Tài khoản

Trẻ bị hăm tã: Nguyên nhân và cách chữa trị

Mẹ Su Bông 4 năm trước

Làn da mỏng manh của trẻ rất dễ bị tổn thương, hăm tã nếu không được chăm sóc đúng cách.

Xem nhanh

  • Trẻ bị hăm tã trông như thế nào?
  • Nguyên nhân trẻ bị hăm tã
  • Cách tốt nhất để xử trí hăm tã là gì?
  • Khi nào nên đưa bé bị hăm tã đi khám bác sĩ?

Hăm tã là tình trạng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, độ ẩm không khí cao hoặc nắng nóng khiến bé đổ mồ hôi nhiều. Hăm tã thường mang đến cảm giác đau rát khiến trẻ khó chịu, quấy khóc nhiều. 

Bài viết dưới đây xin cung cấp một số thông tin về hăm tã, các xử lý và cách bảo vệ bé yêu khỏi tình trạng này, mời ba mẹ tham khảo. 

Tình trạng hăm tã không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé (Ảnh: Internet)

1Trẻ bị hăm tã trông như thế nào?

Nếu ba mẹ quan sát thấy vùng kín của trẻ bị tấy đỏ, nổi mẩn, sờ vào có cảm giác ấm hơn những vùng da khác thì rất có thể bé đã bị hăm. 

Bé bị hăm tã nhẹ thường chỉ xuất hiện một vài đốm đỏ ở một khu vực nhỏ, sau đó lan rộng ra các vùng da khác. Nếu không được xử lý kịp thời, vùng da bị hăm tã có thể bị lở loét, sưng tấy nghiêm trọng gây đau rát, khó chịu. 

2Nguyên nhân trẻ bị hăm tã

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị hăm tã. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này xin được chỉ ra những nguyên nhân phổ biến và hay gặp nhất của tình trạng này. 

  • Nước tiểu, phân của trẻ. Nước tiểu dễ bị vi khuẩn phân hủy thành amoniac gây khó chịu trên da. Đây là lí do tại sao trẻ hay đi tiểu hoặc bị tiêu chảy dễ bị hăm tã. 

  • Da quá ẩm ướt. Ẩm ướt kết hợp nước tiểu và phân trẻ là cơ hội lí tưởng để vi khuẩn phát triển gây tổn thương tới vùng da tiếp xúc với tã. 

  • Tã thô ráp, tã chật chội. Tã bỉm cứng thường xuyên cọ xát vào làn da mềm mại và nhạy cảm của bé, nhất là khi loại tã có chứa nước hoa, chất tạo mùi hoặc bất kỳ chất hóa học gây kích ứng cũng là lí do khiến bé bị hăm tã. 

  • Thực phẩm mới. Thực phẩm mới đồng nghĩa với việc thành phần của phân trẻ thay đổi. Một số loại axit trong thực phẩm như dâu tây, các loại nước ép có trong phân, có thể gây ảnh hưởng đến bé. Vì vậy, mẹ chỉ nên cho bé ăn một ít một và quan sát phản ứng của cơ thể trẻ với loại thức ăn này trước khi quyết định cho bé ăn nhiều hơn. 

Vùng da ẩm ướt, nhiễm bẩn là nguyên nhân quan trọng nhất khiến trẻ bị hăm tã (Ảnh: Internet)

3Cách tốt nhất để xử trí hăm tã là gì?

Để ngăn chặn hăm tã phát triển, ba mẹ nên thực hiện các bước sau: 

  • Thay tã thường xuyên (cả ban đêm), giữ cho vùng kín của bé luôn được khô thoángsạch sẽ

  • Rửa sạch sẽ vùng đóng tã bỉm sau mỗi lần thay. KHÔNG dùng nước rửa có chứa cồn hoặc có mùi. Khăn bông hoặc khăn giấy dùng để lau khô cũng không nên có chứa cồn hoặc có mùi, tránh gây kích ứng. 

  • Không chà xát mạnh bề mặt, chỉ lau rửa nhẹ nhàng. 

  • Dùng thuốc mỡ hoặc kem chống hăm bôi cho trẻ sau khi thay tã để tạo thành một hàng rào bảo vệ da, giúp da tránh khỏi kích ứng khi nước tiểu và phân bị phân hủy. 

  • Sử dụng size tã lớn hơn 1 chút, đừng bó chặt quá, tránh tã cọ xát quá nhiều vào da gây tổn thương da và khiến tình trạng hăm tã nặng hơn. 

  • Nếu thời tiết tốt, ít ẩm ướt, hãy bỏ tã, để da bé có cơ hội tiếp xúc với không khí sẽ khiến bé nhanh khỏi hăm hơn. 

Chỉ cần giữ cho vùng bị hăm tã được KHÔ, THOÁNG và SẠCH SẼ là cách tốt nhất để giúp bé khỏi hăm nhanh chóng. Nếu không thấy có dấu hiệu giảm hăm tã mà tình trạng ngày càng nặng, hãy đưa bé đi khám bác sĩ nhé. 

Thuốc mỡ hoặc kem trị hăm là cách tốt để chữa trị và phòng ngừa hăm tã cho bé (Ảnh: Internet)

4Khi nào nên đưa bé bị hăm tã đi khám bác sĩ?

Nếu thấy bé có những biểu hiện nhiễm trùng dưới đây, ba mẹ nên đưa bé đi khám ngay:

  • Mụn nước xuất hiện

  • Có mụn nhọt chứa mủ.

  • Có dấu hiệu lở loét.

Hăm tã khi mới phát là hiện tượng đơn giản và dễ xử lý, không gây ảnh hưởng nhiều đến bé. Nhưng nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng hăm tã nặng hơn sẽ rất khó chữa và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé. Ba mẹ chú ý nhé!

Theo Bibabo.vn