Tài khoản

Trẻ ăn nhiều nhưng chậm tăng cân: Nguyên nhân và giải pháp?

Bé Chu An 4 năm trước

Trẻ chậm tăng cân dù bé ăn rất nhiều, rất ngon miệng luôn là vấn đề khiến ba mẹ đau đầu. 

Xem nhanh

  • Do chất lượng bữa ăn không đảm bảo
  • Bé tiêu hóa kém, hấp thu không tốt. 
  • Năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng trẻ cần
  • Bé bị nhiễm giun, sán

Thật không khó khi thấy ba mẹ than phiền rằng bé ăn tốt mà không thấy tăng cân, thậm chí còn tụt cân. Rồi áp lực từ gia đình, từ “bác hàng xóm”, từ “cháu nhà bên” càng tăng thêm áp lực cho ba mẹ về cân nặng của bé. 

Đồng ý rằng cân nặng không phải là yếu tố duy nhất cho thấy “trẻ đang phát triển bình thường hay không”. Có điều, con bị tụt cân bất thường thì người làm ba mẹ không thể không lo lắng. Những lúc này, điều đầu tiên ba mẹ nên bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ bị tụt cân, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý phù hợp với nguyên nhân nhé. Chứ không phải trẻ nào tụt cân cho bé dùng siro ăn ngon, cốm ăn ngon hay các thực phẩm chức năng khác là bé tăng cân trở lại được đâu ạ, nhất là khi cách trị không đúng. 

Trong cuốn “Sổ tay Ăn dặm của mẹ”, bác sĩ Lê Thị Hải - Nguyên Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng thuộc Viện Dinh dưỡng Quốc gia có chia sẻ một số nguyên nhân khiến trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân, mình xin note lại để các mẹ tham khảo. Mình cũng xin đề xuất một số giải pháp cho từng phần nguyên nhân luôn ạ. 

1Do chất lượng bữa ăn không đảm bảo

Ở đây cụ thể là sự mất cân đối của các nhóm dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Nếu bé ăn nhiều tinh bột (bột, cơm, cháo) nhưng lại ăn ít thịt, cá, thức ăn giàu đạm hay rau xanh, dầu mỡ thì bé không có đủ dinh dưỡng để phát triển. Tương tự, nếu bé chỉ ăn nhiều đạm mà ăn ít chất bột thì cơ thể bé không đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu sống hàng ngày dẫn đến tăng cân. Chế độ ăn thiếu chất béo cũng khiến bé tăng trưởng chậm. 

Giải pháp:

Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ là ưu tiên hàng đầu. Nếu mẹ không có sữa, hãy lựa chọn cho bé loại sữa công thức đầy đủ và cân bằng nhất các dưỡng chất. Với các bé ăn dặm, ba mẹ cần chú trọng hơn việc xây dựng một thực đơn gồm đầy đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất béo, chất đạm, rau củ quả). Đừng chỉ quan tâm về số lượng, hãy chú ý nhiều đến chất lượng. 

Chất béo rất quan trọng trong việc phát triển cân nặng của trẻ. Chất béo giúp tăng khả năng hấp thụ các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E,... Nếu không dùng dầu dành cho trẻ, ba mẹ nên cho bé ăn thêm một chút thịt mỡ, cá có mỡ,... cũng rất tốt. 

Không quá làm dụng chất đạm. Chất đạm không phải chất dễ hấp thụ, đặc biệt khi hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt sẽ khó có thể hấp thụ hết lượng protein đưa vào cơ thể.

2Bé tiêu hóa kém, hấp thu không tốt. 

Đây là nguyên nhân thường gặp ở các bé bị rối loạn tiêu hóa. Một số bé có chế độ ăn uống không hợp lý hay bé phải dùng kháng sinh thường xuyên rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, khiến bé hấp thụ các chất kém hơn, bé ít tăng cân. 

Sau đợt ốm, bệnh, ba mẹ dễ dàng thấy rằng bé sẽ ăn kém hơn, cơ thể giảm sút đáng kể. Nguyên nhân 1 phần là do một số enzyme nội sinh trong cơ thể bé trong giai đoạn này được sản xuất ra ít, dẫn đến tình trạng bé thiếu enzyme tiêu hóa - enzyme giúp cơ thể tiêu hóa và phân giải các thức ăn. Bên ngoài trông thấy bé sẽ tụt cân và còi đi đáng kể.

Giải pháp: 

Ba mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề tiêu hóa ở trẻ. Nếu bé bị thiếu enzyme tiêu hóa, bác sĩ có thể kê đơn bổ sung men tiêu hóa cho bé. Nhưng men này chỉ dùng trong 1 khoảng thời gian ngắn với liều lượng nhất định. Ba mẹ không nên tự ý cho con dùng men tiêu hóa nhé, rất nguy hiểm đấy nếu ba mẹ không nắm rõ liều lượng cho bé sử dụng!

3Năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng trẻ cần

Mỗi bé có một nhu cầu tiêu hóa và sử dụng năng lượng không giống nhau. Các bé thích chạy nhảy, đùa nghịch sẽ cần nhiều năng lượng để tiêu hao hơn các bé lười vận động. Do vậy, nếu năng lượng, chất dinh dưỡng mà cơ thể bé không được đáp ứng đủ, bé sẽ bị còi, bị chậm tăng cân. 

Giải pháp: 

Lúc này ba mẹ nên tăng bữa ăn lên với 3 bữa chính và từ 2 - 3 bữa phụ sẽ giúp bé bổ sung năng lượng kịp thời, giúp bé hoạt động tốt hơn lại không bị giảm cân. 

4Bé bị nhiễm giun, sán

Khi bị nhiễm giun, sán, một phần lượng thức ăn bé nạp vào cơ thể sẽ phải chia bớt cho những ký sinh trùng này, bé bị mất 1 lượng chất dinh dưỡng để phát triển, dẫn tới thiếu cân, chậm tăng cân.  

Giải pháp: 

Tẩy giun, sán định kỳ là thói quen cần được duy trì. Khoảng 6 tháng 1 lần ba mẹ cho bé tẩy giun sán sẽ giúp sạch ruột, giúp hệ tiêu hóa của bé khỏe mạnh hơn. 

Một chút chia sẻ cá nhân, hi vọng giúp ích cho các mẹ trong việc tăng cân cho bé nhé!

Theo Bibabo.vn