Tài khoản

“Trầm cảm sau sinh” có thực sự đáng sợ?

Phan Nu Lam Giang 4 năm trước 14 bình luận

“Trầm cảm sau sinh” không còn là một cụm từ xa lạ với các bà mẹ, nhất là các bà mẹ mới sinh con lần đầu. Nó được nhắc tới nhiều đến nỗi ai cũng nghĩ sinh con xong là sẽ bị trầm cảm. Có rất nhiều các bạn trẻ không dám cả Kết hôn vì sợ sinh con xong bản thân sẽ rơi vào trạng thái tồi tệ như vậy. Nhất là trong thời đại này, tiếp xúc với phương tiện truyền thông đại chúng còn dễ hơn cả đi chợ, các mẹ chỉ cần lên Google tra “trầm cảm sau sinh” là chưa tới 1 giây sau, hàng loạt bài báo về các vụ tự tử hiện ra. Nhưng sự thật thì, “trầm cảm sau sinh” có đáng sợ đến mức như vậy không? Và chúng ta làm thế nào để không bị rơi vào tâm trạng đó? Theo mình hoàn toàn có thể kiểm soát được.


Mình biết rất nhiều bà mẹ sinh con xong vẫn rất vui vẻ và hạnh phúc, tất nhiên họ đều có những “bí quyết” riêng của mình, mà không phải ngày một ngày hai là có thể rèn luyện được. Nhưng nếu phụ nữ chúng ta cố gắng, thì không gì là không thể cả, phải không ạ! Có một số kinh nghiệm cá nhân của mình đã trải qua, cũng như một số điều mình học được từ những bà mẹ thông thái xung quanh mình, xin được chia sẻ lại cho các mẹ để chúng ta cùng “đánh bay” kẻ thù mang tên “trầm cảm sau sinh” nhé!


Một là, Đảm bảo bạn đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi làm Mẹ!

Điều kiện tiên quyết là bản thân chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta đã sẵn sàng làm Mẹ. Vậy như thế nào là “sẵn sàng”? Chúng mình cùng thử trả lời những câu hỏi dưới đây nhé:

  • Mình có thực sự muốn có một đứa bé luôn bám lấy mình 24/7?
  • Mình có thể hy sinh giấc ngủ của bản thân để chăm sóc đứa nhỏ khi nó quấy khóc?
  • Mình đã sẵn sàng dành mọi sự quan tâm và tình yêu thương của bản thân cho một đứa bé trong suốt vài chục năm tới?
  • Mình có đảm bảo sẽ yêu thương đứa bé đó như (hoặc hơn) bố mẹ mình đã dành tình cảm cho mình?
  • Mình đã có đủ kiến thức để làm Mẹ (trên lý thuyết) chưa nhỉ?
  • Nếu sau nay vợ chồng không còn chung sống với nhau nữa, mình sẽ có thể ở với con chứ?
  • Tự bản thân mình đã cân bằng được cuộc sống cá nhân chưa? Có thể đảm nhận việc “cân bằng” thêm cho một em bé không?

Vân vân và mây mây rất nhiều những câu hỏi tương tự các mẹ có thể đặt ra để kiểm tra tâm lý bản thân, hoặc nhìn những gia đình xung quanh và thử đặt mình vào vị trí của họ, xem mình có giải quyết được vấn đề của họ không, giải quyết như thế nào? Đây là một bước cực kỳ quan trọng. Vì phần lớn những người gặp phải vấn đề tâm lý sau sinh đều là do họ chưa tưởng tượng ra cuộc sống khi có con sẽ như thế nào, chưa chuẩn bị tâm lý và kiến thức cho việc đó, nên khi nó xảy ra, họ thường bị shock khá mạnh.


Hai là, Đảm bảo bạn và bố của đứa bé đã có kinh tế và thu nhập ổn định!

Xung quanh chúng ta, các ông bố bà mẹ đều nói rằng: An cư lạc nghiệp, hiểu nôm na là, lấy vợ lấy chồng ổn định rồi mới nên nghĩ tới việc xây dựng sự nghiệp. Nhưng Không! Đừng nghĩ rằng ở thời buổi này “trời sinh voi trời sinh cỏ” là có thật, tự chúng ta phải nuôi sống được chính mình, thì hãy nghĩ tới việc có em bé. Kinh tế không phải là tất cả, nhưng là nền tảng, là cái móng để xây nên ngôi nhà hạnh phúc của gia đình. Thử nghĩ xem, khi bạn có con, cuộc sống thay đổi, giờ giấc sinh hoạt thay đổi, bạn còn đang loay hoay với những điều mới mẻ này, mà bên cạnh đó vẫn phải vật lộn kiếm từng đồng ở ngoài kia, thì stress đến mức độ nào!


Vậy nên, tốt nhất là hãy đãm bảo bạn và chồng có đủ kinh tế để có thể ở nhà 1 năm mà vẫn không bị chết đói! Để lập kế hoạch tài chính này, bạn cần tham khảo những người xung quanh xem chi phí trung bình phải bỏ ra để nuôi một đứa trẻ dưới 1 tuổi là bao nhiêu, sau đó cộng vào với chi tiêu cá nhân của mình, và bạn nhất định cần dành ra khoản tiền tương đối như vậy để đảm bảo rằng nếu chẳng may mình không thể đi làm trong một năm tới, thì mức sống của gia đình vẫn ổn định, và khi không phải lo nghĩ tới tiền nong, tự trong tâm chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm hơn bao giờ hết. Như vậy thì không có một sự “trầm cảm” nào có thể đến lại gần chúng ta được cả.


Ba là, Chắc chắn rằng bạn tham gia đầy đủ các lớp học Tiền sản, và có Kiến thức căn bản về trẻ sơ sinh.

“Trầm cảm” thường chỉ ghé thăm chúng ta trong khoảng 6 tháng đầu khi chúng ta đang trong thời gian nghỉ sinh, do chưa quen với nhịp sinh hoạt của cuộc sống mới. Sau 6 tháng chị em chúng ta trở lại công việc hằng ngày thì sẽ được giải toả bớt những căng thẳng. Tuy nhiên, để 6 tháng đầu trôi qua êm ả thì việc “làm quen” với em bé cũng hết sức quan trọng. Vì quen nhau thì sẽ dễ tiếp nhận nhau hơn, nhỉ ^^. Các mẹ đừng quên tham gia các lớp học tiền sản và đọc sách để có những kiến thức cơ bản về trẻ sơ sinh, như là: tiếng khóc của trẻ, trẻ cần ăn bao nhiêu bữa, cần ngủ bao nhiêu giờ, các phương pháp chăm trẻ sơ sinh như thế nào?...


Tại sao mình lại nói là kiến thức căn bản? Vì chắc chắn, khi chưa trải nghiệm (tức là khi con chưa chào đời), mẹ sẽ chưa thể hiểu hết được những từ ngữ trong sách viết, hơn nữa, mỗi bé là một cá thể khác nhau, sẽ có những biểu hiện khác nhau, nên mẹ sẽ phải nhạy cảm để lựa theo con. Tuy nhiên nếu có kiến thức như là cái gốc rồi, thì mọi biến đổi của trẻ, mẹ sẽ biết phải tìm ở đoạn sách nào, hoặc đang thuộc mốc phát triển nào để “xử lý”.


Một vài quyển sách rất nổi tiếng mà mình nghĩ các mẹ nên đọc như: “Đọc vị mọi vấn đề của trẻ”, bộ sách “Nuôi con không phải là cuộc chiến”, “Chào con, Ba mẹ đã sẵn sàng!”, “Để con được ốm”…


Đây là ba điểm cơ bản mà mình nghĩ rằng chỉ cần chuẩn bị được ½ những điều này thì các mẹ sẽ không phải sợ đối mặt với “trầm cảm sau sinh”. Trầm cảm theo mình thực ra chỉ là một trạng thái tâm lý khi mà bạn chưa chuẩn bị sẵn sàng nhưng bỗng dưng phải đặt trong hoàn cảnh ngay lập tức phải đối diện với một điều gì đó khiến cho bạn bị căng thẳng, không biết giải toả với ai, vì không ai ở trong hoàn cảnh và tâm trạng của bạn. Lâu dần sẽ khiến cho cảm xúc của bạn bị ức chế dần. Vậy nên, chuẩn bị thật tốt thì không có điều gì làm chúng ta sợ sệt nữa cả, phải không các mẹ!


Hy vọng là các mẹ đã có thông tin bổ ích khi đọc bài của mình, chúc phụ nữ chúng mình luôn vui! ^^


Theo Bibabo.vn
Xem thêm

Từ khóa: