Tài khoản

Xử lý sơ cứu đúng cách khi trẻ bị bỏng (Phần 1)

Nguyen thi Linh 4 năm trước

Bước sang tuổi thứ 2 khi con đã chạy nhảy được, đôi khi còn "vượt rào" ngoài tầm kiểm soát của ba mẹ thì chị em mình rất cần để ý đến chuyện con bị BỎNG. Có rất nhiều loại bị bỏng, từ bỏng nước, bỏng nhiệt, bỏng bô xe máy, bỏng do nắng, bỏng do điện giật, bỏng hóa chất,... sơ sẩy một tí là con bị tổn thương ngay... Haizzz. Quay lại chuyện mình muốn chia sẻ chính, đó là khi con bị bỏng thì mình nên xử lý như thế nào để giảm tối đa tổn thương cho con. Có rất nhiều loại bỏng, mình sẽ chia theo nhiều bài, mỗi bài là một loại bỏng để các mẹ dễ theo dõi và không bị dài. Các mẹ lưu lại và cùng theo dõi chủ đề này của mình nhé. Thông tin có tham khảo tại trang web benhvienhi.org (Website của Bệnh viện Nhi đồng 2) để đưa đến cách xử trí chính xác nhất cho các mẹ. 

I. BỎNG NƯỚC SÔI, BỎNG LỬA

Đây là hai loại bỏng mình cảm thấy dễ xảy ra nhất, đặc biệt là bỏng nước sôi. Khi con bị bỏng do nguyên nhân này, chúng ta nên thực hiện: 

  • Mở vòi nước mát cho chảy CHẬM trên da của con khoảng 15 - 20 phút. Không chảy nhanh vì có thể gây tổn thương nặng hơn đến vùng da đang bị tổn thương. Nước mát sẽ giúp giảm nhiệt vùng da, giảm đau, giảm phù nề, giảm độ sâu của vết bỏng. Không nên dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho con. Chỉ dùng nước mát. 

  • Nếu vùng bỏng có vật cứng như quần áo, giày, dép, vòng thì nhẹ nhàng tháo bỏ ra. 

  • Che phủ vùng bị bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc thì thay bằng vải sạch. Nhưng gạc vô khuẩn mình nghĩ gia đình nào cũng nên có, vì những tổn thương trong sinh hoạt hàng ngày là rất hay gặp phải, cần đến gạc này chứ không chỉ bị bỏng. Việc che phủ sẽ giúp da con đỡ bị vi khuẩn xâm nhập, bụi bẩn bám vào, tránh bị tổn thương nặng hơn. 

  • Đưa con tới bệnh viện. Vết bỏng nhẹ cũng cần đưa tới viện để được tư vấn, đừng chủ quan mẹ nhé.

Các bác sĩ lưu ý trường hợp con bị bỏng, quần áo cũng bắt lửa, Nếu quần áo bắt lửa mà con chưa bị ảnh hưởng thì nhanh chóng dội nước hoặc lấy chăn (không phải bằng nilon) để quấn con lại cho dập lửa. Chăn bằng nilon không dập được lửa mà chỉ khiến lửa lan mạnh mẽ hơn. Trường hợp quần áo con bắt lửa mà con đã bị tổn thương, không cởi quần áo con ra thì sẽ khiến vùng da càng tổn thương nhiều hơn. Thay vào đó, nhanh chóng dập lửa cho con cũng bằng nước hoặc chăn không bắt lửa. Sau đó thì tiến hành sơ cứu như trên.

Ba mẹ xử lý nhanh bao nhiêu thì khả năng con càng đỡ bị tổn thương bấy nhiêu. Sơ cứu đã rồi hãy nghĩ đến chuyện đưa con đi viện ba mẹ nhé.

Theo Bibabo.vn