹ khác nhau. Ba mẹ cần theo dõi trẻ sát sao trẻ trong thời gian sau tiêm phòng để phát hiện phản ứng và hỗ trợ trẻ kịp thời. 

Trẻ phản ứng bình thường, cho thấy cơ thể trẻ đã đáp ứng miễn dịch: 

  • Sốt nhẹ

  • Sưng hạch ở hõm nách bên cánh tay được tiêm thuốc (dưới 6 tuần)

  • Vị trí vết tiêm có quầng đỏ, loét nhẹ khoảng bằng hạt đậu và mưng mủ, sau đó để lại sẹo (trong vòng 6 tuần sau tiêm). 

Trẻ có phản ứng phụ trầm trọng cần được đưa đi bác sĩ kiểm tra và xử lý ngay: 

  • Trẻ sốt cao (>= 39 độ C), bỏ bú trong 1 - 2 ngày

  • Vết tiêm sưng to.

  • Vết hạch sưng to, hạch kéo dài hơn 6 tuần không giảm.

  • Trẻ sốt cao, khóc nhiều không dứt, mệt lả, da tím tái, co giật, liệt, hôn mê,... cần đi cấp cứu ngay.

5. Theo dõi trẻ sau tiêm phòng

Để đảm bảo an toàn nhất cho trẻ, khuyến cáo ba mẹ nên ở lại khu vực tiêm phòng khoảng 30 phút sau tiêm để theo dõi phản ứng của trẻ khi tiêm xong. Trong vòng 48 giờ sau khi tiêm về nhà trẻ cũng vẫn cần được theo dõi sát sao, nếu có gì bất thường ba mẹ nên đưa con đi khám ngay để được hỗ trợ tình trạng xấu. 

Nhờ những thông tin trên mà mình đã cùng con vượt qua kỳ tiêm phòng lao an toàn, khỏe mạnh. Khoảng 2 - 3 tuần sau tiêm vị trí vết tiêm của con có sưng đỏ nhưng đến tuần thứ 6 là đỡ. Mình chẳng biết làm gì, cứ để kệ. Trộm vía con lành, không có quấy khóc gì cả nên mình cũng đỡ. Các mom cứ yên tâm theo dõi sức khỏe con nhé.

Theo Bibabo.vn
Xem thêm