Tài khoản

Cho con ăn dặm: Mẹ chọn tích cực hay tiêu cực?

Phần đông các bậc phụ huynh đều quan niệm rằng ăn dặm truyền thống là phương pháp lỗi thời có "hại nhiều hơn lợi". Tuy nhiên, dường như chúng ta đang "đổ oan" cho ăn dặm truyền thống, bởi vì nếu như cha mẹ cho con ăn kiểu Việt Nam, nhưng có cách cho ăn với thái độ tích cực thì bé vẫn có thể yêu thích ăn uống và có kỹ năng xử lý thức ăn tốt. 

Trong khi đó, dù ta cho bé ăn kiểu Nhật, kiểu Tây, những phương pháp được cho là tiên tiến hơn, nhưng với một tâm thế tiêu cực thì kết quả vẫn có thể chỉ là những em bé sợ ăn và không biết nhai, nuốt thức ăn.

Dưới đây là sự khác nhau giữa quan niệm ăn dặm tích cực và tiêu cực: 

1. Người quyết định 

- Ăn dặm tích cực: Dù tự ăn hay được đút thì vẫn là người quyết định khi nào ăn, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào. 

- Ăn dặm tiêu cực: Người cho ăn quyết định khi nào bé ăn, ăn bao nhiêu, ăn như thế nào và không quan tâm tới nhu cầu của bé.  

2. Tư tưởng

- Ăn dặm tích cực

  • Tạo cho bé sự hứng thú với thức ăn và giờ ăn.
  • Tập trung vào quá trình trải nghiệm của bé khi ăn.
  • Chú trọng phát triển các kỹ năng xử lý thức ăn của bé.
  • Có kỳ vọng hợp lý với quá trình ăn dặm của bé, lường trước các giai đoạn thăng trầm.
  • Xây dựng thói quen và tác phong ăn uống lành mạnh, lịch sự 

- Ăn dặm tiêu cực

  • Không quan tâm đến kỹ năng hay trải nghiệm, chỉ cần bé ăn nhiều.
  • Có kỳ vọng quá cao: Nếu bé ăn tốt thì muốn bé ăn nhiều hơn, nếu bé ăn ít thì ép ăn, cho ăn liên tục để "nhồi được tí nào hay tí ấy" và nghĩ rằng bé không cần tập cũng có thể biết hết các kỹ năng xử lý thức ăn.
  • Muốn bé phải luôn ăn tốt, kể cả khi ốm, biếng ăn sinh lý...
  • Muốn bé càng to béo càng tốt và luôn lo bé bị thiếu chất.
  • Ban đầu có thể có tư tưởng tích cực, nhưng sau đó mất kiên nhẫn và bỏ cuộc.

3. Cách thực hiện
- Ăn dặm tích cực

  • Tôn trọng nhu cầu của bé: Cho bé ăn khi bé đói, ngừng lại khi bé no. 
  • Chế biến món ăn phù hợp với kỹ năng của bé. 
  • Tìm hiểu đúng nguyên nhân, tìm cách chế biến món ăn hấp dẫn để cải thiện khi bé bỗng nhiên biếng, chán ăn. 
  • Áp dụng kỷ luật bàn ăn một cách nhất quán khi cần thiết. 

- Ăn dặm tiêu cực

  • Cho ăn kiểu nhồi nhét. Tìm mọi cách (tiêu cực) để ép, dụ bé ăn như dùng xi lanh, ăn rong, xem tivi, dọa dẫm... Quát, mắng, đánh con khi bé nôn, trớ. 
  • Cho ăn lệch. 
  • Dành hàng tiếng để cho con ăn, số bữa ăn liên tục. 
  • Chế biến món ăn với mục đích cho con ăn thật nhanh và nhiều (như xay nhuyễn, trộn lẫn).

4. Kết quả 

- Ăn dặm tích cực

  • Bé luôn vui vẻ, ham khám phá, yêu thích và quý trọng thức ăn, mong chờ đến giờ ăn.
  • Bé có cơ hội trải nghiệm khi ăn.
  • Bé biết tự xúc ăn, nhai nuốt thành thạo.
  • Bữa ăn gia đình luôn tràn ngập niềm vui.
  • Gia đình dễ dàng, thoải mái khi đi chơi, đi du lịch.

- Ăn dặm tiêu cực

  • Be sợ đến giờ ăn, mất cảm nhận với món ăn.
  • Bé ăn thụ động, mất cảm giác no - đói.
  • Bé có nguy cơ bị rối loạn ăn uống như biếng ăn tâm lý hay béo phì, các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa.
  • Bé có kỹ năng xử lý thức ăn kém: Không biết nhai, không biết xử lý các loại thức ăn dai hoặc cứng, thường nhè ra, ăn lâu, ngậm thức ăn. 
  • Bé không biết tự xúc ăn hoặc biết muộn.
  • Bé có nguy cơ bị hóc, sặc cao.
  • Bữa cơm chan nước mắt, gia đình lục đục chỉ vì cho bé ăn.
  • Bố mẹ phải mang vác lỉnh kỉnh khi cho con đi chơi, đi nhà hàng, đi du lịch.

Chắc hẳn, sau phần so sánh này mẹ đã có thể quyết định được nên làm gì để giúp cho quãng thời gian tập ăn dặm của bé sẽ luôn tràn ngập niềm vui và hứng khởi.

Bibabo chúc mẹ và bé sẽ luôn có những giờ phút ăn dặm thật vui vẻ, thoải mái!

06/2017.  Có 5 thích.  
  Thích
  Facebook