Tài khoản

Giải đáp tất tần tất các thắc mắc của mẹ khi cho bé ăn dặm truyền thống (Phần 1)

Chắc hẳn khi mới cho bé ăn dặm, mẹ sẽ gặp phải rất nhiều băn khoăn và bỡ ngỡ. Nhưng mẹ đừng lo, nhiều bà mẹ cũng gặp phải các khó khăn như mẹ. Bibabo xin tập hợp những câu hỏi thường gặp khi mẹ cho bé ăn dặm truyền thống và trả lời giải đáp cho các mẹ để giúp mẹ có thể hiểu và thực hành ăn dặm truyền thống suôn sẻ hơn nhé:

Hỏi: Bé nhà mình ăn dặm lúc 5 tháng, giờ được 8 tháng rồi. Mình đã cho bé ăn cháo nguyên hạt và không loãng nữa thì có sớm quá không nhỉ? 

Trả lời: Dù mẹ cho bé ăn dặm truyền thống nhưng bé vẫn cần được học cách nhai, nuốt và xử lý thức ăn phù hợp với độ tuổi, nếu không, càng lớn mẹ sẽ càng khó tập cho bé ăn thô. Để làm được điều này, mẹ phải điều chỉnh dần độ thô và độ đặc của thức ăn dành cho bé. Bé 8 tháng tuổi đã có thể ăn được cháo nguyên hạt và sánh, mẹ quan sát biểu hiện của con, nếu bé nuốt tốt, có thể hơi ọe một chút nhưng sau khi ọe xong không thấy khó chịu, không nôn trớ ra quá nhiều sữa, bé có cử động nhai thay vì nuốt chửng, thì tức là đây là thời điểm phù hợp để mẹ tăng độ thô cho thức ăn của bé. 

Hỏi: Bón thìa cho bé ăn dặm thì nên chọn thìa nhựa/ silicon/ inox ạ?

Trả lời: Theo nguyên tắc thì mẹ có thể chọn tất cả các loại thìa kể trên để cho bé ăn. Mẹ chỉ cần lưu ý một số điều cần nhớ sau:
- Thìa an toàn, đặc biệt là thìa nhựa thì nên sử dụng các loại thìa không có BPA
- Thìa đầu tròn, nhỏ, an toàn cho bé.
Hiện nay, trong số 3 loại thìa trên thì thìa silicon là thìa được các mẹ sử dụng nhiều nhất vì thìa này an toàn, và mềm, màu sắc cũng tươi tắn, kích thích hứng thú của bé. 

Hỏi: Bé mấy tháng thì ăn được sữa chua vậy ạ. Với cho em tham khảo loại sữa chua cho bé với ạ.

Trả lời: Mẹ có thể cho bé ăn sữa chua làm từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (không đường) từ 6 tháng tuổi. Với liều lượng tối đa 50g/ngày, 2 ngày ăn một lần. Mẹ cần áp đụng đúng nguyên tắc thử 3 ngày và ăn từ ít đến nhiều khi cho bé ăn sữa chua.
Với các loại sữa chua công nghiệp làm từ sữa tươi thì mẹ nên cho bé ăn sữa chua không đường và có thể cho bé ăn khi bé được 8 tháng tuổi trở lên. Liều lượng cũng là 50g/ngày, 2 ngày ăn một lần, không nên cho bé ăn sữa chua có đường, có nhiều hương liệu, chất phụ gia. 

Hỏi: Bé nhà e 6 tháng 12 ngày và ăn dặm được 10 ngày rồi. Thấy trên mạng ghi là mỗi lần chỉ ăn rất ít, 15ml, nhưng e đút thì bé rất thích ăn , dẹp thì khóc đòi. Cho em hỏi là bao lâu mình mới tăng lượng cháo lên được?

Trả lời: Khi cho bé ăn dặm, các hướng dẫn trên mạng về liều lượng ăn chỉ là tương đối, mẹ cần nhìn vào nhu cầu và khả năng của bé để cho bé ăn với liều lượng và cách thức phù hợp. Nếu mẹ thấy bé ăn 15ml cháo mà vẫn còn thòm thèm, thì mỗi ngày mẹ có thể tăng lên thêm 5ml nữa, và khi bé có dấu hiệu no, không muốn ăn tiếp thì mẹ ngừng lại luôn, và lấy mức ăn khi bé no đó làm chuẩn. Sau này, nếu bé lại có dấu hiệu muốn ăn nhiều hơn thì mẹ lại tăng lượng từ từ cho bé ăn. Song song với việc cho bé ăn đủ lượng theo nhu cầu của bé, mẹ cũng hãy nhớ rằng việc tăng độ thô cũng rất quan trọng đấy nhé. 

Hỏi: 1. Lúc đầu cho ăn dặm thường thì không cho gia vị. Vậy khi nấu thêm rau, củ quả, thịt em thấy ngang lắm, khó ăn nữa. Vậy có nên cho gì vào cho dễ ăn hơn không? 

2. Khi nào thì nên cho ăn váng sữa, sữa chua?

3. Khi nào có thể cho ăn mặn?
Trả lời: 
1. Mẹ cần nhớ rằng mẹ nấu món ăn cho bé chứ không phải cho mẹ ăn, và vị giác của bé thì gần như tờ giấc trắng, thực phẩm duy nhất bé đã từng thử qua là sữa mẹ và sữa công thức, là loại thực phẩm rất nhạt, có vị ngọt dịu tự nhiên. Do đó, khi nấu ăn cho bé, mẹ nêm nếm có thể thấy không vừa miệng nhưng không có nghĩa là bé cũng cảm thấy như vậy, bởi vì vị giác của người lớn vốn đã quen với các món ăn mặn, phải thêm gia vị, mắm, muối, nên khi ăn nhạt mới thấy khó ăn. Mẹ nên tận dụng vị ngọt tự nhiên của thực phẩm để cho bé ăn, đừng làm "hỏng" vị giác nguyên thủy của bé với những món ăn nhiều gia vị, mắm, muối, đường, sau này mẹ muốn bé ăn đa dạng và các thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe sẽ rất khó khăn. Mẹ cũng nên tham khảo tác hại khi cho bé ăn muối và đường sớm tại đây [dẫn link]. Mẹ càng được ăn nhạt lâu thì sẽ càng giảm các nguy cơ về sức khỏe do ăn muối và đường gây ra. 

2.  Mẹ có thể cho bé ăn sữa chua làm từ sữa mẹ hoặc sữa công thức (không đường) từ 6 tháng tuổi. Với liều lượng tối đa 50g/ngày, 2 ngày ăn một lần. Mẹ cần áp đụng đúng nguyên tắc thử 3 ngày và ăn từ ít đến nhiều khi cho bé ăn sữa chua.
Với các loại sữa chua công nghiệp làm từ sữa tươi thì mẹ nên cho bé ăn sữa chua không đường và có thể cho bé ăn khi bé được 8 tháng tuổi trở lên. Liều lượng cũng là 50g/ngày, 2 ngày ăn một lần, không nên cho bé ăn sữa chua có đường, có nhiều hương liệu, chất phụ gia. 

Với váng sữa thì trẻ dưới 1 tuổi hoàn toàn không nên ăn, trẻ trên một tuổi chỉ nên coi là một món tráng miệng, và ăn rất hạn chế. Váng sữa không có nhiều chất dinh dưỡng, chủ yếu là đường và hương liệu, khiến bé có cảm giác no giả, không ăn được các thực phẩm lành mạnh khác và không tốt cho sức khỏe của bé.
3. Theo khuyến cáo, trẻ nên ăn nhạt càng lâu càng tốt. Sau 1 tuổi, mẹ nên dựa vào hướng dẫn trong bài viết sau đây [dẫn link] để nêm nếm cho bé phù hợp. Mẹ cần nhớ rắng trong các thực phẩm tự nhiên đều có muối, và khi ăn chúng là đồng thời bé cũng nạp đủ lượng muối cần thiết cho nhu cầu cơ thể của bé rồi. 

Hỏi: Bắt đầu ăn dặm nên ăn trái cây hay cháo trắng ạ. Bé em 5 tháng ạ?
Trả lời:
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO thì mẹ nên cho bé ăn dặm khi bé tròn 6 tháng tuổi, tuy nhiên, nếu mẹ nhận thấy bé đã có dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm [xem tại đây] thì mẹ có thể cho bé ăn dặm sớm nhất là từ 5 tháng tuổi. Mẹ cho bé ăn trái cây hay cháo trắng trước đều được. Tuy nhiên, theo truyền thống của người Việt Nam chúng ta thì bé sẽ thường được ăn cháo trắng và bột gạo. 

07/2017.  Có 3 thích.   Đã có 1 phản hồi.
  Thích
  Facebook