Tài khoản

“Tráng ruột bằng sữa công thức” ngay sau sinh có nên không?

Nguyễn Thu Quỳnh 4 năm trước 11 bình luận

Sữa công thức là một trong những món đồ “phải có” trong giỏ đồ đi sinh của các bà mẹ, dùng để tráng ruột chống đói cho con khi sữa mẹ chưa về. 

Một chủ đề cũ nhưng chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi. Theo các mẹ, “tráng ruột bằng sữa công thức” cho trẻ sơ sinh nên hay không nên? Còn mình, mình xin chia sẻ một ít kiến thức và kinh nghiệm cá nhân về chủ đề này, các mẹ cùng trao đổi nhé. 

Tráng ruột bằng sữa công thức cho trẻ nên hay không nên? (Ảnh: Internet)

Không cần tráng ruột bằng sữa công thức cho trẻ

Theo lý thuyết thì tất cả các bà mẹ sau sinh đều sẽ có sữa cho con bú, không mẹ nào thiếu cả. Mặc dù trong thực tế, một số trường hợp mẹ sinh mổ phải dùng thuốc gây tê nên sữa về chậm hơn một chút. Trong những trường hợp này, mẹ hoàn toàn có thể cho trẻ bú trong vòng 4 - 6 tiếng sau sinh, ngay sau khi thuốc gây tê đã bớt tác dụng và sữa đã tiết ra trong bầu ngực mẹ. 

Lượng sữa non trong bầu ngực mẹ hoàn toàn đủ để đáp ứng nhu cầu của bé, có thể khiến bé “no càng hông” trong những ngày đầu. Các mẹ tính, ngày đầu sau sinh dạ dày của con chỉ khoảng 5 - 7ml, đến ngày thứ 2 và ngày thứ 3 cũng chỉ khoảng 10 - 20ml, đến ngày thứ 5 sau sinh mới chứa khoảng 27ml sữa là đã no nê rồi. Đong đếm ra thì 20ml sữa nó có đáng bao nhiêu sữa, phải không các mẹ? Một vài giọt sữa non sau sinh là quá đủ để con thỏa mãn rồi.

Thêm một lí do nữa, sau khi sinh, cơ thể bé vẫn còn dự trữ một lượng các chất dinh dưỡng từ lúc còn trong bụng mẹ, em bé có thể chịu được trong 24 giờ đầu sau sinh không cần bổ sung thêm chất. Đây cũng là một trong những lí do tại sao một số em bé bị bỏ rơi sau sinh vẫn có thể sống được cho đến khi có người tìm thấy các bé. 

Ngực không căng cứng sau sinh nghĩa là sữa chưa về? 

Có thể thấy nhiều mẹ gặp phải vấn đề này, ngực không có cảm giác căng cứng sau khi sinh và mẹ nghĩ là sữa chưa về. Nhưng thực tế, sữa non sẽ tiết ra trong khoảng 0 - 72 giờ đầu sau sinh. Nhưng sữa non rất ít, đậm đặc và có màu vàng đậm nên nhiều khi mẹ không cảm nhận được sữa đang chứa trong bầu ngực. Suy nghĩ không có sữa, nhiều mẹ chọn không cho con bú mà cho con dùng sữa công thức, đợi đến khi nào sữa về ào ào rồi mới cho con ti, lúc đó mẹ nghĩ mới có sữa. 

Với kinh nghiệm của bản thân mình, mình thấy quan niệm như vậy không đúng. Ngực mình cũng lép kèm kẹp, lúc bầu toàn bị trêu ngực thế này thì làm sao có sữa. Thế mà mình tích cực cho con ti, con cứ mút chùn chụt ấy xong được 1 lúc là nhả vú quay ra nhìn mẹ cười. Con ướt tã 6 - 8 lần mỗi ngày, thỉnh thoảng lại xì xoẹt đi hết phân su lai ra phân hoa cà hoa cải, mùi chua đặc trưng của phân sữa mẹ. Như vậy là mình biết bé đã nhận được đủ sữa, đã ăn no nê rồi. 

Trẻ khóc nghĩa là trẻ đang đói thì phải cho trẻ ăn chứ?

Mẹ chưa cảm thấy có sữa về trong khi con đang gào khóc “vì đói” thì mẹ làm sao chịu đựng được đây? Không cho con uống sữa công thức thì để con đói à? 

Mình chắc chắn nhiều mẹ sẽ phản ứng như vậy. Mình xin trả lời thế này: Trong một số trường hợp trẻ có thể khóc vì đói nhưng trong những trường hợp khác, trẻ khóc vì rất nhiều lí do. 

Em bé vừa mới được cuộn tròn trong ngôi nhà ấm cúng trong bụng mẹ, bỗng dưng bị lôi ra ngoài môi trường không có nước, rộng rãi và xa lạ, lạnh lẽo hơn rất nhiều. Liệu bé có khóc không?  

Đang được ở trần thoải mái tự dưng bị bắt mặc quần áo khó chịu, bí bích, đó còn chưa kể bị mặc nhiều, lại đắp thêm chăn, đi thêm tất tay tất chân, đầu thì đội mũ, liệu bé có thể khó chịu mà khóc không? 

Tã bẩn, bỉm bẩn, ẩm ướt, rồi viền tã cứng cứ cọ cọ vào da khó chịu, đau nữa, liệu bé có thể khó chịu mà khóc không? 

Do đó, ba mẹ cần kiểm tra thật kỹ những vấn đề xảy ra xung quanh bé, hiểu vấn đề bé đang gặp phải để đối phó hiệu quả nhất nhé.

Mình không bài xích sữa công thức và chuyện nuôi con bằng sữa công thức, nhưng mình nghĩ việc tráng ruột cho con bằng sữa công thức là không cần thiết, nhất là khi sữa mẹ hoàn toàn có thể đáp ứng được. Mẹ có thể trao đổi với bác sĩ trước lúc sinh để hiểu và cân nhắc nhé. 

Khuyên thật lòng các mẹ là càng không cho con ti, càng không kích sữa, sữa mẹ sẽ càng khó về, thậm chí mẹ có thể bị ít sữa, mất sữa chỉ sau một vài tuần đầu sau sinh rất đáng tiếc. 

Dù không cảm thấy có sữa (chỉ là vì mẹ không cảm thấy nên cho rằng không có thôi) mẹ vẫn nên tích cực cho bé tu ti sau khi sinh, kết hợp với da tiếp da, uống nước ấm và sữa ấm đầy đủ, tiến hành massage và vắt hoặc hút sữa để kích sữa về nhiều các mẹ nhé. Một chút kinh nghiệm chia sẻ với các mẹ.   

Theo Bibabo.vn
Xem thêm