Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

11/2017

Các phương pháp giảm đau dùng thuốc dành cho mẹ bầu khi sinh con

Mang thai và sinh con là thiên chức của người phụ nữ, tuy nhiên để thực hiện thiên chức của mình, sản phụ phải vượt qua nỗi đau đớn trong chuyển dạ. Chính cơn đau này làm sản phụ lo lắng, gây tình trạng tăng tiết một số hormone không tốt khiến huyết áp tăng vọt, thay đổi nhu cầu tiêu thụ oxy, ảnh hưởng đến lưu lượng máu tử cung - rau thai gây thai suy. 

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp giảm đau tự nhiên và cả giảm đau bằng thuốc mẹ bầu có thể áp dụng khi vượt cạn để giảm cảm giác đau đớn, giúp chị em cảm thấy an tâm hơn khi sinh con. Tuy nhiên, mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý là bất kì phương pháp giảm đau bằng thuốc nào cũng cần nhận được chỉ định và sự đồng ý cũng như theo dõi sát sao của bác sĩ. 

Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần có kiến thức về các phương pháp này để có thể thảo luận và thống nhất với bác sĩ trước khi sinh để kế hoạch sinh nở diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Mẹ hãy cùng Bibabo tìm hiểu những phương pháp giảm đau hiệu quả nhất hiện nay nhé!

Các phương pháp giảm đau bằng thuốc

1. Giảm đau bằng thuốc Demerol

Demerol là một trong những loại thuốc gây mê sản khoa phổ biến nhất. Thuốc sẽ được tiêm (đôi khi tiêm ở mông) hoặc sẽ có trong dung dịch tiêm tĩnh mạch để giảm đau khi sinh. Giúp mẹ thư giãn để có thể chống lại cơn đau co thắt tử cung tốt hơn.

Thuốc có thể sử dụng lặp lại khoảng 2 - 4 tiếng đồng hồ nếu cần thiết. Khi sử dụng Demerol, một số mẹ cho rằng khả năng kiểm soát cơn đau chuyển dạ giảm đi khi thuốc có tác dụng. 

Thuốc có thể có vài tác dụng phụ tùy thuộc độ nhạy cảm của các mẹ như buồn nôn, tụt huyết áp. Tác dụng của thuốc có ảnh hưởng đến thai nhi hay không tùy thuộc vào liều lượng của thuốc và khoảng thời gian dùng thuốc gần hay xa lúc lâm bồn. Nếu sử dụng thuốc quá gần lúc sinh, bé sẽ có thể buồn ngủ và giảm khả năng bú, hoặc có thể tình trạng hô hấp của bé sẽ bị suy giảm và cần tiến hành hỗ trợ thở oxi. Tất cả các tác dụng phụ lên trẻ sơ sinh chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có thể điều trị nếu cần thiết.

Demerol thường sẽ không được sử dụng cho đến khi cơn đau đẻ thực sự bắt đầu, nhưng Demerol cũng phải được dùng trước khi sinh 2 hoặc 3 tiếng.

2. Phương pháp gây tê âm hộ

Phương pháp này được áp dụng trong giai đoạn thứ hai của quá trình chuyển dạ, và gây tê âm hộ thường được dùng ở những ca sinh thường – sinh ngã âm đạo.

Phương pháp này được tiến hành bằng một mũi tiêm vào vùng âm hộ. Thuốc gây tê sẽ giảm đau ở khu vực đó, nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy những cơn đau ở tử cung. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao nhất khi quá trình sinh nở có sử dụng dụng cụ trợ sinh là uống hút hoặc kẹp. 

Thuốc có thể có tác dụng khi phải rạch âm hộ (nếu cần thiết) và giúp giảm đau trong trường hợp âm hộ được rạch hoặc bị rách.

3. Sử dụng khí NO

Nitrous oxide (NO) còn được gọi là khí cười, thường được sử dụng để giảm đau khi sinh nở. Khí này không làm giảm toàn bộ cơn đau nhưng có thể làm giảm một phần cơn đau và cũng là lựa chọn thay thế tuyệt vời cho những mẹ không chọn phương pháp  gây tê ngoài màng cứng.

Với phương pháp NO này, bạn có thể tự điều chỉnh liều dùng, bạn có thể hít vài hơi NO khi cảm thấy cần được giảm đau và để nó sang một bên khi cảm thấy tự mình có thể kiểm soát được cơn đau.

4. Thuốc an thần

Những thuốc an thần như Phenergan và Vistaril có tác dụng trấn an và làm thư giãn khi mẹ lo sợ, nhằm giúp mẹ có thể tập trung thực hiện tốt ca sinh nở của mình. Thuốc an thần cũng có tác dụng làm tăng tác dụng của một số loại thuốc gây mê như Demerol,...

Cách giảm đau này cũng chỉ được dùng khi quá trình chuyển dạ thật sự bắt đầu và ngay trước khi lâm bồn. Nhưng thuốc an thần thỉnh thoảng cũng được dùng trong giai đoạn đầu của cơn đau chuyển dạ nếu mẹ quá lo sợ và căng thẳng làm chậm tiến trình sinh nở.

Sự phản ứng của các mẹ với thuốc rất đa dạng. Một vài mẹ sẽ cảm thấy choáng nhẹ, một số mẹ khác sẽ cảm nhận thuốc có tác dụng điều khiển hành vi và trí nhớ của mình. Ngoài ra, liều lượng thuốc sử dụng cũng tạo nên sự khác biệt. Sử dụng thuốc với liều lượng ít có thể giúp mẹ giảm đau tốt và không làm mất đi sự tỉnh táo. Liều lớn hơn có thể gây ra tình trạng ngủ gật trong lúc lâm bồn khiến cho các thủ thuật vượt cạn trở lên khó khăn hơn.

ai-nen-gay-te-ngoai-mang-cung-de-giam-dau-khi-sinh-822d_450.jpg

Mẹ bầu nên tìm hiểu về các phương pháp giảm đau trước khi sinh để có sự chuẩn bị tốt nhất.

5. Gây tê ngoài màng cứng

Gây tê ngoài màng cứng được sử dụng khá phổ biến trong quá trình chuyển dạ giúp mẹ bầu đỡ đau và sinh nở dễ dàng hơn. Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng được sử dụng lần đầu tiên vào đầu những năm 1900, nhưng phải tới 70 năm sau đó, thủ thuật này mới trở nên phổ biến và được các mẹ bầu chọn lựa nhiều.

Gây tê ngoài màng cứng nói chính xác hơn là gây tê vùng. Điều này có nghĩa, mẹ sẽ nhận được một mũi gây tê vào cột sống, thuốc từ đó phân tán đối xứng sang hai vùng lân cận xung quanh làm tê liệt một vài bộ phận chịu áp lực nhiều nhất trong khi chuyển dạ. 

Thông thường, thuốc có tác dụng từ núm ti hoặc rốn xuống tận các ngón chân. Vì vậy, bà bầu vẫn hoàn toàn tỉnh táo và ý thức được mọi chuyện xung quanh, chỉ trừ không cảm nhận được cơn đau đẻ đang “hoành hành”. 

Việc gây tê tại chỗ “dọn đường” cho kim tê ngoài màng cứng gây cảm giác khá đau cho mẹ. Khi các kim chạm vào dây thần kinh có liên quan đến chân, bạn sẽ không tránh khỏi vài cơn đau nhói khó chịu.

Trong lúc chuyển dạ, một số mẹ sẽ cảm nhận được các cơn co thắt nhưng không hề thấy đa. Trong khi đó, lại không ít mẹ tê liệt hoàn toàn từ núm vú đến đầu gối.

Sau khi sinh, các bác sĩ sẽ loại bỏ các băng dán và kéo ống thông ra. Nhiều giờ liền sau đó, bạn có thể vẫn trải nghiệm cảm giác tê ở chân. Đôi khi, mẹ còn cảm thấy yếu ở chân hoặc thậm chí tê liệt trong khoảng thời gian khá dài. Đau lưng cũng là tác dụng phụ khá phổ biển sau thủ thuật đẻ không đau này.

Để thực hiện một ca gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ phải khám thật chi tiết cho mẹ về tiểu sử bệnh lý, tình trạng chuyển dạ, cơn co thắt để tiên lượng xem liệu ẹm có phù hợp với phương án đẻ không đau này hay không. Thông thường, mẹ sẽ không được thực hiện phương án này với 6 nguyên nhân sau:

  • Đã và đang dùng thuốc chứa chất làm loãng máu trong thai kỳ.

  • Chất lượng máu của bà bầu không đủ tiêu chuẩn do quá ít tiểu cầu hay một vài lý do khác.

  • Tình trạng thừa cân khiến bác sĩ gây mê khó có thể xác định được vị trí khoang trên ngoài màng cứng để truyền thuốc vào.

  • Chảy máu quá nhiều hoặc đang bị sốc không đạt điều kiện thích hợp cho thủ thuật đẻ không đau, bởi bà bầu rất dễ bị tụt huyết áp đột ngột.

  • Viêm nhiễm ở vùng lưng cũng cản trở việc thực hiện phương pháp này.

  • Cổ tử cung đã mở đủ chuẩn để sinh thường (8-10cm).

6. Gây mê toàn thân

Gây mê toàn thân hiếm khi được áp dụng để giảm đau khi sinh nở hiện nay, phương pháp này chỉ được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt cần mổ lấy thai.

Các chuyên gia gây mê trong phòng phẫu thuật hoặc phòng sinh sẽ tiêm thuốc vào ống tiêm tĩnh mạnh (IV) để mẹ dần rơi vào trạng thái ngủ. Khi ngấm thuốc, mẹ sẽ cảm thấy chuếnh choáng, mất phương hướng và bồn chồn.

Mẹ cũng có thể bị ho hoặc đau cổ (vì thông thường ống dẫn sẽ được đưa vào miệng thông xuống cổ họng của mẹ) và mẹ có thể sẽ có hiện tượng buồn nôn.

Điểm bất lợi lớn nhất của phương pháp gây mê toàn thân là nó sẽ làm em bé mê man như mẹ. Các bác sĩ sẽ giảm thiểu đến mức tối đa tác dụng gây mê của thuốc bằng cách tiến gây mê sao cho gần lúc sinh nhất có thể. Bằng cách đó, bé sẽ được sinh ra trước khi thuốc mê có ảnh hưởng đến bé.

Hầu như các thuốc giảm đau được sử dụng khi mẹ sắp chuyển dạ đều được trải qua các thí nghiệm và sàng lọc kĩ càng. Tuy nhiên các bác sĩ vẫn không mong muốn sử dụng nếu không thật sự cần thiết. Để tìm hiểu về những phương pháp giảm đau khi sinh không dùng thuốc mẹ có thể học thêm những cách thư giãn, massage,... hoặc mẹ có thể tìm hiểu thêm thông tin tại bài viết [Phần 2].

Chúc mẹ vượt cạn thành công!





Xem thêm bình luận