Tài khoản

Những nguyên nhân khiến mẹ thất bại khi cho bé Ăn dặm kiểu Nhật

Số lượng các bà mẹ cho con Ăn dặm kiểu Nhật tại Việt Nam đang ngày càng tăng lên chóng mặt. Có rất nhiều mẹ kiên trì thực hiện đúng tinh thần và hướng dẫn nên đã gặt hái được quả ngọt: Bé ăn ngoan, tự xúc ăn và có kỷ luật bàn ăn tốt. 

Nhưng cũng có những mẹ đã thất bại "toàn tập" dù mẹ mới chỉ cho bé ăn được 1-2 tháng. Nguyên nhân thất bại của mẹ khi áp dụng ăn dặm kiểu Nhật là ở đâu? Mẹ hãy cùng Bibabo tìm hiểu nhé: 


1. Mẹ không cho bé ngồi ghế ăn dặm ngay từ đầu.
Một sai lầm nhiều mẹ mắc phải đó là làm theo nhất nhất các bước chế biến ăn dặm kiểu Nhật, rất cầu kỳ và mất thời gian (như rây món ăn thế nào, cấp đông ra sao, chia thức ăn thế nào...) nhưng lại không tuân thủ nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất của Ăn dặm kiểu Nhật đó là: Cho bé ngồi ghế ăn khi ăn. 

Hậu quả của việc mẹ không cho bé ngồi ghế ăn từ khi mới bắt đầu ăn dặm không đến ngay từ đầu, mà phải sau một vài tháng, khi bé được khoảng 9 tháng tuổi trở lên, là thời điểm bé càng ngày càng hiểu động hơn. 

Khi bé biết bò, biết đi và có nhu cầu khám phá mạnh, không còn chịu ngồi yên một chỗ khi ăn và chịu sự "khống chế" của mẹ nữa. Đến lúc này mẹ mới thấy việc không cho con ngồi ghế ăn tai hại đến mức nào: Bé không chịu ngồi yên mà ăn, bò hết chỗ nọ đến chỗ kia, cũng không tập trung ăn, ăn được một tí lại bò ra chỗ khác chơi, nếu mẹ níu bé lại thì bé khóc, phản đối, giãy giụa, thậm chí nôn trớ. 

Mẹ lại chạy theo con để đút cho ăn, chẳng khác đi ăn rong. Rồi mẹ muốn tập cho con ngồi lại ghế ăn, nhưng tập ở thời điểm này rất khó khăn, đặc biệt nếu mẹ không quyết tâm và kiên trì, vậy là mẹ nghĩ rằng mẹ thất bại khi cho bé Ăn dặm kiểu Nhật và lại quay lại kiểu ăn con đi đâu mẹ theo đấy.
Cách khắc phục tình trạng này: Tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc cho bé ngồi ghế ăn ngay từ đầu, và khi ăn thì phải ngồi ghế, ngồi một chỗ.
Mẹ có thể tham khảo các bài viết sau đây của Bibabo:

Hướng dẫn mẹ giúp bé làm quen với ghế ăn

Đánh giá một số loại ghế ăn dặm phổ biến

Lợi ích của ghế ăn dặm


2. Mẹ không hiểu bé

Đây là một sai lầm đáng tiếc mà các mẹ hay gặp phải khi cho bé ăn dặm, đó là không cố gắng hiểu rõ nhu cầu của bé, sự phát triển của bé và thường làm theo ý mình.

a. Mẹ không hiểu thời điểm sẵn sàng ăn dặm của mỗi bé lại khác nhau

Mẹ cần nhớ rằng mỗi trẻ có tính khí, đặc điểm, sự phát triển và cả sở thích khác nhau, thời điểm sẵn sàng ăn dặm cũng vậy. Có những bé có thể sẵn sàng ăn dặm từ rất sớm, nhưng cũng có những bé thì ngược lại, sẵn sàng ăn dặm muộn, có thể đến tận 7-8 tháng mới chịu cho mẹ đút thìa cháo đầu tiên. 

Mẹ thì lại quá máy móc, không chịu lắng nghe nhu cầu của con, thấy con không ăn thì lại nghĩ rằng bé không hợp tác phương pháp này và lại bắt đầu quay về phương pháp ép bé ăn, mặc bé khóc lóc, khó chịu vì chưa muốn ăn.

- Cách khắc phục tình trạng này: Mẹ cho bé ăn những thìa thức ăn đầu tiên đúng cách (xem bài Hướng dẫn mẹ cho bé ăn dặm giai đoạn 5-6 tháng) để bé không sợ thìa và sợ thức ăn. 

Mẹ kiên nhẫn chờ đợi đến khi bé sẵn sàng ăn dặm và cuối cùng, khi bé được khoảng 7.5 tháng tuổi, nếu bé vẫn không chịu ăn dặm thì mẹ cần xem lại thói quen sinh hoạt của bé, liệu mẹ có cho bé bú vặt hay không? Bé có bú quá nhiều sữa hay không? bé có bú đêm quá nhiều hay không? Hay giấc ngủ của bé có ổn định hay không (mẹ đừng chủ quan, muốn bé ăn tốt thì bé cần ngủ tốt và ngược lại, do đó, chất lượng giấc ngủ của bé cũng rất quan trọng). 

b. Mẹ không hiểu nhu cầu ăn dặm của bé 

Một trường hợp khác rất rất phổ biến là mẹ mắc phải sai lầm của ăn dặm tiêu cực, đó là cho bé ăn theo "NHU CẦU CỦA MẸ" chứ không phải là nhu cầu của bé. Tức là mẹ cho bé ăn với định lượng mẹ nghĩ là đủ là tốt cho con, không cần biết con có ăn được chừng đó hay không, hay có thích ăn món đó hay không. 

Mẹ không hiểu và tôn trọng nhu cầu của con, nên khi thấy con ăn ít mẹ lại lo lắng và cố tìm cách để dụ con, ép con ăn cho "hết suất". Khi bé phản đối việc bị ép ăn vì bé đã no, bé không có nhu cầu ăn tiếp nữa thì mẹ lại nghĩ rằng con hư, hay con không hợp với kiểu ăn dặm này và bỏ cuộc. 

- Cách khắc phục tình trạng này vừa đơn giản lại vừa khó khăn, bởi vì mẹ chỉ cần tôn trọng nhu cầu của con và điều chỉnh lại tư tưởng của mẹ, không cố gắng phải ăn hết suất mới được kết thúc bữa ăn, hay bắt bé phải ăn theo mục tiêu của mẹ. Điều này đòi hỏi mẹ phải hết sức quyết tâm. 

c. Mẹ không hiểu đặc điểm phát triển của bé. 

Rất nhiều mẹ có bé ở độ tuổi 8-9 tháng trở lên than phiền rằng mình đã thất bại khi cho con ăn dặm kiểu Nhật, khi con bỗng nhiên đang ăn ngoan lại lười ăn kinh khủng.

Mẹ cứ thế coi đó là một thất bại và quay lại cách cho ăn tiêu cực hoặc chuyển sang một phương pháp khác, nhưng vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn con ăn - biếng ăn như thế. Nguyên nhân do tình trạng này rất đơn giản: Vì mẹ không hiểu được đặc điểm phát triển của bé. 

Trong 2 năm đầu đời của mình, bé sẽ có 10 giai đoạn phát triển vượt trội về kỹ năng và trí não được gọi là Tuần khủng hoảng (The wonder weeks), kết quả của tuần khủng hoảng là bé sẽ học được rất nhiều và lớn lên rất nhiều sau mỗi tuần giai đoạn. Tuy nhiên để thấy được ngày năng thì phải đi qua những ngày giông tố, và đó chính là giai đoạn bé gặp rất nhiều khó khăn như biếng ăn, khó ngủ, quấy khóc, bám mẹ…[Xem thêm bài các giai đoạn phát triển ảnh hưởng đến quá trình ăn dặm của bé)
Đa số các bé khi rơi vào tuần khủng hoảng sẽ biếng ăn, còn được gọi là giai đoạn biếng ăn sinh lý. Đặc điểm là bé đang ăn tốt bỗng nhiên lười ăn kinh khủng. 

Giai đoạn biếng ăn sinh lý của tuần khủng hoảng trong thời kỳ ăn dặm có thể rơi vào khi bé được 8-9 tháng tuổi, 9.5-10.5 tháng tuổi, 11.5-13 tháng tuổi, 14.5-16 tháng tuổi, 17-18 tháng tuổi. Mẹ cần tìm hiểu kỹ về sự phát triển của bé và có cách xử lý phù hợp khi vào giai đoạn này, thay vì ép bé ăn, nản chí và nghĩ rằng mình đã thất bại khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật rồi bỏ cuộc. 


3. Kỳ vọng của mẹ quá cao
Một sai lầm nữa của mẹ dẫn tới việc thất bại khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật đó là mẹ có kỳ vọng quá cao và thích so sánh con mình với con nhà khác.
Mẹ có thể mong bé ăn nhiều, mong bé vừa ăn tốt vừa lên cân, bụ bẫm béo khỏe, hay mẹ có thể muốn bé học được kỹ năng tăng độ thô, xử lý thức ăn thật nhanh hay phải được bằng bạn này, bạn kia. Việc này vô hình chung tạo áp lực cho cả mẹ, cả con và khiến mẹ thúc ép con quá mức, ảnh hưởng đến sự tiến bộ và tâm trạng khi ăn của bé. 


4. Các nguyên nhân khách quan 

Đôi khi, nguyên nhân mẹ thất bại khi cho bé ăn dặm kiểu Nhật không đến từ tư tưởng và cách cho ăn của mẹ mà lại đến từ các yếu tố bên ngoài như quan điểm của những người trong gia đình, đặc biệt khi mẹ phụ thuộc vào một người khác cho bé ăn như ông bà hoặc người giúp việc.
Mẹ đi làm không thể kiểm soát được tình hình, người cho bé ăn có thể không có cùng quan điểm với mẹ nên đã hình thành thói quen cho ăn xấu hoặc làm sai lệch đi hẳn các nguyên tắc của Ăn dặm kiểu Nhật, khiến mẹ dù rất cố gắng kiên trì nhưng vẫn phải bó tay vì "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Bé thì càng hoang mang và khó chịu khi ăn vì không biết nên theo kiểu nào.
Do đó, trước khi mẹ cho bé ăn dặm kiểu Nhật thì cần bàn bạc kỹ vơi gia đình, trang bị kiến thức cho cả nhà, đặc biệt là những người cho bé ăn, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của mọi người và có kế hoạch cụ thể, đồng thời cũng cần dành một chút thời gian để quan tâm sát sao quá trình cho bé ăn trong thời gian đầu, thì mới có thể hy vọng thành công với phương pháp này được.  

Tóm lại những nguyên nhân khiến mẹ thất bại khi cho bé Ăn dặm kiểu Nhật chính là vì mẹ đã mắc phải tư tưởng ăn dặm tiêu cực. Do đó, để cho bé ăn dặm kiểu Nhật thành công, thì trước tiên mẹ cần phải có tư tưởng tích cực, tôn trọng nhu cầu của bé, hiểu rõ về các giai đoạn biếng ăn sinh lý và kiên trì cùng kiên định. 




07/2017.  
  Thích
  Facebook