Tài khoản

Vì sao không nên nêm mắm muối cho trẻ mới ăn dặm?

Quan niệm để trẻ ăn ngon miệng thì cần phải nêm thêm muối, đường khá phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức y tế và các chuyên gia đều khuyến cáo không nêm muối, đường vào thức ăn cho trẻ dưới 1 tuổi. 

Các mẹ hãy cùng Bibabo tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhé:  

1. Vì sao không cần nêm muối vào thức ăn dặm cho trẻ? 
Vào giai đoạn khoảng 6 tháng tuổi khi trẻ bắt đầu ăn dặm, thận (bộ phận đóng vai trò là bộ lọc máu tự nhiên trong cơ thể) của trẻ vẫn chưa hoàn thiện đủ để xử lý hết lượng muối mà trẻ ăn. 

Vì 95% muối trong thức ăn được chuyển hóa bởi thận nên nếu trẻ nạp vào cơ thể quá nhiều muối sẽ gây gánh nặng cho bộ phần này. Nếu không kịp đào thải hết, lượng muối này sẽ là nguyên nhân làm giảm chức năng thận ở trẻ. Không chỉ thế, muối còn có thể đọng lại trong máu, gây nguy hại đến cơ thể và não bộ của trẻ.

Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) thì các bé dưới 12 tháng tuổi chỉ cần ít hơn 1g muối/ngày. Lượng muối này đã được cung cấp đủ qua SỮA (sữa mẹ/sữa công thức) và các thực phẩm tự nhiên (tất cả các thực phẩm đều chứa hàm lượng muối nhất định). 

Việc mẹ nêm thêm mắm, muối, hạt nêm, gia vị vào thức ăn cho bé dưới 1 tuổi là không cần thiết và có hại cho sức khỏe của bé. Ngay cả khi trẻ đã được 1 tuổi, bạn vẫn nên cố gắng duy trì cho bé ăn nhạt càng lâu càng tốt.

Nhiều trường hợp trẻ biếng ăn, cha mẹ lại nghĩ là vì đồ ăn quá nhạt nên nêm thêm gia vị cho trẻ, nhưng "nhạt" không phải nguyên nhân làm con biếng ăn. Vị giác của người lớn đã quen ăn muối, nhưng với trẻ nhỏ, vị giác của các con gần như “tờ giấy trắng" nên khó có khả năng trẻ "không chịu ăn vì nhạt". Chính người lớn tự áp đặt khẩu vị của mình cho trẻ và tạo thành thói quen ăn mặn cho con sau này. 

Hơn nữa, những bé đã quen ăn cháo, bột có muối sẽ không cảm nhận được vị ngon tự nhiên của thực phẩm, đặc biệt là rau, củ, quả, từ đó, con sẽ có xu hướng lười ăn các loại thực phẩm bổ dưỡng này.

2. Tác hại của việc cho trẻ ăn nhiều muối
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc trẻ ăn nhiều muối hơn nhu cầu cơ thể sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh sau: 
- Giảm chức năng hệ bài tiết
- Suy thận
- Loãng xương
- Các bệnh tim mạch
- Bệnh cao huyết áp
- Xuất huyết dạ dày hoặc ung thư dạ dày

3. Mẹ cần biết 

- Khi cho bé ăn dặm, nếu mẹ sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn (như bột ăn dặm), thì cần xem kỹ thành phần muối ghi trên nhãn hàng. 

- Các loại rau đông lạnh, phô mai, nước sốt, … đều có hàm lượng muối cao, vì vậy, mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn và nên hạn chế với trẻ trên 1 tuổi. 

- Các tên gọi khác của muối ghi trên phần nguyên liệu của nhãn hàng là: Sodium, Sodium chloride, Monosodium glutamate (MSG), brine, Sodium nitrite, Disodium EDTA…

- Thức ăn “không muối” không có nghĩa rằng chúng “không hương vị”. Mẹ có thể sử dụng các gia vị tự nhiên khác như tỏi, gừng, quế, hạt tiêu, hành... để kết hợp cùng hương vị vốn có của thực phẩm tạo nên món ăn thơm ngon, hấp dẫn cho bé… Nhưng mẹ nhớ quan sát phản ứng cơ thể con mỗi khi cho bé làm quen với một loại gia vị mới nhé.




06/2017.  Có 16 thích.   Đã có 1 phản hồi.
  Thích
  Facebook