Tài khoản

Top thực phẩm bổ sung sắt hiệu quả mẹ bầu nên quan tâm

Thach Lam 4 năm trước

Sắt là một trong những vi chất thiết yếu mẹ cần bổ sung trong suốt thai kỳ. Nhưng ăn gì để có nhiều sắt, mẹ cùng tham khảo nhé.

Xem nhanh

  • Thịt đỏ
  • Gan và nội tạng động vật
  • Động vật thân mềm
  • Rau chân vịt (cải bó xôi)
  • Bông cải xanh

Xem thêm

Mẹ Nhi khi mang bầu tuần thứ 12, hốt hoảng bởi nhận tờ xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu xuống dưới 11g/dl. Từ bệnh viện về nhà, mẹ Nhi đã theo lời khuyến của bác sĩ tìm hiểu ngay top thực phẩm bổ sung sắt hiệu quả.

Dưới đây là một vài thực phẩm bổ sung sắt rất tốt, các mẹ tham khảo để bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày nhé.

1Thịt đỏ

Chất sắt heme được quan sát thấy có nhiều trong thịt động vật, nhất là thịt đỏ. Cụ thể là thịt bò, thịt heo, thịt cừu... Thịt càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất sắt. Cơ thể hấp thụ loại sắt này tốt hơn loại khác nên bạn hãy cố gắng ăn nhiều chút nhé. 

Các loại thịt đỏ đều có chứa hàm lượng sắt dồi dào (Ảnh: Internet)

2Gan và nội tạng động vật

Bên cạnh thịt, đây cũng là thành phần cực kỳ bổ dưỡng. Các loại nội tạng phổ biến dễ chế biến là gan, thận, não và tim - tất cả đều chứa nhiều chất sắt. Chẳng những vậy, thịt nội tạng cũng giàu protein, vitamin A, vitamin B, đồng, selen và nhất là choline, đặc biệt tốt cho sự hình thành và phát triển trí não của thai nhi.

3Động vật thân mềm

Động vật thân mềm là những loài sống dưới nước có vỏ cứng. Chúng thường được chế biến thành những món ăn khá ngon và bổ dưỡng, như sò, ốc, trai, nghêu... Chẳng hạn, một phần nghêu 100 gram có thể chứa tới 28 mg sắt, đủ lượng sắt cần cho một ngày.

4Rau chân vịt (cải bó xôi)

Rau chân vịt hay còn gọi là cải bó xôi, cũng như các nguồn rau có lá xanh đậm khác, chứa nhiều chất sắt nhưng lại rất ít calo, thích hợp cho các mẹ bầu muốn tránh béo phệ.

Tuy nhiên, chất sắt từ thực vật khó hấp thu hơn chất sắt từ động vật nhưng rau chân vịt lại rất giàu vitamin C. Điều này làm tăng đáng kể sự hấp thụ sắt.

Các loại rau xanh cũng chứa hàm lượng sắt tốt cho cơ thể mẹ bầu (Ảnh: Internet)

5Bông cải xanh

Cùng là một thành viên của gia đình rau họ cải, bông cải xanh cũng cực kỳ bổ dưỡng và là nguồn cung cấp chất sắt khá tốt. Hơn thế nữa, bông cải xanh cũng có nhiều folate, vitamin K và một lượng lớn chất xơ.

6Các loại đậu

Các loại đậu như đậu xanh, đậu Hà Lan và đậu nành hay tàu hũ... thực sự là nguồn protein và chất sắt tuyệt vời cho người ăn chay, không ngoại trừ mẹ bầu. Không những thế, các loại đậu cũng có thể chế biến thành món ăn vặt cho các mẹ bầu nhâm nhi, vừa không phải tiêu thụ quá nhiều calories, vừa cung cấp lượng lớn chất xơ hòa tan.

7Hạt bí ngô

Hạt bí ngô cũng là một nguồn dồi dào chất sắt, thường được dùng như một món ăn nhẹ, ngon miệng và tiện sử dụng. Ngoài ra, hạt bí ngô còn cung cấp vitamin K, kẽm, mangan, magiê giúp giảm nguy cơ đề kháng insulin, tiểu đường và trầm cảm.

8Sô-cô-la đen

Thật ngạc nhiên khi sô-cô-la đen cũng là một nguồn cung cấp chất sắt. Đây là một món khoái khẩu của nhiều người và cả mẹ bầu hay thèm ăn vặt giữa các cữ. Ngoài ra, sô-cô-la còn có hoạt tính chống oxy hóa cao, có lợi đối với cholesterol và giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch.

Socola giàu sắt nhưng cũng giàu cafein, mẹ cần cân nhắc khi ăn nhé (Ảnh: Internet)

9Bà bầu cần bao nhiêu mg sắt mỗi ngày?

Bà bầu sẽ cần ít nhất 27 miligram (mg) sắt mỗi ngày trong thời gian mang thai.

Sắt từ thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ có khả năng hấp thu tốt hơn so với sắt từ nguồn gốc thực vật. Vì vậy, các sản phụ ưu tiên ăn nhiều thịt, cá, trứng, vừa tăng thể lực cho mẹ và vừa cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.

Chuyển sang giai đoạn bỉm sữa , các mẹ hãy uống ít nhất 9 mg chất sắt mỗi ngày nếu độ tuổi của bạn từ 19 tuổi trở lên. Đối với các bà mẹ đang cho con bú còn khá trẻ ở tuổi 18 hoặc thấp hơn, 10mg chất sắt mỗi ngày là đủ.

Nếu mẹ bầu thiếu sắt sẽ thiếu máu. Nguy cơ đối với sản phụ là sảy thai dễ xảy ra trong tam cá nguyệt đầu hay thai lưu hoặc vỡ ối sớm, nhau bong non, sinh non trong tam cá nguyệt cuối. Đồng thời, giai đoạn thai kì cũng phải đối diện với nguy cơ cao bị tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật – sản giật, nhiễm trùng ối, ối vỡ sớm; giai đoạn chuyển dạ dễ bị chuyển dạ kéo dài, băng huyết sau sanh, nhiễm trùng hậu sản. Đối với bào thai, tình trạng suy thai trường diễn do suy dinh dưỡng thường gặp. Trẻ sinh ra hay bị nhẹ cân, sinh non tháng, vàng da sau sinh, thời gian điều trị dưỡng nhi kéo dài…

Quá nhiều chất sắt có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc stress oxy hóa, sự mất cân bằng trong cơ thể được cho là đóng vai trò vô sinh, tiền sản giật và sẩy thai. Đồng thời có liên quan đến bệnh tim và huyết áp cao. Hãy bổ sung sắt trong khi mang thai theo sự hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả tốt nhất. 

Ngoài ra, một lưu ý nho nhỏ tới các mẹ, bổ sung sắt trong thai kỳ rất dễ bị táo bón vì sắt không phải sản phẩm dễ hấp thu. Mẹ nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả, uống nhiều nước, bổ sung thêm các loại quả giàu vitamin C như bưởi, cam,... để việc hấp thu sắt hiệu quả hơn, phòng chống táo bón thai kỳ dẫn đến trĩ nhé.

Theo Bibabo.vn