Tài khoản

Trẻ bị sốt có được tắm, nằm máy lạnh, quạt không, cách hạ sốt

1. Trẻ bị sốt cao có nên tắm không?

Theo các bác sỹ chuyên khoa nhi, trẻ càng sốt cao càng cần phải tắm. Tuy nhiên phải biết tắm cho trẻ đúng cách. Tắm cho bé cũng góp phần làm bé hạ sốt. Ngoài việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt cách 4-6 giờ, bố mẹ còn có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách tắm an toàn, đúng kỹ thuật.

1.1. Cách tắm cho trẻ bị sốt đúng chuẩn

  • Khi bé sốt, bạn hãy cặp nhiệt độ cho trẻ, sau đó đóng hết các cửa phòng cho kín gió và pha nước tắm vào chậu.
  • Nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ 2 độ và cần phải duy trì nhiệt độ này trong suốt thời gian tắm. Ví dụ nhiệt độ khi bé sốt là 39 độ thì bạn hãy pha nước ở mức 37 độ.
  • Bạn có thể tắm từ đầu trở xuống và tắm trong khoảng 5 phút. Sau rồi hãy lau thật khô người bé và mặc quần áo thông thoáng.
  • Nếu không đảm bảo có thể tắm đúng kỹ thuật nêu trên, thì tốt nhất bạn không nên tắm cho trẻ khi sốt, mà chỉ cần lau người và các khu vực: nách, cổ, bẹn, lưng để hạ sốt cho trẻ.

1.2. Những trường hợp không nên tắm cho trẻ?

  • Khi bé vừa tiêm phòng xong hoặc cơ thể bị tổn thương, chốc lở: Lúc này, tốt nhất không nên tắm cho trẻ vì khi đó da đang bị tổn thương, tắm cho trẻ rất dễ gây nhiễm trùng tại vết thương đó.
  • Khi bé đang bị cảm lạnh, nôn nhiều, tiêu chảy: Khi trẻ bị các triệu chứng trên, tốt nhất không nên tắm cho trẻ mà chỉ cần lau người.
  • Khi trẻ ăn no xong: Lúc này những mạch máu dưới da bị giãn nở khiến lưu lượng máu dồn đến đây nhiều trong khi đó lượng máu ở phần bụng tương đối ít, từ đó ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa của bé. Ngoài ra, nếu vừa ăn no xong tắm, trẻ sẽ rất dễ bị nôn, trớ.

2. Trẻ bị sốt có được nằm điều hòa hay không?

Theo các bác sĩ nhi, trẻ bị sốt vẫn có thể nằm máy lạnh bình thường, khi trẻ đang bị sốt thì thời tiết mát và dễ chịu sẽ làm bé thoải mái hơn, nhưng phải để nhiệt độ ở mức vừa phải, không quá lạnh, và không để điều hòa chiếu thằng vào người, nhiệt độ tốt nhất cho bé là từ 27-28 độ. Sau đây mời các bạn tham khảo cách cho bé nằm máy lạnh đúng cách nhất:

2.1. Nhiệt độ điều hòa thích hợp

Thân nhiệt của trẻ em không giống người lớn, chính vì vậy nhiệt độ phòng phù hợp cho người lớn chưa chắc đã khiến trẻ cảm thấy thoải mái. Trung tâm điều nhiệt của trẻ chưa hoàn thiện, hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm chưa hoàn thiện, nhất là trẻ dưới 3 tuổi, vì vậy, nhiệt độ ngoài trời chỉ cần hơi tăng lên trẻ em đã bị nóng, do cơ thể không điều tiết được và dễ dẫn đến rôm sảy. Vậy nhưng nếu để lạnh quá cũng rất dễ khiến con bị ho, cảm. Thông thường trong các phòng nuôi dưỡng sơ sinh ở bệnh viện luôn có mức nhiệt độ từ 27-29 độ C.

Một mẹo nhỏ nữa cho mẹ, khi trẻ nằm điều hòa, nên để mức nhiệt độ theo quy tắc: Khi người lớn đi vào phòng trẻ sơ sinh phải thấy hơi nóng và toát mồ hôi thì là vừa, nếu người lớn cảm thấy mát thì trẻ sơ sinh sẽ lạnh.

2.2. Không bật điều hòa 24/24

Bật điều hòa cả ngày sẽ khiến không khí tù đọng, không tốt cho sức khỏe và hệ hô hấp của trẻ. Mỗi ngày, ít nhất mẹ phải 2 lần tắt điều hòa, mở hết các cửa, dùng quạt đuổi hết không khí tù đọng ra ngoài, đồng thời kết hợp đón ánh nắng vào phòng càng nhiều càng tốt.

2.3. Qui tắc 3 phút

Sự chênh lệch, thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa trong và ngoài phòng điều hòa có thể nhanh chóng “hạ gục” sức đề kháng của trẻ, khiến trẻ dễ bị sốt, cảm cúm, ho. Mẹ nên nhớ mỗi khi muốn cho con từ phòng điều hòa ra ngoài thì hãy mở cửa trước đó 3 phút, cho con đứng chơi gần đó để quen với luồng không khí nóng bên ngoài.

Mặt khác, khi bé ở ngoài về, ra nhiều mồ hôi, mẹ cũng nên lau mồ hôi cho con và để con ngồi nghỉ ít nhất 3 phút ở nhiệt độ phòng bình thường, tránh cho bé vào ngay phòng điều hòa gió lạnh, nhiệt độ thấp đột ngột.

2.4. Không để điều hòa thốc thẳng vào khu vực ngủ của bé

Hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn rất nhạy cảm. Nếu quạt gió của điều hòa thổi thẳng vào mặt, vào đầu thì với những bé có cơ địa yếu sẽ rất dễ mắc những bệnh về đường hô hấp như dị ứng đường hô hấp, viêm mũi, viêm phế quản, viêm phổi, đau họng. Những triệu chứng phổ biến của bé là ho, sốt, ngạt mũi… có thể xuất hiện sau khi nằm điều hòa trong thời gian lâu.

2.5. Giữ vệ sinh sạch sẽ và tạo độ ẩm cho phòng

Phòng bật điều hòa cần được thường xuyên lau dọn, nếu không những loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú sẽ trở thanh nguồn gốc phát sinh bệnh cho em bé. Ngoài ra khi sử dụng điều hòa lâu thường sẽ làm khô không khí. Nếu không có điều kiện mua máy phun sương hay máy hơi nước tạo độ ẩm, mẹ có thể đặt một chậu nước trong phòng.

2.6. Chăm sóc trẻ khi dùng điều hòa

  • Nên nhỏ mũi thường xuyên cho bé bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi.
  • Cho bé ăn những loại thức ăn, đồ uống giải nhiệt như nước cam nước chanh, nước cam…
  • Khi trẻ ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn cho trẻ những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.
  • Nên bật quạt thông gió khi sử dụng điều hòa.
  • Nên tránh hướng điều hoà thổi thẳng vào mặt, đầu trẻ vì như vậy, trẻ dễ bị ngạt mũi, khó thở và mắc các bệnh về hô hấp, viêm họng.

3. Trẻ bị sốt có nên nằm quạt không?

Bác sĩ cho tôi hỏi, trẻ em bị sốt nóng bật quạt để hạ sốt có được không. Tôi làm cách nào để hạ sốt cho trẻ là tốt nhất?

Trả lời của bác sĩ nhi khoa:

Chào bạn ! Khi trẻ bị sốt nóng, bạn có thể bật quạt với tốc độ vừa phải cho bé để hạ sốt vì khi bật quạt sẽ làm tăng tốc độ bay hơi mồ hôi trên da, do đó làm phản ứng thải nhiệt qua con đường bay hơi mồ hôi được tốt hơn. Vì vậy, quạt gió có tác dụng hỗ trợ làm hạ nhiệt cơ thể khi bé bị sốt. Lưu ý không để quạt gió thẳng vào vùng mũi họng của trẻ vì có thể làm khô niêm mạc mũi, niêm mạc họng và dễ gây viêm nhiễm vùng mũi, họng.

Các biện pháp hạ sốt theo phương pháp vật lý khác thường được sử dụng khi trẻ có sốt như: cởi bớt quần áo, mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Sử dụng khăn trườm mát vùng chán, khăn làm mát tại các vị trí có động mạch lớn của cơ thể đi qua như hai bên cổ, hai hố nách, vị trí mặt trong đùi và vùng bẹn hai bên.

Ngoài ra khi trẻ sốt, có thể tắm nhanh cho trẻ trong một chạu nước mà nhiệt độ của nước tắm thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 độ C, khi tắm như vậy cũng giúp trẻ hạ sốt, trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Khi trẻ có sốt cao trên 39 độ C, các biện pháp hạ nhiệt vật lý không có hiệu quả thì cho bé sử dụng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, liều dùng 10mg/kg cân nặng và có thể lặp lại mỗi 4 đến 6 giờ nhưng tổng liều không quá 60 mg/kg/24 giờ, không nên dùng thuốc hạ sốt kéo dài.

4. Cách hạ nhiệt khi trẻ bị sốt cao

Khi trẻ sốt, cần bình tĩnh thực hiện các bước sau:

4.1. Lau mát

Dùng khăn mềm nhúng vào nước hơi ấm, vắt không quá khô, lau nhẹ khắp người trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán. Tránh dùng nước lạnh, tuyệt đối không dùng nước có pha rượu, cồn.

4.2. Uống thuốc

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi thân nhiệt trên 38,5 độ C. Dùng thuốc hạ sốt đúng loại, đúng lúc, đúng liều lượng theo độ tuổi và cân nặng. Có thể chọn thuốc gói hạ sốt có hương cam, dâu, vị ngọt dễ uống, tránh nôn. Hiệu quả hạ sốt thường phát huy sau 30 phút và kéo dài 4-6 giờ. Khi dùng cho trẻ em, phải tính toán liều lượng và cân nặng trẻ.

4.3. Bù nước

Khi sốt, cơ thể trẻ mất nước, muối, năng lượng và các vitamin tan trong nước do đổ mồ hôi. Nên bù lại bằng cách cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây giàu vitamin C và nhóm B.

4.4. Ăn uống

Với trẻ nhỏ còn bú mẹ, cần cho bú nhiều lần và thời gian mỗi lần lâu hơn bình thường. Nếu trẻ không tự bú được, cần vắt sữa vào cốc rồi dùng thìa bón. Trẻ lớn hơn nên tăng thêm số bữa trong ngày với các loại thức ăn mềm, đa dạng, dễ tiêu hóa.

Lưu ý: Tuyệt đối không áp dụng các cách hạ sốt truyền miệng như lau mát bằng rượu, cồn, nặn chanh; ủ kín; cạo gió, cắt lể để nặn máu độc…