Tài khoản

user_avatar
BIBABO   

An tâm làm mẹ.

12/2017

Các quy tắc kỉ luật tích cực trẻ dưới 1 tuổi hiệu quả, giúp con nề nếp ngay từ bé

Hạn chế nói từ “Không” 

Bố mẹ cần hiểu rằng, khi được khoảng 6 tháng, bé đang bắt đầu học từ "không", vì thế nên nếu bố mẹ quá lạm dụng từ này thì các bé sẽ bắt chước theo và luôn luôn nói không trong mọi tình huống, dù không hiểu rõ ý nghĩa của hoàn cảnh sử dụng. Do đó, bố mẹ chỉ nên sử dụng từ “không” khi cần thiết,  ví dụ như khi con gặp tình uống không an toàn (sờ ổ điện, chạy ra ngoài đường,...). Điều này sẽ giúp con hiểu khái niệm nhanh hơn.

"Kỷ luật" có nghĩa là "dạy dỗ", chứ không phải "trừng phạt"

Đừng đợi đến khi trẻ có hành động không hay thì bố mẹ mới nhắc nhở hay quát mắng con, mà bố mẹ nên dành phần lớn thời gian và sự lưu tâm khi con đang thoải mái, đồng thời dạy con những điều nên và không nên làm vào thời điểm đó thông qua các tình huống hoặc tấm gương từ người khác.

Ở lứa tuổi này, trẻ nhỏ chỉ mới bắt đầu hiểu được các câu lệnh ngắn của bạn, và trẻ học được điều này theo kiểu nguyên nhân và kết quả: Nếu bé làm điều này, thì điều kia sẽ xảy ra, là kết quả ứng với việc bé vừa làm. Vì vậy, nếu bé làm sai điều gì đó có tính nguyên nhân, trước tiên hãy đảm bảo là bạn không quát mắng hay trách phạt bé, mà phải làm thế nào để bé hiểu rằng khi bé làm điều này thì sẽ có hệ quả ra sao. 

Ví dụ khi bé ném thức ăn thì bé sẽ phải dừng bữa ăn trong một khoảng thời gian nhất định, rồi mới được ngồi vào bàn ăn tiếp. Nếu bé vẫn tiếp tục ném thức ăn, bé sẽ không được ăn nữa và phải chờ đến bữa sau. Sau đó, không nên nhắc đi nhắc lại tình huống bé làm sai mà thay đổi sang một tình huống khác. 

Việc hiểu được về nguyên nhân và hệ quả không phải trong một sớm một chiều, do đó bố mẹ cần phải rất kiên trì và nhất quán trong hành động của mình. 

Sử dụng chiến lược "xa mặt cách lòng" cũng hoạt động khá hiệu quả ở giai đoạn này khi bố mẹ gặp khó khăn với biện pháp nguyên nhân - hệ quả. Nghĩa là khóa, cất mọi thứ hoặc để mọi thứ mà trẻ không nên sờ tới xa tầm mắt và tầm với của trẻ.

Trong những tháng ngày mới bắt đầu khám phá mối quan hệ thân mật giữa người thân trong gia đình, bé sẽ làm nhiều “thí nghiệm” như kéo tóc, véo mặt cha mẹ với mục đích để cho bạn thấy tình cảm của mình. Nếu trẻ làm như vậy, bạn hãy nói với con rằng: "Làm thế đau đấy!" với một giọng điệu nghiêm khắc nhưng nhẹ nhàng, và cố gắng chuyển hướng sự chú ý của bé sang một hành động tích cực hơn, ví dụ như một nụ hôn trên tay.

Làm trẻ sao lãng thay vì cố gắng sử dụng một số phương pháp như "thời gian chờ" ở độ tuổi này là một biện pháp khôn ngoan. “Thời gian chờ” là phương pháp “kỉ luật” bằng cách đưa bé ra vị trí khác trong vài phút, tách khỏi tình huống mà bé đang thực hiện. Phương pháp này thường không hiệu quả vì trẻ dưới 1 tuổi không biết bạn đang cố gắng đạt được gì, và trẻ cũng không nhớ trẻ đã từng làm sai việc gì dù điều đó mới chỉ diễn ra từ vài phút trước. Cuối cùng, bố mẹ sẽ phải nhượng bộ khi mà bé không thể ngồi yên nổi quá 1 giây, và việc nhượng bộ này đôi khi còn gây ra kết quả tệ hại hơn trước đó. Tạm bỏ qua hành vi chưa tốt của trẻ, và chờ cho đến khi bạn biết bé "hiểu được" mới thực sự là cách xử lý phù hợp.

Khi bạn cho rằng việc làm sao lãng hay thay đổi tình huống là cần thiết thì hãy đảm bảo bạn luôn có một phương án để thay thế. Ví dụ, khi cần lấy khỏi tay bé thứ đồ của bạn (như vòng, trang sức,...) thì cùng lúc đó hãy đưa ra một món đồ hấp dẫn và nói những câu ngắn với giọng điệu hào hứng như: "Bộ xếp hình màu xanh này hay hơn. Nó xếp được nhiều hình đẹp này" (nên chọn thứ đồ chơi mà bình thường con vẫn thích để làm xao lãng bé).

Nói với bé những gì bé có thể và không thể có bằng giọng nghiêm túc và đi kèm với một lời giải thích ngắn gọn, đủ ý, ví dụ như: "Cái này không phải để chơi. Nó sẽ làm con bị đau đấy. Mẹ sẽ buồn khi con bị đau". Có thể bạn không nghĩ rằng con có thể hiểu ngay, nhưng việc lặp đi lặp lại sẽ giúp con hiểu những gì bạn đang nói và đâu là ranh giới không nên phạm phải. Con cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi biết mình luôn được bố mẹ bảo vệ.

Kỉ luật trẻ bằng bạo lực có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của con.

Khi trẻ “ăn vạ”, hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân 

Trẻ sơ sinh sẽ có những hành động khó chịu hoặc khóc như một cách để đối phó với căng thẳng. Thường thì con sẽ hành động như thế khi con chán, mệt mỏi, đói, buồn, hoặc lo lắng, bạn nên cố gắng xác định nguyên nhân của những hành vi này.

Nếu bé đang có những hành động tỏ ra hơi mệt mỏi, hãy đưa cho con một trong những đồ chơi yêu thích của bé. Nếu con vẫn thiếu kiên nhẫn hoặc cáu kỉnh hay gào khóc to hơn, thì có lẽ là do con đói bụng, buồn ngủ hoặc quá kích thích. Nếu con vui mừng khi thấy đồ chơi, có lẽ do con thấy chán, thiếu thứ mà con thích.

Nếu bạn nắm được tâm lý của con, bạn sẽ biết con cần gì. Ví dụ, một số em bé không thích đồ chơi có tiếng ồn quá mức, và một số em bé cần thời gian yên tĩnh trong nôi để thư giãn. Bố mẹ nên hiểu rõ sở thích, thói quen và nhu cầu của bé để đáp ứng cho phù hợp. 

Và nếu con khó chịu thì hãy thử suy nghĩ về những điều đơn giản khi bé trở nên khó chịu để hiểu con hơn. Ví dụ hãy suy nghĩ về việc có phải bạn vừa lấy đồ chơi của con khiến con khó chịu không?

Các em bé rất nhạy cảm, luôn cần tình yêu và sự bảo vệ. Và bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu có một em bé đang khóc và con bạn cũng khóc theo mà hãy coi đây là 1 điều đáng yêu của con.

Luôn nhất quán trong mọi tình huống

Các bé có xu hướng trở nên khó bảo vì các quy tắc và giới hạn không được đưa ra một cách nhất quán. Khi không có quy tắc hay không biết quy tắc là gì, con sẽ làm tất cả những gì con muốn. Thậm chí con sẽ học theo cách mà bố mẹ đã xử sự với mình. Đừng nhượng bộ khi con khó chịu với các quy tắc hay giới hạn mà bạn đặt ra cho con nếu bạn không muốn công sức của mình trở nên vô ích.

Nguyên tắc quan trọng nhất để áp dụng kỷ luật thành công đó là bạn phải giữ được sự nhất quán, bố mẹ không nên có những quan điểm đối lập nhau. Điều này sẽ chỉ làm con thấy rất khó hiểu và không biết làm thế nào là đúng. Ví dụ như bố cho phép con lên trên ghế sofa chơi nhưng mẹ thì không.

Hãy khen ngợi con khi có cơ hội

Các bé sẽ rất thích thú khi được bạn chú ý, do đó, hãy tập trung vào những điều tốt đẹp của con và không ngừng khen ngợi, khen ngợi và khen ngợi!

Nhưng bạn đừng nhầm khen ngợi là phải đi kèm với phần thưởng nhé. Nếu bạn luôn thưởng cho con mỗi khi con làm tốt điều gì đó, thì nếu con không nhận được phần thưởng, con sẽ bắt đầu không làm việc đó nữa. 

Bạn có thể cân bằng điều này bằng cách sử dụng phần thưởng cho những hoạt động nhất định hoặc một nhóm những hoạt động (ví dụ khi con không ném đồ trong 1 tuần liên tiếp), và dạy con rằng những phần thưởng tinh thần như hôn và ôm có giá trị hơn rất nhiều.

Hãy cho con cơ hội được tự quyết định

Hãy nhớ rằng em bé đang bắt đầu trở nên độc lập và đôi lúc khá cứng đầu. Vì thế nếu bạn để con quyết định các hành động của mình, bạn sẽ thấy cuộc sống của bạn dễ thở hơn nhiều thay vì phải luôn bắt con không được như thế này, phải làm như thế khác theo ý mình. Điều quan trọng hơn cả là tạo ra cho con một môi trường an toàn, đưa ra những giới hạn nhất định và để cho trẻ tự khám phá và tìm hiểu. Đây là cách mà con học hỏi về kỷ luật tích cực.

Ví dụ như nếu con muốn đứng xuống và đi trong khi bạn lại đang cố giữ con trong lòng, thì hãy để con được xuống và đi theo ý muốn, việc bạn nên làm lúc này là loại bỏ hết những chướng ngại vật làm bạn lo lắng, để con tự đi và khám phá thế giới theo cách của riêng mình.

Phản ứng bình tĩnh khi con có “hành vi xấu” 

Hãy luôn cố gắng phản ứng bình tĩnh nhất có thể với những “hành vi xấu” của con. Nếu bạn tức giận hay không kiểm soát được hành động của mình, bạn sẽ chỉ làm cho tình hình giữa bạn và con trở nên căng thẳng mà thôi.

Mỗi khi bạn thấy quá sức chịu đựng, hãy thử làm những việc sau để bình tĩnh trở lại: Dừng bất cứ việc gì bạn đang làm lại, hít thở sâu 10 lần, thư giãn, suy nghĩ vui vẻ và hoặc đặt con ở một nơi an toàn như nôi/cũi và nghỉ ngơi một lúc. Nếu con cáu gắt khó chịu và bạn cũng như vậy, thì sẽ làm ảnh hưởng đến tinh thần của con sau này.

Nói tóm lại, nếu bạn phát vào mông con bạn, thì cũng có nghĩa là bạn đang dạy cho con mình rằng đánh con là hành động được phép và con có thể làm điều đó với người khác.

Để nhận biết một em bé có hạnh phúc hay không, hãy nhìn vào:

- Thời gian chơi và thư giãn.

- Sự quan tâm.

- Sự khen ngợi.





- Các hoạt động trong ngày.

- Cảm giác được che chở của bé.