Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

12/2017

Các mốc phát triển cảm xúc quan trọng của trẻ dưới 1 tuổi

Cũng giống như thể chất, cảm xúc của trẻ cũng phát triển tương ứng với từng giai đoạn lớn lên của trẻ. Ở mỗi giai đọan phát triển cảm xúc, bé lại có cách thể hiện cảm giác của mình khác nhau. 

Trẻ từ 0-6 tháng tuổi 

Khi vừa mới chào đời, mọi giác quan của bé tuy đều đã hoạt động nhưng vẫn còn ở phạm vi hẹp, do đó, sự thể hiện cảm xúc của bé cũng chỉ dừng lại ở những cử chỉ đơn giản và những nhu cầu cơ bản như khóc khi đói, buồn ngủ, khó chịu hay cười khi được ăn no. Lúc này, bé thường thể hiện cảm xúc thân mật với người gần gũi và chăm sóc bé nhiều nhất, còn với những người khác, bé thường chưa có biểu hiện gì khác biệt. 

Khi lớn dần lên, khả năng tiếp nhận âm thanh, mùi vị và hình ảnh thế giới xung quanh của trẻ ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn thì khả năng phát triển và thể hiện cảm xúc của bé cũng tăng lên. 

Lúc này tuy bé chưa thể hiện được cảm xúc rõ rệt nhưng bạn vẫn có thể cảm nhận được cảm giác vui, buồn, giận hờn đang dần phát triển của bé thông qua nét mặt, tiếng khóc, tiếng gù gù và cử chỉ hành vi của bé. Bé cũng bắt đầu biết thể hiện cảm xúc với phạm vi đối tượng rộng hơn, ví dụ như thường thân mật và thả lỏng với những người bé “quen mặt”, “quen hơi” và thường thể hiện thái độ lạ lẫm, khó chịu với những người lạ. 

Trẻ từ 6-12 tháng tuổi 

Đây là giai đoạn bé gần như đã hoàn toàn quen với môi trường bên ngoài bụng mẹ và đã bắt đầu thể hiện tình cảm mãnh liệt hơn với những người thân của mình, đặc biệt là với mẹ. Biểu hiện rõ rệt nhất là khi bé bước vào giai đoạn lo sợ xa cách - một thời điểm phát triển cảm xúc vượt bậc của trẻ 6-12 tháng tuổi khi bé bắt đầu học được về khoảng cách, về việc mẹ có thể đi vắng một lúc nhưng mẹ sẽ quay trở lại.
Ở giai đoạn này, bé cũng thể hiện cảm xúc của mình theo những cách phong phú hơn, đồng thời bé cũng biết sợ người lạ hơn và bắt đầu phát triển tình cảm với một vật thân thiết với mình như thú bông hoặc chăn bé thường đắp. 

Trẻ sẽ dần trở nên thân thiết hơn với các đồ vật mình thường dùng.

Sự độc lập của bé theo từng giai đoạn

Khi con còn là một đứa trẻ sơ sinh, con cảm thấy rằng con là một phần của bạn, tuy nhiên khi lớn lên, con bắt đầu nhận ra con là một cá thể độc lập với cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình. Từ đó con cũng có cách phát triển sự độc lập của riêng mình.

Trẻ từ 1-6 tháng

Khi con sinh ra, con phụ thuộc và bạn, bạn là chỗ dựa của con và phải một thời gian dài nữa con mới có thể tự lập được. Thời gian này con luôn nghĩ rằng con và bạn là một phần không thể tách rời. 

Ngay từ ban đầu, con chỉ nhận biết được các nhu cầu cơ bản như thức ăn, tình yêu thương và sự chú ý. Nếu con nhận được đầy đủ tình yêu thương và cảm thấy an toàn, con sẽ có thời gian để học cách kiểm soát các hành động của cơ thể hoặc phản xạ thay vì phải lo sợ hay đi tìm cảm giác yêu thương nếu bé bị thiếu thốn.

Một nghiên cứu nổi tiếng cho thấy quá trình để trẻ có thể nhận ra bản thân mình không phải một sớm một chiều. Để nghiên cứu được việc này, các bé đều được đặt trước gương để xem con có thể nhận ra mình trong gương không, nhưng không. Các bé có thể chạm vào hình ảnh của mình trong gương nhưng lại hành động như thế con đang nhìn thấy một em bé khác chứ không phải mình.

Một trong những cách đầu tiên mà con thể hiện các ý muốn hay yêu cầu của bản thân đó là "khóc" để thu hút sự chú ý của ban. Dấu hiệu này cho thấy bé đang ngày càng ý thức được hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác, cụ thể là bạn.

Khi con được 4 hoặc 5 tháng, bạn có thể nhận thấy rằng bé đã bắt đầu nhận thức rõ hơn rằng mình là một người riêng biệt. Con muốn giao tiếp và cảm thấy gần gũi với bạn và sẽ phản ứng lại với giọng nói, nụ cười khi bạn trò chuyện với con.

Trẻ 7-12 tháng

Khoảng 7 tháng, em bé của bạn sẽ nhận ra rằng bạn và con là những người riêng biệt, đây là một bước nhảy vọt lớn về nhận thức xứng đáng để ghi nhớ.

Vì lý do này, con có thể thấy buồn hay khó chịu khi bạn không ở bên cạnh con, ngay cả trong thời gian ngắn, đây gọi là sự lo lắng khi bị xa cách. Ở tuổi này, còn còn quá nhỏ để nhận ra rằng bạn sẽ trở lại với con khi rời xa con trong một khoảng thời gian nào đó, đó là lý do con thấy buồn hay khó chịu khi bạn không ở bên. Khi bạn không ở cạnh con, con sẽ trở nên lo lắng, căng thẳng, bạn có thể thấy con nhìn xung quanh tìm kiếm bạn và ra một số dấu hiệu cần được giúp đỡ hoặc cần được chú ý. 

Trong trường hợp này, nếu bạn có việc phải đi và để con cho người khác chăm sóc bé thì hãy nói lời tạm biệt với con. Trước khi đi, hãy giải thích với con bạn sẽ sớm quay lại, ngay cả khi bạn không chắc con hiểu được những điều bạn nói. Việc lén ra ngoài mà không nói một lời nào với con sẽ càng làm cho con trở nên lo lắng hơn. Vì vậy hãy tạo cho con một phản xạ khi bạn nói tạm biệt và phải đi, con sẽ biết rằng lúc đó mình sẽ không có bạn bên cạnh. Khi bé lớn lên, bé sẽ dần dần trở nên hòa đồng và tự tin hơn và con sẽ học được rằng khi bạn chia tay, đó chỉ là tạm thời mà thôi.

Nếu bạn thường xuyên ở cạnh con, con sẽ mất nhiều thời gian hơn để thể nhận ra sự vắng mặt tạm thời của bạn. Nhưng cũng đừng lo, sẽ đến lúc con nhận ra sự vắng mặt của bạn và biết bạn sẽ quay trở lại. Bạn có thể trấn an con bằng cách đưa cho con vật gì đó quen thuộc mà bạn hay sử dụng, ví dụ như một chiếc khăn mùi xoa, con sẽ vẫn cảm nhận được mùi của bạn trên chiếc khăn và điều này có thể làm con thấy dễ chịu hơn.