Tài khoản

Tìm hiểu về Nhau tiền đạo để hiểu hơn sức khỏe của thai nhi

Huyền Linh 4 năm trước 24 bình luận

Chia sẻ với các mom một số thông tin về chứng nhau tiền đạo - một trong số những vấn đề mà đợt gần đây thấy các mẹ hỏi nhiều và băn khoăn nhiều trong hội mình. Nhau tiền đạo tương đối nguy hiểm cho cả mẹ và con cho nên mẹ cần tìm hiểu kỹ và phòng tránh cũng như chăm sóc cho cả hai mẹ con thật tốt nhé. 

1. Về nhau tiền đạo

- Bình thường, bánh nhau sẽ bám cao hơn trên thành tử cung. Nhưng nếu bị nhau tiền đạo, bánh nhau sẽ bám thấp xuống, có thể 1 phần hoặc tất cả bánh nhau nằm vắt ngang qua cổ tử cung. Đến giai đoạn con quay đầu xuống chuẩn bị ra đời, có thể tưởng tượng bánh nhau sẽ nừm ngay phía trước đầu của con, chặn ngay cổ tử cung, cản đường con ra ngoài. Hiểu đơn giản hơn nữa, nhau tiền đạo như viên đá/cánh cửa chắn lối con đi ra ngoài gặp ba mẹ. 

2. Dấu hiệu nghi ngờ bị nhau tiền đạo

- Dấu hiệu sớm nhận biết là mẹ bị chảy máu âm đạo nhưng không thấy đau. Máu có thê ra nhiều lần, không kèm đau bụng. Nhưng để chính xác nhất thì vẫn cần siêu âm khi đi khám thai vì có rất nhiều trường hợp chảy máu nhưng không phải bị nhau tiền đạo hay bị nhau tiền đạo nhưng không có dấu hiệu chảy máu. Khi siêu âm sẽ thấy bánh nhau bám sát hoặc qua cổ tử cung, khi đó bác sĩ có thể kết luận là có bị nhau tiền đạo hay không. Nếu thấy dấu hiệu bị ra máu, mẹ vẫn nên đi khám nhé. 

=> Nghĩa là để biết mình bị nhau tiền đạo thì chỉ có đi siêu âm. Khoảng tam cá nguyệt thứ 3 là thời kỳ có thể bị nhau tiền đạo, lịch siêu âm giai đoạn này mẹ cần tuân thủ đúng và đủ, đảm bảo kịp thời phát hiện tình trạng nhau tiền đạo và xử lý nhé. 

3. Khi nào thì nhau tiền đạo được coi là nguy hiểm? 

Cái này phải chia ra là nhau tiền đạo một phần hay nhau tiền đạo toàn phần. 

- Nhau tiền đạo một phần có thể tưởng tượng như nhau thai choàng qua 1 phần của cổ tử cung, giống như ngôi nhà có 2 cánh cửa nhưng bị đóng mất 1 cánh. Nghĩa là vẫn còn khoảng trống, thai nhi vẫn có thể đi ra được, mẹ vẫn có khả năng sinh thường. 

- Nhau tiền đạo toàn phần có thể tưởng tượng như cửa bị đóng cả hai cánh, không còn lối thoát thì bắt buộc phải mổ, không thể sinh thường được. Nếu bị nhau tiền đạo toàn phần, mẹ bầu có thể bị xuất huyết nghiêm trọng trước và hoặc sau khi chuyển dạ. Nhau càng gần cổ tử cung thì nguy cơ chảy máu càng nhiều. Lúc này sẽ nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và con, cần được hỗ trợ kịp thời từ bác sĩ. 

4. Rủi ro cho cả mẹ và con khi bị nhau tiền đạo

Rủi ro cho mẹ: 

- Mẹ có thể bị chảy máu nhiều và khó kiểm soát. 

- Tăng nguy cơ sinh mổ

- Tăng khả năng sinh non 

- Có thể bị sốc do mất máu

- Nếu nhau thai không chịu tách khỏi lớp niêm mạc tử cung thì có thể phải cắt bỏ tử cung.

Rủi ro cho con: 

- Con sinh non 

- Con có thể bị thiếu oxy

- Con bị mất máu (Do mẹ bị mất máu)

5. Xử lý khi bị nhau tiền đạo

Nói chung, nhau tiền đạo là tương đối nguy hiểm và cần sự theo sát của cả mẹ, bác sĩ và gia đình. Không có biện pháp nào điều trị cụ thể hay can thiệp trong tình trạng này ngoài theo dõi và chờ đợi. Nếu mẹ bị chảy máu, 1 là nên đi khám ngay, 2 là cần nghỉ ngơi cẩn thận, tránh quan hệ tình dục, tốt nhất là không làm bất kỳ tổn thương nào tới cổ tử cung hoặc các hoạt động có thể gây co thắt tử cung như kích thích đầu vú, tâm trạng quá kích động, hoặc ăn uống thực phẩm gây co bóp tử cung như dứa,...

Một chút thông tin mình thu thập được, hi vọng hữu ích cho các mẹ. Thấy hữu ích thì share các mẹ nhé. Cảm ơn các mẹ nhiều.  

Theo Bibabo.vn
Xem thêm