Tài khoản

Vì sao mẹ gặp chứng táo bón sau sinh?

ℳẸ BẮP☘ XOÀI 5 năm trước

VÌ SAO MẸ GẶP CHỨNG TÁO BÓN SAU SINH?


Thông thường, nếu mẹ chuyển dạ trong một thời gian dài mà không ăn gì, hay khi mẹ đi tiêu hoặc bị rửa ruột trong quá trình chuyển dạ, mẹ sẽ cần đợi 1 đến 2 ngày để việc đi ngoài trở lại bình thường, bởi đơn giản trong ruột mẹ hiện không có gì cả. Và nếu mẹ sinh mổ, có thể mất ba hoặc bốn ngày để ruột mẹ bắt đầu hoạt động lại như thường ngày.


Nhưng nếu việc đi ngoài vẫn diễn ra khó khăn và kéo dài sau thời gian này, mẹ có thể đã mắc phải chứng táo bón sau sinh. Đây là một dạng táo bón chức năng, nguyên nhân thường liên quan đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ, hoặc do mẹ gặp phải các vấn đề trong quá trình sinh nở, cụ thể như sau:

Các chất gây mê (như morphine, Vicodin, hoặc Percocet) dùng cho mẹ khi chuyển dạ hoặc giúp mẹ giảm đau sau sinh có thể làm chậm hệ thống tiêu hóa của mẹ.


Đau đáy chậu vì trĩ, hoặc do vết cắt tầng sinh môn. Mẹ sợ đau hoặc sợ bục vết khâu tầng sinh môn, do đó không dám đi ngoài khiến phân bị giữ lại.


Mẹ nạp quá nhiều các chất vitamin, sắt, canxi… sẽ làm cơ thể thiếu chất xơ hay bị nóng, dẫn tới gây táo bón sau sinh.


Sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể mẹ. Khi sinh nở, mẹ mất nhiều huyết cũng như sản dịch khiến cơ thể hư hao, máu chưa kịp xuống nuôi đại tràng, khí huyết lại bị hư tổn nặng nề.


Mẹ cho con bú nhưng không uống đủ nước, bởi mẹ quan niệm sai lầm rằng nước làm loãng sữa, con bú sẽ bị thiếu chất.


Sau sinh mẹ không tập vận động, đi lại nhẹ nhàng nên hoạt động của ruột bị giảm sút, khiến phân di chuyển và gây táo bón.


Táo bón sau sinh thường không nghiêm trọng, nhưng đôi khi đây lại là triệu chứng của một vấn đề khác. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu mẹ phát hiện trong khối thải có chất nhầy và máu, hay mẹ bị táo bón kèm các triệu chứng đau bụng hoặc luân phiên với tiêu chảy. Bên cạnh đó, tham khảo ngay hướng điều trị và cách phòng ngừa mà CYCM gợi ý để chứng táo bón sau sinh không còn là nỗi lo của mẹ nữa nhé:


Hãy giải quyết ngay khi có nhu cầu, chờ đợi hoặc nhịn đi càng làm cho phân khô và khó di chuyển hơn.


Chú ý tư thế đi vệ sinh: tư thế tốt nhất là ngồi xổm bởi trực tràng lúc này là đường thẳng, tạo điều kiện để đẩy khối chất thải ra ngoài dễ dàng hơn. Nếu ngồi bệ bệt, mẹ có thể để một chiếc ghế cao khoảng 20cm dưới chân để tạo tư thế ngồi xổm.


Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều chất xơ: mẹ nên dùng ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, đậu cũng như rau và trái cây tươi mỗi ngày.


Uống nhiều nước: Một ly nước ép trái cây hàng ngày, đặc biệt là nước ép mận sẽ rất tốt cho đại tràng. Bên cạnh đó, uống nước ấm ngay sau khi thức dậy sẽ giúp ruột tiêu hóa tốt hơn.


Tích cực vận động cơ thể: tập di chuyển, vận động nhẹ nhàng để ruột mau chóng hoạt động tốt trở lại.


Nên hạn chế dùng thuốc: bởi trong 24 giờ có khoảng 1% lượng thuốc được thải qua sữa mẹ, cá biệt một vài loại thuốc có thể thải đến 5%, do đó có thể gây ảnh hưởng cho bé. Tuy nhiên, nếu trường hợp của mẹ vẫn không thuyên giảm, mẹ có thể đi khám và nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ để cân nhắc việc sử dụng thuốc.


Quan trọng nhất vẫn là tinh thần lạc quan đẩy lùi bệnh tật. Mẹ được thoải mái, vui vẻ, suy nghĩ tích cực thì cơ thể mới nhanh hồi phục và khoẻ mạnh, các mẹ có đồng ý không nào?


Nguồn tham khảo: BABY CENTER.

(https://www.babycenter.com/0_postpartum-constipation_11707.bc)

Theo Bibabo.vn

Từ khóa: