Tài khoản

Gợi ý mẹ cách thiết kế bữa ăn dặm vừa đủ chất, vừa ngon miệng cho trẻ theo từng tháng tuổi

Sau giai đoạn bú sữa mẹ hoàn toàn, trẻ cần được ăn bổ sung để cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng cho cơ thể. Nhưng ăn bổ sung như thế nào cho cân đối, hợp lý để trẻ được phát triển tốt cũng là vấn đề các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm. Hãy cùng chuyên gia của Bibabo tìm hiểu cách thiết kế bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng theo từng tháng tuổi cho trẻ nhé.

Những nhóm dưỡng chất quan trọng cho cơ thể trẻ 


Cơ thể trẻ (và cả người lớn) cần 4 nhóm chất dinh dưỡng sau đây để duy trì sự sống, tăng cường phát triển và thực hiện mọi hoạt động hàng ngày: 

  • Nhóm chất bột đường (carbohydrate): Có trong các loại ngũ cốc (lúa gạo, lúa mì, yến mạch, ngô,...), các loại củ bột (khoai tây, khoai lang, sắn,...).
  • Nhóm chất đạm (protein): Có trong các loại đậu (đậu xanh, đậu đen,...), các loại hạt (hạt chia, hạt lanh,...), thịt, cá, hải sản, trứng, các chế phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai).
  • Nhóm chất béo (lipid): Có trong dầu ăn thực vật, mỡ động vật, các loại quả có dầu (ô liu, cọ, dừa,...).
  • Nhóm vitamin và khoáng chất: Có trong các loại rau, củ, quả.

Trong đó, nhóm chất bột đường, chất đạm và chất béo là các nhóm cung cấp năng lượng (Kilocalo/Kcal) cho cơ thể duy trì và hoạt động. Nhóm vitamin và khoáng chất tuy chỉ cung cấp rất ít năng lượng nhưng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho bé. 
Trong chế độ dinh dưỡng của bé, bé cần phải ăn đủ cả 4 nhóm chất như trên, tuy nhiên, chúng ta cần giới thiệu từ từ từng nhóm chất để bé làm quen dần và hệ tiêu hóa của bé không bị quá tải. 

Những điều cần lưu ý trong từng giai đoạn phát triển của trẻ

* Giai đoạn 6-8 tháng

Giai đoạn này, sữa vẫn là thức ăn quen thuộc với bé và hệ tiêu hóa của bé vẫn còn rất rất non nớt, do đó mẹ cần nhớ rằng chỉ nên giới thiệu cho bé những thức ăn lành tính, dễ tiêu hóa ở nhóm chất bột đường, vitamin và khoáng chất (rau củ), đạm thực vật (các loại bột đậu xay). Ngoài ra, mẹ cũng nên chế biến món ăn cùng sữa để hệ tiêu hóa của bé dễ tiếp nhận hơn.

- Một số điều mẹ cần biết về thức ăn của trẻ trong giai đoạn này:

  • Nhóm chất bột đường mẹ có thể cho bé ăn: Bột gạo, khoai tây, khoai lang, yến mạch loại dành cho trẻ mới ăn dặm, bột gạo xay cùng các loại bột đậu (đậu xanh, đậu đỏ,...), với ngô thì mẹ cần xay nhỏ, nấu chín và lọc qua rây rồi mới cho bé ăn. 

  • Mẹ chưa nên cho bé ăn các loại ngũ cốc nguyên cám vì bé vẫn chưa thể tiêu hóa được.

  • Với rau củ, mẹ nên cho bé ăn rau lá trước thay vì ăn các loại củ vì các loại củ thường ngọt hơn, nên nếu được ăn trước thì bé dễ quen với vị ngọt và "hắt hủi" các loại rau nhạt hơn. 

  • Với trái cây, mẹ nên tránh các loại có nguy cơ gây dị ứng như dâu tây, hoặc các loại quả quá chua.

  • Mẹ đừng lo bé bị thiếu chất đạm vì sữa mẹ/sữa công thức là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào cho bé, ngoài ra các loại đậu cũng là nguồn cung cấp chất đạm thực vật rất tốt cho sức khỏe của bé 

* Giai đoạn từ 8-12 tháng

Giai đoạn này, hệ tiêu hóa của bé đã và đang trưởng thành hơn, bé cũng đã làm quen với việc tiêu hóa các thức ăn thô ngoài sữa, mẹ có thể giới thiệu thêm nhóm đạm và nhóm chất béo vào bữa ăn hàng ngày của trẻ.

- Một số điều mẹ cần biết về thức ăn của trẻ trong giai đoạn này:

  • Nhóm chất đạm: Mẹ hãy tuân theo nguyên tắc món dễ tiêu hóa ít gây dị ứng ăn trước và món khó tiêu hóa dễ gây dị ứng ăn sau. Các thực phẩm cho ăn trước gồm có: Lòng đỏ trứng gà, thịt gà, cá thịt trắng, thịt lợn, thủy sản. Các thực phẩm cho ăn sau gồm có: Lòng trắng trứng (10 tháng), thịt bò, thịt gia cầm khác, hải sản. Các loại hạt, quả hạch nên để sau khi bé được 1 tuổi và có kỹ năng xử lý thức ăn tốt thì mới cho bé làm quen.

  • Nhóm chất béo: Mẹ có thể bổ sung các loại dầu thực vật nguyên chất vào trong món ăn của trẻ, và nên hạn chế lượng, chỉ bổ sung tối đa 2 thìa cà phê/ngày.

  • Các nhóm chất khácMẹ có thể làm phong phú thêm nguyên liệu chế biến đồ ăn dặm dựa vào kỹ năng xử lý thức ăn của bé và nguy cơ gây dị ứng của thực phẩm (ví dụ như chỉ cho bé ăn dâu tây sau khi bé được 11 tháng tuổi...).

Thiết kế bữa ăn cân bằng, lành mạnh cho bé 

Một bữa ăn lành mạnh của trẻ sẽ bao gồm 4 phần: Ngũ cốc (chất bột đường), chất đạm, rau củ, trái cây. Trong đó, trái cây và rau củ chiếm 50% khẩu phần ăn và ngũ cốc cùng chất đạm chiếm 50% còn lại. 

Việc cân đo đong đếm lượng ăn của bé có thể sẽ khá rắc rối, vì thế nên cha mẹ có thể dựa vào mô hình Bữa ăn lành mạnh (My Plate) dưới dây của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và Bộ Y tế và Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) để định lượng một ngày ăn cân bằng cho bé. 

Mô hình này sẽ theo trẻ từ khi trẻ mới ăn dặm cho đến lúc trẻ lớn, đã ăn có thể một bữa hoàn chỉnh. Ví dụ một ngày ăn của một em bé 6 tháng tuổi mới ăn dặm nên gồm 2-3 bữa trong đó có 1-2 bữa bột rau củ và 1 bữa là trái cây nghiền. 

Mẹ có thể tham khảo thực đơn mẫu của Bibabo để hiểu rõ hơn về cách thiết kế bữa ăn cho trẻ. Hiện nay Bibabo đã phát triển bộ thực đơn cho trẻ trong 6 tháng đầu ăn dặm, và thực đơn của Bibabo đều được xây dựng dựa theo nguyên lý Bữa ăn lành mạnh để đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng cho sự phát triển và khỏe mạnh của bé.
Mẹ có thể tham khảo thêm thực đơn cho bé tại phần Thực đơn mẫu trong mục Ăn dặm truyền thống của hội Ăn dặm thông thái trên Bibabo nhé!

06/2017.  Có 1 thích.  
  Thích
  Facebook