Tài khoản

Trẻ khóc dạ đề có phải đang thiếu chất gì không?

Mai Chi 4 năm trước

Khóc dạ đề là hiện tượng quấy khóc nhiều giờ ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện vào các buổi chiều, tối hoặc ban đêm.

Xem nhanh

  • Các mẹ cần phân biệt rõ “Thế nào là khóc dạ đề?”
  • Nguyên nhân của hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ
  • Biện pháp hạn chế trẻ khóc dạ đề

Người viết bài này cũng là mẹ bỉm sữa, hiểu được tiếng khóc dạ đề của con khiến mẹ lo lắng, mệt mỏi như thế nào. Và dưới đây là những kiến thức về khóc dạ đề mà các mẹ cần bổ sung vào “túi khôn” của mình nhé.

1Các mẹ cần phân biệt rõ “Thế nào là khóc dạ đề?”

Như con mình, trước khi khóc đêm kéo dài, bé thường trăn trở khó chịu. Con ngủ không yên, mẹ nào được chợp mắt. Khi con khóc, nhiều hôm, mẹ cũng rơi nước mắt theo. Vì thương con. Vì còn những lo lắng không dứt ra được.

Đứa trẻ khóc dạ đề thương khóc về đêm. Khi khóc, trẻ hay ưỡn người, trán vã nhiều mồ hôi, da trẻ thường nhợt nhạt, người uể oải, mệt mỏi. Tiếp đến là các biểu hiện như: Trẻ hay buồn ngủ, miệng và hơi thở lạnh, chán ăn…Các mẹ xem kĩ lưỡi của trẻ, thấy rêu lưỡi trắng mỏng.

Các dấu hiệu nhận biết trẻ khóc dạ đề:

  • Khóc kéo dài nhiều hơn ba giờ/ ngày.
  • Khóc ba ngày hoặc nhiều hơn/tuần.
  • Khóc hơn ba tuần/tháng.

Khóc dạ đề là tình trạng thường thấy ở trẻ dưới 6 tháng tuổi (Ảnh: Internet)

2Nguyên nhân của hiện tượng khóc dạ đề ở trẻ

Hiện tượng khóc dạ đề thường xảy ra ở những trẻ dưới 6 tháng tuổi do tăng nhu động ruột. Bình thường nhu động ruột điều hòa không gây đau. Nhưng đột nhiên vì một lý do nào mà gây nên nhu động ruột tăng lên không đều, dẫn tới đau bụng dữ dội làm cho trẻ khóc, hết cơn thì ngừng.

Khóc dạ đề thường do hằng ngày trẻ nhỏ không được chăm sóc đầy đủ như: ăn ngủ không có giờ giấc nhất định, ban ngày hay trước lúc đi ngủ đùa nghịch quá độ làm cho thần kinh căng thẳng, kích thích quá mạnh.

Trẻ bị còi xương suy dinh dưỡng cũng hay khóc dạ đề. Trẻ khóc dạ đề có khả năng thích ứng còn yếu, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ.

Tuy nhiên, các mẹ cũng nên phân biệt khóc dạ đề với những li do khác làm trẻ khóc như: Trẻ mọc răng gây nên sốt và ngứa; Tã hoặc quần áo mặc cho bé quá chật làm cho bé khó chịu; Trẻ bị đói hoặc khát…

Theo Đông Y, khóc dạ đề chủ yếu do “thần khí” còn chưa phát triển đầy đủ, khả năng thích ứng còn yếu, dễ bị các kích thích bên ngoài làm cho khiếp sợ. Một số nguyên nhân khác là tâm nhiệt (tạng tâm bị nhiệt), tỳ vị hư hàn (bụng lạnh, chức năng tiêu hóa yếu…)

Có một số trường hợp trẻ khóc dạ đề do trẻ không dung nạp thức ăn, thiếu hụt men tiêu hoá trong đường ruột, gây đau bụng từng cơn nhẹ. Do đó, việc trẻ khóc dạ đề có thể do thiếu một số dưỡng chất cho sự phát triển của cơ thể là nguyên nhân mà các mẹ không nên bỏ qua.

3Biện pháp hạn chế trẻ khóc dạ đề

Theo y học hiện đại: Không có một phương pháp nhất định nào để làm dịu cơn khóc dạ đề. Điều quan trọng nhất là khi dỗ bé các mẹ luôn giữ bình tĩnh và thoải mái. Nên giữ trong phòng thoáng đãng và yên tĩnh để trẻ được nghỉ ngơi. Áp dụng 1 số cách sau:

  • Sử dụng bình sữa mà giữ cho trẻ không nuốt không khí quá nhiều
  • Cho trẻ ngồi khi bú
  • Ẵm trẻ trên tay, địu trẻ hoặc mang trẻ ở phía trước
  • Cho trẻ vào xe đẩy
  • Cho trẻ tắm nước ấm
  • Đặt trẻ vào trong nôi đung đưa
  • Bọc khăn giữ ấm cho trẻ
  • Massage bụng cho trẻ

Khoảng từ 6 tháng tuổi trở đi, cơ thể bé phát triển hoàn thiện dần, tình trạng khóc dạ đề, khóc đêm cũng bớt dần. Con sẽ ngủ ngon và yên giấc hơn, mẹ không cần quá lo lắng cho con nhé. 

Theo Bibabo.vn